Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Doanh, trắng trợn tuyên bố tàu Trung Quốc "chỉ làm đúng nhiệm vụ của mình". |
Theo đó, bà Hoa biện bạch rằng tàu Việt Nam đã "dùng chất nổ để đánh bắt cá" vì vậy, phía Bắc Kinh đã "tịch thu các chất nổ trên tàu".
Trong bài phát biểu, bà Hoa liên tục gọi quần đảo Hoàng Sa bằng cái tên Tây Sa và lặp lại luận điệu trắng trợn rằng vùng nước quanh khu vực này thuộc "vùng biển của Trung Quốc". Đại diện Bắc Kinh cho rằng tàu của họ không tấn công tàu của Việt Nam, theo Reuters.
Tờ Hoàn cầu thời báo dẫn lời chỉ trích phía Việt Nam của bà Hoa: “Vùng biển Tây Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam tăng cường giáo dục và quản lý các ngư dân nước mình, dừng ngay các hoạt động đánh bắt trong vùng biển của Trung Quốc”.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc ngang ngược tuyên bố có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, chà đạp luật pháp quốc tế.
Trước đó, ngày 10/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình, cho biết ngày 15/8, khi đang ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96697 TS đã bị lực lượng Trung Quốc từ hai ca nô cao su cùng số hiệu 207 khống chế, lên tàu đập phá, tịch thu trái phép một số tài sản và đánh đập các ngư dân.
Tàu Trung Quốc cũng khống chế, ngăn cản và lấy đi một số tài sản trên hai tàu cá khác của Việt Nam số hiệu QNg 96416 và QNg 96674 vào ngày 1 và 14/8. Tuy nhiên, bà Hoa không đề cập gì đến các tàu này trong cuộc họp trên.
Tàu cá số hiệu QNg 96697 TS bị tàu của Trung Quốc tấn công, cướp tài sản trở về trong đêm 16/8. |
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trái với luật pháp quốc tế và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông .
Hôm 9/9, Việt Nam đã gửi công hàm phản đối tới Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, yêu cầu chính phủ Trung Quốc điều tra làm rõ, bồi thường thích đáng cho ngư dân Việt Nam, tránh tái diễn sự việc tương tự.
"Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc điều tra và xử lý nghiêm các hành vi của lực lượng chức năng Trung Quốc đồng thời không để tái diễn những hành động trên và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam", ông Lê Hải Bình nói.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, nơi được cho là có nguồn dầu khí dồi dào và là tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất, bất chấp sự phản đối của quốc tế. Hồi tháng 5, nước này làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông khi ngang nhiên hạ đặt một giàn khoan dầu trị giá 1 tỷ USD trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trên quần đảo Trường Sa, Trung Quốc bị tình nghi đang đào đắp đất cát, biến các bãi đá ngầm thành đảo nổi, thay đổi hiện trạng trên vùng có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn, vi phạm Tuyên bố ứng xử DOC 2002.