Khoảng 2/3 số VNR do các Quốc gia thành viên đệ trình lên Liên hợp quốc (LHQ) nhằm giám sát tiến độ đạt được Chương trình nghị sự về phát triển bền vững có đề cập đến yếu tố văn hóa. UNESCO đã tìm thấy mối liên hệ giữa văn hóa và tất cả 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của LHQ như SDG 2 (Xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững), SDG 3 (Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi) và SDG 12 (Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm).
Văn hóa và an ninh lương thực
Ngành nông nghiệp của Samoa đang tăng cường phục hồi các phương thức sản xuất và bảo quản lương thực truyền thống như một biện pháp ứng phó với an ninh lương thực trong đại dịch COVID-19, đặc biệt là sản xuất các loại cây trồng ít được sử dụng nhưng có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao. Đảo Síp đang thúc đẩy phát triển hệ thống ẩm thực và thực phẩm truyền thống cho nền nông nghiệp bền vững. Trong khi đó, Viện Đào tạo nghề nghiệp và Việc làm quốc gia của Uruguay chú trọng cung cấp các khóa học phát triển kỹ năng và kiến thức ẩm thực dựa trên các món ăn và nguyên liệu địa phương.
Một số quốc gia thành viên khác đã tăng cường thực hiện SDG 11 (Xây dựng các đô thị và các khu dân cư rộng mở, an toàn, vững chắc và bền vững) thông qua các chính sách về lễ hội ẩm thực địa phương, như Chính sách Lương thực Estonia 2015-2020 và Kế hoạch Ẩm thực Euskadi của Tây Ban Nha, nhằm thúc đẩy văn hóa ẩm thực địa phương, nâng cao bản sắc văn hóa, cũng như đẩy mạnh tiêu dùng bền vững. Paraguay giới thiệu sáng kiến Semilla Róga do phụ nữ bản địa lãnh đạo để có thể tạo ra một thị trường hạt giống hữu cơ, thúc đẩy cả an ninh lương thực và hòa nhập xã hội.
Văn hóa và việc chăm sóc sức khỏe
Văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe, điều này được nêu rõ trong VNR của Indonesia, Quần đảo Marshall và Ecuador, thông qua việc sử dụng y học cổ truyền và kiến thức bản địa trong các chính sách y tế quốc gia của mình. VNR của Ấn Độ cũng đặt trọng tâm vào y học cổ truyền như một phần của hệ thống chăm sóc sức khỏe chính thống.
Sáng kiến Con đường Tơ lụa Y tế của Trung Quốc cũng làm sâu sắc thêm mối liên hệ giữa kiến thức truyền thống về thông tin dịch bệnh, phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, các loại thảo mộc và thuốc truyền thống với chính sách chăm sóc sức khỏe quốc gia.
Ở Palau, nghệ thuật y học truyền thống vốn được coi là kiến thức bí truyền cần được bảo vệ chặt chẽ và chỉ lưu truyền trong dòng tộc. [Tuy nhiên] Trong những năm gần đây, đã xuất hiện sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong khám chữa bệnh.
VNR Palau 2019
Văn hóa và công tác ứng phó thiên tai
Sức mạnh chữa lành của văn hóa trong các tình huống sau thiên tai được công nhận. Đồng thời, văn hóa cũng được khuyến nghị đưa vào các chính sách giảm nhẹ rủi ro thiên tai, mặc dù ở mức độ thấp hơn.
Một số quốc gia đã đề cao vai trò của văn hóa như một động lực của sự phục hồi và thể hiện khả năng phục hồi trong các tình huống khẩn cấp. Sáng kiến Thể thao cho ngày mai của Nhật Bản được đưa ra nhằm chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020, với mục đích mang lại lợi ích cho 12 triệu người tại 204 quốc gia và khu vực chịu hậu quả xung đột và hậu thiên tai thông qua việc tăng cường hợp tác quốc tế và bản sắc thông qua thể thao.
Các quốc gia như Benin hay Bhutan chỉ ra rằng văn hóa được đưa vào chính sách giảm thiểu rủi ro thiên tai của mình, đặc biệt hạn chế tác động của thảm họa đối với cơ sở hạ tầng văn hóa, một số do biến đổi khí hậu.
Nền tảng liên ngành của UNESCO về văn hóa vì sự phát triển bền vững
Hội thảo đầu tiên của Diễn đàn liên cơ quan của UNESCO về Văn hóa vì sự phát triển bền vững được tổ chức vào ngày 3/11 với chủ đề bất bình đẳng. Mặc dù cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau” là trọng tâm của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của LHQ, nhưng “bất bình đẳng” là một khái niệm vô cùng phức tạp và đa nghĩa. SDG số 10 (Giảm bất bình đẳng) đã đề cập đến các khía cạnh văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị của sự bất bình đẳng, cả trong và giữa các quốc gia.
Các đại biểu tại cuộc họp đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của nền kinh tế sáng tạo đối với việc thúc đẩy hòa nhập xã hội, bình đẳng giới và sự tham gia tích cực của thế hệ trẻ - đặc biệt là khi nhiều thanh niên từ 15-29 tuổi làm việc trong lĩnh vực này nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác.
Kiến thức truyền thống và Di sản văn hóa phi vật thể có thể truyền cảm hứng thúc đẩy sự hòa nhập của các nhóm yếu thế, đặc biệt là kiến thức ẩm thực truyền thống trong bối cảnh nền kinh tế xanh đang phát triển. Các cộng đồng rộng lớn hơn - đặc biệt là người di cư và người khuyết tật - phải là cốt lõi của các nỗ lực chung nhằm giảm bất bình đẳng và bảo vệ sự đa dạng văn hóa.