Nắm bắt nhu cầu xã hội
Gia Linh - hiện là sinh viên năm nhất Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) vẫn không thể nào quên quãng thời gian bị dịch bệnh bủa vây. Hơn 900.000 học sinh cùng khóa Linh gần như chỉ học tại nhà suốt 3 năm cuối cấp THPT. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực không ngừng, cô bạn sinh năm 2004 đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT với số điểm tương đối cao. Cơ hội vào đại học dễ dàng mở ra.
“Tình cờ một ngày mẹ tôi đọc được thông tin về ngành Quản trị tài nguyên di sản và hỏi tôi có muốn ứng tuyển không. Sau khi tìm hiểu thông tin về ngành này và triển vọng nghề nghiệp trong tương lai, tôi không mất nhiều thời gian để ra quyết định”, Gia Linh chia sẻ. Đó là cơ duyên đưa Linh đến với Khoa Các khoa học liên ngành của Đại học Quốc gia Hà Nội – một khoa khá mới mẻ với nhiều người.
Vốn đam mê các bộ môn khoa học xã hội, Linh cho biết bản thân nhanh chóng “bắt nhịp” với môi trường giảng đường. Dù lựa chọn một ngành mới nhưng bản thân Gia Linh không quá e dè khi đề cập tới triển vọng nghề nghiệp trong tương lai.
“Yếu tố ‘mới’ của ngành nghề này tạo cơ hội cho các thầy cô quan tâm đến việc đổi mới hoạt động giảng dạy” - Linh hào hứng chia sẻ. “Khác với định kiến lên lớp nghe và gật, sinh viên thế hệ mới giờ thuần thục các kỹ năng làm việc nhóm, tin học, sử dụng công nghệ để sáng tạo nội dung”.
Dù ngành nghề mới vẫn là một “ẩn số” sau khi ra trường khi xu hướng thị trường việc làm năm nào cũng biến động, nhưng Linh vẫn tin ở lựa chọn của mình: “Tôi cho rằng ở cấp đại học, việc tự học đóng vai trò quan trọng. Người trẻ nên tự làm cho bản thân mình đáp ứng nhu cầu xã hội hơn là dựa vào ngành học”.
“Cơn khát” nhân lực chất lượng cao
GS Nguyễn Đình Đức, trưởng ban Đào tạo – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết sau khi quan sát, tổng kết sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và dự đoán nhu cầu nhân lực của xã hội trong giai đoạn 2020-2030, ông đánh giá 5 nhóm ngành, nghề có triển vọng trong tương lai tại Việt Nam gồm: các ngành Công nghệ thông tin - Trí tuệ nhân tạo (AI); ngành Truyền thông – Marketing; các ngành khối Sức khỏe (Y - Dược); ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; các ngành Công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới.
Trong năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định mở thêm 4 ngành mới, trong đó có hai ngành gồm Cử nhân Thiết kế sáng tạo của Khoa Các khoa học liên ngành; Cử nhân Văn hóa truyền thông đa quốc gia của trường Đại học Ngoại ngữ. Theo ông Nguyễn Đình Đức, các ngành mới mở này đều liên quan đến nghề nghiệp, khoa học công nghệ đáp ứng tốt nhu cầu của cách mạng 4.0, nhu cầu nhân lực sắp tới của thị trường lao động.
Nói riêng về ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo, ông Đức khẳng định, đây là tập hợp các ngành nghề hoạt động dựa trên việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm văn hoá và sáng tạo, tạo ra những tác động kinh tế, xã hội và văn hoá. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 1755 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược xác định công nghiệp văn hóa là một phạm trù rộng, đa dạng lĩnh vực như: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa. Chiến lược đã thể hiện quan điểm coi các ngành công nghiệp văn hoá là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, dựa trên lợi thế của Việt Nam, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ để khai thác tối đa yếu tố kinh tế trong văn hoá.
Cũng theo chiến lược này, đến năm 2030, giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP. Đặc biệt, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam quan tâm đến đào tạo ngành nghề và phát triển nguồn nhân lực để có đội ngũ có chuyên môn cao liên quan đến từng lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa.
Theo PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, Tổ trưởng tổ bộ môn Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo (Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội), việc triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đem đến những hiệu ứng tích cực như xã hội được tăng cường nhận thức về vị trí vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa, nhiều mạng lưới không gian sáng tạo được hình thành, các ngành trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa có cơ sở pháp lý để chủ động sáng tạo phát huy nội lực…
“Nhu cầu nhân lực về các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là rất cao, và cần có nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản ở các trường đại học”, bà Phạm Quỳnh Phương chỉ ra. “Chúng tôi hướng tới mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, có khả năng thích ứng trong môi trường đa văn hóa và khả năng hội nhập quốc tế”.
Những ngành nghề mới như Thiết kế sáng tạo, Quản trị tài nguyên di sản, Quản lý giải trí và sự kiện, Quản trị thương hiệu có nhu cầu lao động cao. Sinh viên theo học các ngành có nhu cầu xã hội cao nói trên sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt sau khi tốt nghiệp, đại diện Khoa Các khoa học liên ngành cho biết.
“Đại học chỉ là bước chuyển mình”
Tính đến tháng 2/2023, cả nước có hơn 80 trường đại học công bố đề án tuyển sinh 2023. Trong đó, nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu và mở ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp.
Cụ thể, trường Đại học Thuỷ lợi mở thêm 2 ngành dự kiến là Ngôn ngữ Hàn và Ngôn ngữ Trung. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông mở thêm 4 ngành mới gồm: Kinh tế số, Truyền thông và quan hệ công chúng, Công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng và Marketing số. Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu tuyển sinh một số ngành mới là Kinh tế chính trị, chương trình Kinh tế chính trị quốc tế.
Tư vấn chọn nghề cho thí sinh, GS Nguyễn Đình Đức cho rằng việc chọn nghề theo nhu cầu thị trường là rất quan trọng để đảm bảo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, tuy nhiên, thí sinh còn phải chú ý chọn nghề theo năng lực bản thân. Đó là sự phù hợp của nghề nghiệp, công việc tương lai với đặc điểm ngoại hình, tính cách, sở thích, con người của người học.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi, cho rằng quan niệm ngành hấp dẫn hay không hấp dẫn không quan trọng, quan trọng là các ngành đó khi ra trường có dễ tìm được việc làm hay không.
Cũng theo vị này, việc chọn trường đại học rất quan trọng, quyết định đầu ra của sinh viên với xã hội, nhưng quan trọng hơn là các em lựa chọn ngành đúng đam mê. “Kể cả vào trường tốt nhưng chọn ngành không đúng đam mê khó học tốt” , ông Nguyễn Trung Việt nhận định.
Còn với Gia Linh, nữ sinh viên khoa Các khoa học liên ngành, lựa chọn chuyên ngành cũ hay mới chỉ là một nửa vấn đề, điều quan trọng là chất lượng đầu ra và bản thân người học trang bị cho mình những kỹ năng nào trước khi bước vào thị trường việc làm. Cô cũng cho rằng lựa chọn một ngành nghề mới rất đáng thử, nếu bạn là người trẻ muốn đón đầu xu hướng mới.
“Đại học không phải điểm đến cuối cùng mà giống như một bước chuyển mình, mọi người nên nhìn vào bức tranh lớn hơn”, Linh chia sẻ.