Châu Mỹ Latinh đã bị ảnh hưởng đặc biệt bởi đại dịch COVID19. Bảy trong số mười lăm quốc gia trên thế giới có tỷ lệ tử vong trên 100.000 dân cao nhất nằm trong khu vực này. Cuộc khủng hoảng cũng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế-xã hội, nhất là đối với những người dễ bị tổn thương nhất. Việc tiêm phòng đang được tiến hành với tỷ lệ khác nhau giữa các quốc gia trong lãnh thổ Latinh, với những thách thức khác nhau về sản xuất, tiếp cận, lưu trữ và phân phối, trong khi khả năng lây nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng cao, ghi nhận sự xuất hiện của nhiều biến thể mới.
Báo cáo "COVID-19 và tiêm chủng tại LAC: Thách thức, nhu cầu và cơ hội" (LAC: Châu Mỹ Latinh và vùng Caribe) của UNESCO là công trình nghiên cứu về vaccine ngừa COVID-19, phân tích quá trình sản xuất, tiếp cận và phân phối của những vaccine này tại các nước LAC, theo cách tiếp cận tập trung vào khía cạnh đạo đức, nhân quyền và khoa học mở.
"Bằng chứng cho thấy những người sống trong cảnh nghèo đói, thuộc các cộng đồng dân tộc có tỷ lệ nhiễm COVID-19 và nguy cơ tử vong cao hơn. Tuy nhiên, khi phân tích các kế hoạch tiêm chủng hiện hành, những nhóm này chưa được các nước LAC ưu tiên triển khai tiêm phòng một cách hiệu quả."
- Lidia Brito, Giám đốc Văn phòng Khoa học Khu vực LAC của UNESCO.
Báo cáo này sẽ được trình bày vào ngày 3/8 lúc 11:00 (giờ địa phương) tại Uruguay/Argentina, trong một phiên họp nhằm mục đích công khai những phát hiện chính và thảo luận về tình hình các kế hoạch tiêm chủng trong khu vực, chia sẻ các đề xuất có khả năng thúc đẩy quá trình này.
Sự kiện sẽ có sự tham gia đặc biệt của bà Gabriela Ramos, Phó Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Xã hội và Nhân văn, bà Soledad García Muñoz - Báo cáo viên về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ (IACHR), bà Alicia Bárcena - Thư ký Điều hành Ủy ban Kinh tế LAC của Liên hợp quốc (Cepal) và bà Marcela Vélez, nhà nghiên cứu tại Khoa Y của Đại học Antioquia - cố vấn cho UNESCO.
Một số câu hỏi được thảo luận trong phiên họp có thể kể đến: Đại dịch đã để lại những bài học gì cho khu vực? Có thể áp dụng các tiêu chí nào để ưu tiên tiêm phòng cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương? Liệu Mỹ Latinh có đủ khả năng tự sản xuất vaccine và ngừng phụ thuộc vào các tác nhân bên ngoài? Làm thế nào để chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai?
Sơ lược nội dung của báo cáo
Phần đầu tiên của báo cáo mô tả tình trạng các trường hợp mắc, tử vong do COVID19 và phạm vi tiêm chủng trong khu vực. Phần tiếp theo đề cập đến việc tiếp cận và phân phối vaccine ở các nước LAC, trong bối cảnh xem xét vai trò của các nhóm dân cư bị loại trừ (người bản địa, người vô gia cư, di cư, ngồi tù...) trong kế hoạch tiêm chủng của các quốc gia, cũng như nhận thức của người dân về việc tiêm chủng.
UNESCO đã kêu gọi coi vaccine là hàng hóa công cộng toàn cầu và đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng, hợp lý và kịp thời của mọi thành phần xã hội; tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ để đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine, đảm bảo việc tiếp cận với nhiều người nhất trong thời gian ngắn nhất có thể; cần bắt đầu áp dụng các tiêu chí công bằng trong các quy trình nói trên, không chỉ tính đến các tiêu chí dịch tễ học, mà còn cả các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và đạo đức sinh học.
Các quốc gia cần phải xác định những quần thể này và những rào cản mà họ phải đối mặt trong việc tiêm chủng, cân nhắc ưu tiên họ trong các kế hoạch y tế ngăn ngừa chữa trị COVID19. Đồng thời, một số quốc gia đang có những nỗ lực rất quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển vaccine COVID-19 như Brazil, Cuba và Mexico.