Kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022, phần mềm đối thoại chatbot của công ty khởi nghiệp OpenAI có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, thu hút sự chú ý của người dùng Internet trên toàn thế giới về khả năng thực hiện các cuộc trò chuyện giống như con người.
Khi các công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc đua nhau giới thiệu các công nghệ tương tự ở nước này, giới chuyên gia tại một hội nghị các nhà phát triển AI toàn cầu tổ chức tại Thượng Hải cuối tuần qua chỉ ra rằng tham vọng cạnh tranh với ChatGPT của Mỹ có thể bị hạn chế do thiếu chip AI.
Nếu Trung Quốc muốn tạo ChatGPT của riêng mình, chúng tôi cần ít nhất hàng chục nghìn chip A100 để có được phần mềm hoạt động như mong muốn”, ông Zheng Weimin, Giáo sư Đại học Thanh Hoa trực thuộc Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, đề cập đến bộ xử lý hiệu suất cao do công ty chip Nvidia có trụ sở tại California sản xuất.
Năm 2022, chính phủ Mỹ đã công bố lệnh hạn chế Nvidia bán chip A100 cho các khách hàng ở Trung Quốc.
Theo Yang Fan - đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch SenseTime, một công ty phần mềm AI hàng đầu của Trung Quốc, giá của chip A100 đã tăng 50% trong hai tuần qua trong bối cảnh cơn sốt ChatGPT bùng nổ.
“Trung Quốc vẫn chưa thể sản xuất chip và phần mềm có thể hỗ trợ ít nhất 50 đến 70% công suất tính toán cần thiết để chạy ChatGPT”, ông Yang nói.
Zhang Yaling, người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp chip AI Enflame Technology có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hệ sinh thái phần mềm chip AI của Nvidia vì họ vẫn chưa hình thành hệ thống nguồn cung của riêng mình.
“Chúng tôi hy vọng rằng với sự thúc đẩy mạnh mẽ của chính phủ, nỗ lực phối hợp của toàn ngành và đầu tư liên tục, chúng tôi có thể xây dựng một hệ sinh thái phù hợp với chip AI của riêng mình”, ông Zhang nói thêm ông hy vọng Trung Quốc có thể tự tạo ra một phần mềm ngang ngửa ChatGPT trong vòng 3 đến 5 năm tới.
Bất chấp những thách thức về công nghệ, nhiều công ty Trung Quốc bày tỏ sự lạc quan rằng phần mềm đối thoại ChatGPT sẽ mang lại những cơ hội mới ở Trung Quốc.
“Với ChatGPT, lần đầu tiên chúng tôi thấy khả năng tư duy logic đáng ngạc nhiên của AI, cho phép nó tự suy nghĩ và đưa ra các quyết định phức tạp”, Li Di - CEO của Xiaoice, một công ty con của Microsoft tại Trung Quốc đã tung ra ứng dụng trợ lý thông minh vào năm 2014 – cho hay.
“Xu hướng cách mạng mới này sẽ tạo cơ hội cho tất cả mọi người, từ những người phát triển các mô hình tiếp theo cho đến những người tạo ra các ứng dụng dựa trên chúng”, CEO Li nói.
Người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành SenseTime, Xu Li cho biết sự ra đời của AI tiên tiến giống như một cuộc cách mạng công nghiệp.
Mặc dù ChatGPT không khả dụng ở Trung Quốc nhưng nó đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi của người dùng Internet nước này, đặc biệt là sau khi những “gã khổng lồ” công nghệ như Baidu và Alibaba thông báo ý định tung ra các dịch vụ tương tự.
Đầu tháng này, gã khổng lồ tìm kiếm Baidu cho biết họ sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ Ernie Bot giống như ChatGPT vào tháng 3, trong khi Alibaba cho biết viện nghiên cứu Damo đang phát triển chatbot AI của riêng mình. Các công ty công nghệ khác như JD.com, Zhihu, Xiaomi và 360 Security Technology cũng đã công bố kế hoạch tích hợp AI chatbot vào dịch vụ.
Theo Jeff Walters - Giám đốc công ty tư vấn Boston, giá trị của AI được dự đoán sẽ đạt 60 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 30% thị trường AI toàn cầu, khi công nghệ này phát triển thêm nhiều ứng dụng hơn bên ngoài ChatGPT.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, việc phát triển AI vẫn gặp nhiều thách thức do vẫn bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài và gặp khó khăn trong việc thu hút lao động lành nghề riêng lĩnh vực này.