Ngày 11/1, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) bước sang ngày làm việc thứ 4.
Trước đó, trong chiều ngày 10/1, Luật sư Nguyễn Văn Quynh (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) thẩm vấn thân chủ của mình rằng bị cáo có đồng ý với cáo trạng của Viện kiểm sát không?
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói bị cáo nhận trách nhiệm vai trò người đứng đầu khi không đọc hợp đồng EPC số 33 nhưng bị cáo không cố ý làm trái. “Cáo trạng cho rằng bị cáo quanh co chối tội?” - luật sư tiếp tục hỏi. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trả lời: "khi đọc cáo trạng nói bị cáo quanh co thì không biết thế nào, vì trước đó làm việc với điều tra viên thì các đồng chí nói vậy".
Để làm rõ tại sao trang 25 bản cáo trạng có đoạn kết luận rằng quá trình điều tra, bị can Thanh khai báo không thành khẩn, HĐXX mời điều tra viên của C46, Bộ Công an lên giải thích. Luật sư hỏi điều tra viên có bằng chứng gì để chứng tỏ bị cáo Thanh quanh co?. Trước câu hỏi này, đại diện điều tra viên nói trong quá trình hỏi cung các bị can thì cơ quan điều tra trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng ý chí của bị can và thực hiện theo đúng quy trình được pháp luật tố tụng hình sự quy định.
"Chúng tôi tôn trọng lời khai của bị can Trịnh Xuân Thanh, không ép buộc gì bị can nhưng nội dung lời khai thể hiện trong hồ sơ...”. Khi điều tra viên đang trả lời thì HĐXX ngắt lời và nhắc điều tra viên trả lời ngắn gọn, xoay quanh hành vi, quyết định tố tụng và không trả lời về quá trình ghi lời khai của các bị can.
Tiếp lời HĐXX, đại diện điều tra viên khẳng định: “Những lời khai của bị can Trịnh Xuân Thanh không đúng với sự thật của vụ án. Chúng tôi kết luận bị can Trịnh Xuân Thanh là quanh co chối tội”.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN |
Theo cáo buộc, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỉ đồng; chỉ đạo việc sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng bị can Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC và Lương Văn Hòa - nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỉ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỉ đồng.
Ngoài tra, Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm cùng các bị can Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.
Hành vi của Trịnh Xuân Thanh phạm vào các tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" quy định tại khoản 3 Điều 165 và khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999.
Quá trình điều tra bị can khai báo không thành khẩn, quanh co chối tội, sau khi phạm tội bị can đã bỏ trốn gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra là những tình tiết cần xem xét để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc.
Theo Vnmedia