Phố Lương Văn Can đông quanh năm, vì bán đồ chơi trẻ em, 99% là đồ chơi Made in Quảng Châu, ai cũng la ó, chuyển dần sang ca thán, rồi thở dài, cuối cùng là tặc lưỡi mua vậy, 20 năm nay rồi. Đồ chơi ở đây phong phú đa dạng từ công chúa đến robot, từ ong bướm nơ bờm đến quái vật, giá cũng đa dạng, từ 10 ngàn đến vài triệu. Giàu nghèo sang hèn đều tìm thấy thứ để mua cho con, mua cho biếu tặng. Xong rồi nhất tề kết luận: Đẹp tiện lợi nhưng vô hồn, thiếu tính dân tộc, tính giáo dục tính nhân văn. Ôi nhớ quá đèn kéo quân đèn ông sao tò he đất nặn tàu thuỷ sắt chạy trong chậu nước ngày thơ bé... Ôi bao giờ trở lại ngày xưa?
Phố Trung thu Hàng Mã mở từ mùng 10 tháng Tám, nằm gọn trong lòng phố cổ nên việc chăng dây buộc phải gửi xe đi bộ vào là tất yếu. Đồ trung thu ở Hàng Mã mấy năm nay phải nói được "phục cổ" khá nhiều: Mặt nạ giấy bồi, mặt nạ tre đan sánh vai với mặt nạ vải, mặt nạ composite, tò he đất nặn, đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn ông sư, tàu thuỷ, con rối gỗ... hầu như trong các tài liệu của các nhà dân tộc học và Viễn đông Bác Cổ có gì thì Hàng Mã trung thu này có gần hết. Nhưng mà... đắt. Và cũng chỉ nam thanh nữ tú tầm sinh viên trở lên hào hứng mua. Với con tò he bé tẹo cực kỳ dễ hỏng giá gấp 4 lần nàng công chúa Elsa biết bay ngay Lương Văn Can cách đó 300m, không khó để biết các cô bé 5-7 tuổi sẽ chọn gì? Một chiếc trống bỏi bằng da thật gõ tum tum thật xinh xắn giá cũng gấp 5-6 lần một khẩu súng phun lửa âm thanh cực kỳ sôi động và ánh điện đỏ loè thật khiêu khích, một chú nhóc thật khó khăn để lựa chọn "về nguồn".
Thế là chợ Trung thu Hàng Mã đành dập dìu người lớn sánh vai đi chơi trò trẻ con, "cưa sừng làm nghé" "vờ như vầng trăng đã về" trong ánh điện rực rỡ sáng loà phố cổ. Trẻ con được bố mẹ chở lên phố ngồi trên yên xe máy chọn 1 món đồ gọi là có trung thu đã vội về nhà học bài từ lâu. Có thầy cô nào vì trung thu mà giao bài về nhà ít đi đâu.
Đã chục năm nay trung thu nào anh bạn đồng nghiệp cũng lên facebook kêu gọi "gom bánh trung thu cho trẻ em nghèo ở quê". Anh nói: "Chúng ta ai cũng được biếu nhiều hộp bánh đẹp, người ít chục hộp, người nhiều cả trăm hộp, rất đẹp, từ đắt đến rất đắt, ai cũng được nhận và ai cũng đi biếu, rồi ai cũng ngại ăn vì... sợ béo. Bánh để đó rất phí, trong khi có những em bé cả năm chỉ mơ một lần được cầm tấm bánh đẹp đẽ thơm phức đó".
Vâng tất nhiên là chúng ta đều vui vẻ tình nguyện góp bánh. Ai cũng thấy nhẹ lòng vì đã làm được một việc tốt, đỡ lãng phí miếng ngon vật lạ, chia cái thơm thảo cho người thiếu, kẻ khó.
Nhưng năm nào cũng kêu gọi, cũng góp, tự nhiên thấy giật mình: Tấm bánh đó liệu có còn là bánh trung thu trong bữa cỗ trông trăng nguyên thuỷ? Sao cả xã hội đổ xô làm những hộp bánh cầu kỳ đắt đỏ tới hàng chỉ vàng để rồi cuối cùng chỉ post cái hộp lên facebook kèm lời cảm ơn, còn ruột bánh phải vội vàng gửi đi nhờ làm từ thiện? Sai thì chả sai, nhưng nó cứ thế nào ấy! Cái xã hội không lấy gì làm thịnh vượng của chúng ta đang vận hành theo nguyên lý của một kỷ nguyên sống sang thật gấp và làm từ thiện thật xa xỉ ồn ào.
Cậu lái grab lên tiếng với vẻ rất sốt ruột hộ khách hàng khi nghe tôi nói chuyện điện thoại bàn việc cho trẻ con lên đón trung thu ở Tuyên Quang với một người bạn: "Chị đừng lên! Trung thu trên ấy giờ đông lắm, cấm đường từ 13, xe không vào trung tâm được đâu, khách sạn thì hết chỗ từ lâu rồi"!
Tôi hơi choáng vì từ lần đầu tiên tình cờ biết Lễ Hội Đêm Rằm ở Tuyên Quang vui tưng bừng, lộng lẫy đến thế, khách đi đường dừng lại vui ké bà con và các cháu thiếu nhi, về hào hứng viết bài ca giới thiệu trên báo, nay đã 10 năm. Những chiếc đèn kéo quân, đèn lồng hình cá chép, hình rồng, hình chuồn chuồn, hình bướm, hình thuyền, hình con mèo trèo cau... khổng lồ ngự trên những cỗ xe bò, xe trâu diễu khắp phố phường làng mạc thành Tuyên trong ánh trăng vằng vặc hôm nào nay đã trở nên cực kỳ nổi tiếng, kéo khách thập phương ùn ùn đổ về thành phố nhỏ bé bên bờ sông Lô.
Tuyên Quang rằm này đã quá tải khách du lịch. Những chiếc đèn lồng kỳ thú từ tay các nghệ nhân cứ thong thả làm và thong thả dung dăng diễu qua đường làng dưới ánh trăng nay cũng quá tải người chiêm ngưỡng. Trăng rằm ở thành phố nhỏ trung du chắc cũng quá tải đèn xe và đèn đường.
Tôi vào một app du lịch để tìm khách sạn cho đêm 14, hy vọng vớt vát ít trăng trước rằm, cũng kín. Không biết trong hàng chục chiếc xe lên Tuyên Quang ngày rằm, có mấy xe có trẻ em? Có bao nhiêu em bé trong đó đủ thời gian ngửa cổ nhìn lên bầu trời nơi ấy, để nhận ra rằng: Hình như trăng miền Trung du sáng hơn trăng ở thành phố? Chú Cuội nét hơn và tiếng trống ếch cũng giòn hơn trên phố Hàng Mã?
Còn ở Hà Nội, tôi đã lượn 2 vòng hồ Tây, nơi thủ đô êm đềm nhất, và cũng đã cẩn thận xem thời tiết trên Yahoo, để biết, trung thu này, lại một lần nữa, trăng mờ.