Hàn Quốc vốn là một đất nước nghèo nhất thế giới vươn lên thành cường quốc kinh tế đứng thứ 12 toàn cầu. Tuy nhiên, sự bùng nổ tài chính nhanh chóng cũng kéo theo việc thay đổi ý thức hệ từ chủ nghĩa tập thể sang chủ nghĩa cá nhân, khiến nhiều gia đình tan rã, nhiều người cảm thấy bị cô lập.
Hiện nay, chỉ còn chưa tới 1/3 dân số Hàn Quốc (hơn 50 triệu người) cho rằng họ phải có nghĩa vụ hỗ trợ tài chính cho những người thân lớn tuổi. Trong khi đó, những người lớn tuổi ở Hàn Quốc cảm thấy lo lắng vì trở thành gánh nặng cho con cháu. Đối tượng này ở Hàn Quốc có nguy cơ tự sát cao gấp 4 lần so với những quốc gia phát triển khác.
Theo thống kê mới nhất cho thấy, mỗi ngày ở Hàn Quốc có khoảng 40 người tự sát vì không chịu nổi sự cạnh tranh khốc liệt trong xã hội.
Trước thực trạng đáng báo động này, chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều biện pháp nhằm giảm số người tự tử như cấm sản xuất thuốc trừ sâu độc hại, dịch vụ tư vấn tâm lý cho những người có nguy cơ tự sát, phát triển ứng dụng ngăn trẻ vị thành niên muốn tự sát…. Mặc dù các biện pháp này cũng giúp làm giảm tỷ lệ tự sát nhưng hiện nay, Hàn Quốc vẫn là quốc gia có tỷ lệ tự sát cao thứ hai thế giới sau Guyana.
10 phút “chết thử”
Do đó, nhiều ngôi trường đã được lập nên để dạy cho những học viên trầm cảm cách “chết” và qua đó thấy trân quý cuộc sống và tính mạng hơn. Học viên thường là những trẻ vị thành niên không thể đương đầu với áp lực thi cử, những phụ huynh cảm thấy mình bất lực sau khi con cái bỏ nhà đi, và những người lớn tuổi không muốn trở thành gánh nặng cho con cháu.
Trung tâm hàn gắn Seoul Hyowon ở thủ đô Seoul hiện đang là ngôi trường thu hút nhiều học viên tới để “trải nghiệm cái chết”. Tại đây, các học viên ngồi xếp bằng trong quan tài, bên cạnh có một cái bàn nhỏ để viết và giấy, lắng nghe Giám đốc trung tâm Jeong Yong-mun, vốn từng làm cho một công ty mai táng, giảng giải rằng những vấn đề mà họ đối mặt là một phần tất yếu của cuộc sống, vì vậy mọi người nên chấp nhận các vấn đề và cố gắng tìm niềm vui trong những tình huống khó khăn.
Sau đó, họ được yêu cầu viết di chúc, thư tuyệt mệnh trước khi trải qua lễ tang giả. Sau đó, các học viên nằm xuống trong quan tài và được “thiên thần báo tử” đóng nắp. Lúc này, họ phải đối mặt với tình huống chưa bao giờ trải qua, bị bỏ lại một mình trong bóng tối khoảng 10 phút để suy nghĩ về những hệ quả của cái chết, nỗi đau mà người thân ở lại phải gánh chịu, thực chất của việc tự sát và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
“Các bạn vừa chứng kiến cái chết trông như thế nào và bây giờ các bạn còn sống nên phải phấn đấu!”, Giám đốc Jeong nhắc nhở các học viên sau khi họ được thức tỉnh trở lại.
Thay đổi tâm lý bằng cách nằm trong… quan tài
Không chỉ tổ chức lớp học dành cho các đối tượng có nguy cơ tự sát, trung tâm Seoul Hyowon còn cung cấp dịch vụ tổ chức lễ tang giả theo đơn đặt hàng. Mới đây, Công ty nhân sự Staff ở Hàn Quốc đã gửi nhiều nhân viên tới Seoul Hyowon để tổ chức lễ tang giả cho chính họ. Giám đốc Jeong cho hay lễ tang này được thiết kế để giúp nhóm nhân viên thẳng thắn đối diện với những vấn đề cá nhân như một phần tất yếu của cuộc sống.
“Sau khi trải nghiệm nằm trong quan tài, tôi nhận ra mình nên có lối sống mới. Tôi nhận ra mình đã mắc nhiều sai lầm. Tôi hy vọng mình sẽ đam mê công việc hơn nữa và dành thêm thời gian cho gia đình”, nhân viên Cho Yong-tae chia sẻ sau vài phút “trải nghiệm cái chết”.
Còn Giám đốc Công ty Staffs Park Chun-woong cho hay: “Công ty chúng tôi luôn khuyến khích nhân viên thay đổi lối suy nghĩ cũ, nhưng thật sự rất khó… Tôi nghĩ việc nằm trong quan tài sẽ là một trải nghiệm gây sốc có thể giúp họ thay đổi tâm trí để có sự khởi đầu hoàn toàn mới”.
An Mai (Theo Daily Mail/ BBC)