Cách chế biến thịt trâu gác bếp không khó, nhưng cũng khá mất công. Người làm thường cắt những mảng thịt to, chọn miếng thăn, bắp ở vai, lưng con trâu, bò hoặc lợn, lóc các thớ thịt ra thành từng miếng hình con chì. Sau đó họ lại thái dọc thớ, ướp ớt, muối, gừng, nước lá rừng, đặc biệt không thể thiếu hạt mắc khén. Vào cuối hè, loại quả mọc trên ngọn cây cao này đã được bà con hái về phơi khô. Quả được nướng trên than hồng cho đến khi dậy mùi hương thì đem giã nhỏ rồi ướp với thịt trâu chừng 3 giờ đồng hồ.
Sau khi đã tẩm ướp xong, người Thái Đen sẽ mắc những dây thịt trên giàn bếp, hun khói từ củi cây rừng. Gác bếp suốt hai tháng liền, khối thịt trâu ám khói đen và khô lại, thấm hết mọi gia vị vào trong. Trên bề mặt vẫn còn những hạt tiêu rừng, miếng ớt, miếng gừng…
Khoảng 8 tháng đến tháng 1 năm sau, họ sẽ hạ thịt trâu xuống, nướng, hầm hoặc nấu thành nhiều món khác nhau, ăn tới đâu lấy tới đó. Khói ám lâu ngày làm thịt trâu có mùi đặc biệt, mang đậm phong vị núi rừng với hình thức bên ngoài khô, màu nâu thẫm, nhưng phần trong vẫn hồng hào, tươi đỏ, ngọt đậm đà.
Nhiều món thịt được chế biến kiểu gác bếp nhưng có lẽ khô trâu là món đặc biệt nhất. Trâu miền đá rất khỏe. Chúng ăn nhiều, di chuyển nhiều nên rất vạm vỡ, thịt dai. Mổ trâu, những thứ không bảo quản được, người ta dùng chế biến các món ăn để dùng trong thời gian ngắn. Việc thay đổi phong cách thưởng thức và hình thức trình bày món ăn sẽ giúp du khách có thể thưởng thức nhiều khía cạnh của món ngon vùng cao này.
Các gia vị đặc biệt sau bao nhiêu ngày thậm chí còn thấy nguyên trên từng thanh thịt. Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng, nhất là độ ngọt của thớ thịt. Khi ăn người ta xé nhỏ dọc theo thớ, có thể ăn ngay chấm cùng chẳm chéo hoặc nhắm cùng rượu ngô.
Một cách thưởng thức khác đó là người ta có thể hấp qua hơi cách thủy, vắt thêm múi chanh tươi cho thịt mềm, chấm với tương ớt. Hương mắc khén thơm nồng hoà cùng vị cay xé của ớt rừng sẽ khiến bạn ấm bụng trong những ngày lạnh giá.