Nếu trong những tuần trước, việc đe doạ sử dụng vũ lực của Nga với Ukraine chỉ là những lời đồn đoán, thì hiện nay, nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa hai nước đã cao hơn rất nhiều.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tự tin vào khả năng giải quyết căng thẳng với Ukraine hơn bao giờ hết. Sự tự tin này đến từ 3 yếu tố: nền kinh tế đang thụt lùi của Ukraine, sức mạnh quân sự vượ trội của Nga, và lá át chủ bài cuối cùng - Trung Quốc.
Đòn đánh kinh tế
Nga sẽ rất "biết ơn" Mỹ và các nước phương Tây, vì cơn bão truyền thông họ đã tạo ra về vấn đề Ukraine. Hàng loạt dự đoán đầy lo lắng về các bước đi tiếp theo của Nga, và quyết định chuyển đại sứ quán từ thành phố Kiev tới Lviv (phía Tây Ukraine) đã khiến nền kinh tế Ukraine bị ảnh hưởng xấu.
Trên thực tế, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy thậm chí đã chỉ trích Mỹ vì "gây ra sự hoảng loạn về một cuộc chiến tranh", nói rằng điều này đang gây tổn hại cho nền kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, vai trò như một "trạm trung chuyển" khí đốt từ Nga của Ukraine cũng đang bị giảm sút rõ rệt. Các nhà phân tích cho rằng lượng khí đốt từ Nga qua Ukraine đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử vào tháng 1/2022, đồng nghĩa với Ukraine sẽ mất doanh thu từ thuế quá cảnh.
Cơ sở khí đốt tại Lubmin, miền Bắc nước Đức, nơi khí đốt của Nga chảy vào. (Ảnh: AP) |
Mối đe dọa về xung đột còn khiến đồng tiền của Ukraine giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm so với đồng đô-la. Mức bảo hiểm của hàng hoá xuất khẩu Ukraine cũng bị đẩy lên cao hơn.
Theo một nhà kinh tế người Ukraine, cuộc khủng hoảng đã khiến nền kinh tế thiệt hại vài tỷ đô la chỉ trong vài tuần qua.
Sức mạnh quân sự
Mặc dù Tổng thống Putin đồng ý tham gia các cuộc đàm phán ngoại giao, nhưng rõ ràng Nga sẽ không dễ dàng lùi bước. Họ vẫn sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự như một đòn bẩy chính trị trên bàn đàm phán với phương Tây, dù chiến tranh có thể nổ ra và tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế Nga.
Thời gian gần đây, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận chiến lược với vũ khí hạt nhân, để nhắc nhở các nước phương Tây về vị thế siêu cường hạt nhân của Nga, và những rủi ro khi phải đối đầu với họ. Đồng thời, Nga và Belarus thông báo sẽ tiếp tục triển khai các cuộc tập trận chung vào cuối tuần qua. NATO ước tính khoảng 30.000 quân Nga hiện đang ở Belarus.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko theo dõi việc phóng tên lửa đạn đạo trong khuôn khổ cuộc tập trận của lực lượng răn đe chiến lược Nga từ Matxcơva, Nga ngày 19/2. (Ảnh: Reuters) |
Điện Kremlin tự tin rằng, sau những cải cách và dòng tiền ồ ạt đổ vào quân đội suốt 10 năm qua, Nga hiện là một trong những nước có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới. Họ tin rằng cả Mỹ và NATO đều sẽ không mạo hiểm can thiệp bằng vũ trang vào vấn đề Ukraine.
Vì vậy, bằng cách phô trương sức mạnh quân sự, ông Putin hy vọng các nước phương Tây sẽ gây sức ép buộc Ukraine giải quyết khủng hoảng theo điều kiện Nga.
Trung Quốc - át chủ bài
Nhưng Trung Quốc mới là quân bài mạnh nhất ông Putin đang sở hữu. Nga và Trung Quốc đang ngày càng thân thiết với nhau, và cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước trước thềm Thế vận hội Mùa đông 2022 đã khiến nhiều nước phương Tây lo ngại. Một số nước tuyên bố rằng cuộc gặp này sẽ "góp phần sắp xếp lại trật tự thế giới".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Bắc Kinh hôm 4/2. (Ảnh: Reuters) |
Đầu tiên, hai nước đã ký một thoả thuận vận chuyển dầu và khí đốt từ Nga sang Trung Quốc trị giá 117 tỷ USD. Thoả thuận này cho phép Moscow giảm thiểu thiệt hại kinh tế nếu Mỹ cố gắng ngăn đường ống khí đốt Nord Stream 2 "chảy" sang châu Âu.
Tiếp theo, trong tuyên bố chung của hai nước, Trung Quốc đã chính thức ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine. Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, đã củng cố thông điệp này. Mặc dù Nga không cần sự hỗ trợ quân sự của Trung Quốc, nhưng sự hậu thuẫn về kinh tế và chính trị của Bắc Kinh là điều đáng khích lệ đối với Moscow.
Đổi lại, Bắc Kinh sẽ thu được nhiều lợi tức lớn từ Moscow.
Thứ nhất, bằng cách đứng về phía Nga, Trung Quốc sẽ có được sự ủng hộ của Nga trong vấn đề Đài Loan. Trung Quốc có thể mượn cách tiếp cận của Nga trong căng thẳng với Ukraine như một hình mẫu, để tiếp tục gây áp lực, hoặc tấn công Đài Loan để sát nhập hòn đảo vào lãnh thổ của mình.
Thứ hai, Trung Quốc có thể dựa vào Nga để đối phó với hiệp ước an ninh AUKUS giữa Mỹ, Anh và Úc.
Thứ ba, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sử dụng mối quan hệ thân tình với Tổng thống Putin để củng cố quyền lực ở Trung Quốc. Cuối năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội đảng lần thứ 20 - một thời điểm quan trọng với sự lãnh đạo của ông Tập. Ở Trung Quốc, Putin được coi như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, vì vậy sự ủng hộ của ông Putin có thể sẽ đảm bảo một nhiệm kỳ nắm quyền nữa của ông Tập.
Hiện tại, thời gian đang đứng về phía Nga - một yếu tố chiến lược lớn mà các nước phương Tây không có. Và nếu mối hiềm khích giữa Nga, Trung Quốc và phương Tây càng sâu sắc, thì Bắc Kinh và Moscow sẽ càng xích gần lại nhau hơn.