Ở tù nhiều hơn ở nhà, gã giang hồ Hải “bánh” cũng từng xem nhà tù là nơi an toàn nhất đối với mình. Nhưng ở trong nhà giam, mỗi khi mùa xuân tới, Hải “bánh” lại không khỏi bồi hồi và nhớ những cái Tết khi gã còn tự do.
Tết ở trong trại giam cũng có bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành… để cho các tù nhân đón xuân. Nhưng chừng ấy là chưa đủ, mỗi dịp xuân sang là thời khắc thiêng liêng với mỗi người bên mái ấm gia đình.
Hải “bánh” từng nói, mặc dù ở trong tù cũng được các cán bộ trại lo cho cái ăn, cái chơi trong dịp Tết nhưng dù vậy trong mỗi người dù ngổ ngáo đến mấy cũng rất buồn…
Năm 1985, vì sĩ diện với đàn em, Hải “bánh” đã bị bắt với tội cố ý gây thương tích. Hải “bánh” bị tuyên án 42 tháng tù. Tết Bính Dần (1986) cũng là cái tết đầu tiên gã phải đón giao thừa ở trại giam.
Trùm giang hồ "Hải bánh".
Trước đó - năm 1984, Thắng “mẩu” đàn em của Sơn “bạch tạng” ăn trộm chiếc balô của một quân nhân, trong có khẩu súng K54. Hải "bánh" đã lấy khẩu súng giấu ở nhà. Nguyễn Tuấn Long, em ruột Hải vác đi đánh lộn bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt.
Hải "bánh" đứng ra nhận tội cho em và đã phải nằm khám về tội tàng trữ vũ khí trái phép, nhưng lúc đó Hải "bánh" chưa đủ 17 tuổi nên được thả sau 7 ngày bị tạm giữ, và 7 ngày đó là lần đầu xộ khám của trùm giang hồ Hải "bánh".
Ngày 30 tết năm ấy gần hết, bạn tù đều đã có người thăm nuôi, tiếp tế. Riêng Hải “bánh” vẫn không thấy cán bộ trại thông báo gì. Gã vừa buồn, vừa hận.
Cuối giờ chiều hôm ấy, khi được cán bộ trại báo có thân nhân đến gặp, Hải “bánh” lao ra khỏi phòng như con thú xổng cũi. Rồi gã đứng sững lại trước người đàn ông ngoài 50 tuổi, quần áo lấm lem bùn đất. Ông già ngồi run run ở chiếc ghế giữa phòng, ông mang theo hai chiếc banh chưng, cân lạp xườn, mấy gòi kẹo… Hải “bánh” lao vào ôm người đàn ông ấy và khóc tu tu khi nhìn thấy những vết chà xát, những vết thương và vết máu rỉ ra trên môi. Người đàn ông đó là bố của Hải “bánh”.
Tết năm ấy Hải "bánh" không sao nuốt được một miếng bánh chưng. Hình ảnh người cha trong chiều 30 tết Bính Dần. Nhưng sau lần ấy, Hải “bánh” vẫn không thể trở thành người lương thiện.
Còn cái tết thứ hai của Hải “bánh” ở trong tù là năm 1990, trong lúc Hải "bánh" đang bảo kê cho một vài đường dây buôn lậu tuyến Hà Nội - Lạng Sơn thì Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an mở chiến dịch truy bắt một số chủ hàng và cả bọn bảo kê. Hải "bánh" đánh hơi thấy sự bất an nên hắn và Long "con" - một đàn em của Hải "bánh", dàn cảnh gây ra một vụ trộm cắp để cả hai bị bắt và giam ở Hỏa Lò, sau đó được đưa lên Trại giam Bình Đà đúng dịp tết 1990-1991.
Đây cũng chính là cái Tết mà Hải “bánh” liều mình trốn ra ngoài để thăm Lệ “sầu” đúng vào 30 tết. Nhưng không may cho gã, khi mò về nhà mình ở Hàng Cót thì cũng là lúc có tên cướp đã đột nhập vào nhà một người dân và lấy đi một số tiền lớn.
Ngay trong đêm, Công an quận Hoàn Kiếm đã triển khai bao vây một khu vực rộng lớn, trong đó có nhà Hải "bánh". Tưởng công an truy bắt mình Hải "bánh" hồn vía lên mây, hắn nằm dán mình dưới xó bếp cả đêm không dám thở mạnh. Sáng sớm mùng Một tết, Hải "bánh" vội vã khăn gói quả mướp quay lại trại trình diện và được ăn một cái tết “an toàn” trong trại Bình Đà.
Năm 2002. Khi ấy Hải "bánh" đang bị giam giữ vì hành vi tổ chức cho hai đàn em Trường "xoăn" và Hưng "chùa" giết Dung "Hà" theo lệnh của “ông trùm” Năm Cam trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP HCM.
Đây cũng là cái tết mà Hải “bánh” ám ảnh nhất, bởi tội tổ chức giết người của gã khó tránh khỏi án tử hình. Lúc đó, hình ảnh cô con gái “mồ côi” mẹ sắp sửa phải mồ côi cha làm đứt từng đoạn ruột của hắn.
Sau cái tết năm 2002, thấy Hải "bánh" chuyển biến về tư tưởng, Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Thiếu tá Nên động viên Hải ăn năn hối cải và thành khẩn khai báo tội lỗi, lập công chuộc tội thì sẽ được pháp luật khoan hồng.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, Hải "bánh" thấy sự sống bao giờ cũng quý giá hơn tất cả và hắn đã hành động đúng theo chân lý ấy, hắn đã được luật pháp cho hưởng án tù chung thân thay vì phải ra pháp trường.
BTV