Đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, điểm mới trong công tác tuyển sinh đại học năm 2023 chính là đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển, giảm nhầm lẫn cho thí sinh. Theo đó, thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký cả phương thức xét tuyển như năm ngoái. Thí sinh có thể trúng tuyển theo bất kỳ phương thức nào vào ngành mình đăng ký nếu đủ điều kiện.
Cũng từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và 1 năm kế tiếp. Nếu thí sinh tham gia xét tuyển ĐH từ năm thứ ba trở đi sau khi tốt nghiệp THPT thì sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần (công thức tính mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường). Điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ bắt đầu giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn.
Năm 2023, ngoài các phương thức xét tuyển truyền thống bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, các trường cũng đẩy mạnh tổ chức, tăng chỉ tiêu cho phương thức mới, trong đó phải kể đến các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Theo đó, mỗi thí sinh có thể tham gia từ 2-3 kỳ thi để tăng khả năng trúng tuyển.
Những nội dung mới nhất đã được quy định tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT vừa công bố.
Toàn bộ thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023 sẽ đăng ký theo hình thức trực tuyến. Riêng thí sinh học xong THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi, nhưng chưa tốt nghiệp những năm trước, những người đã có bằng tốt nghiệp THPT, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả đăng ký xét tuyển (thí sinh tự do) đăng ký dự thi và đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT (nếu có) trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.
Bộ GD&ĐT đã bổ sung thêm một số điểm mới đối với thí sinh khi dự thi. Đó là: Thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi; phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi trước khi ra khỏi phòng thi và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi. Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí.
Đẩy mạnh công nghệ thông tin
Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện hệ thống tuyển sinh để hạn chế các sai sót và bổ sung các dữ liệu liên quan theo các phương thức như điểm thi đánh giá năng lực, thi tư duy… Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1. Tiếp tục nâng cấp hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh, tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình đăng ký xét tuyển, đơn giản hóa giao diện đăng ký xét tuyển.
“Bộ GD&ĐT sẽ kết hợp tất cả các phần mềm liên quan tới tuyển sinh, kết nối cơ sở dữ liệu ngành (điểm kết quả học tập của thí sinh ở bậc THPT) với cơ sở dữ liệu HEMIS”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết.
Với thí sinh, hệ thống HEMIS sẽ hỗ trợ tối đa, tránh sự nhầm lẫn phương thức khi đăng ký xét tuyển. Các em đăng ký xét tuyển theo mã tuyển sinh, tức là theo ngành, chứ không phải đăng ký theo phương thức nữa. Thí sinh chỉ cần quan tâm mình muốn vào ngành nào, rồi đăng ký mã ngành (hoặc chương trình đào tạo) đó mà không cần băn khoăn sẽ phải sử dụng phương thức nào. Thí sinh có thể sử dụng bất kỳ kết quả nào mà các em đang có để trúng tuyển vào ngành. Như vậy sẽ tránh được rất nhiều sai sót cho thí sinh.
Phương thức tuyển sinh đa dạng
Theo đúng Luật Giáo dục đại học, các trường đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh, các trường căn cứ vào quy chế tuyển sinh hiện hành để xây dựng quy chế và đề án tuyển sinh. Năm 2023, ngoài các phương thức xét tuyển truyền thống bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, các trường cũng đẩy mạnh tổ chức, tăng chỉ tiêu cho phương thức mới, trong đó phải kể đến các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Theo đó, mỗi thí sinh có thể tham gia từ 2-3 kỳ thi để tăng khả năng trúng tuyển.
Năm nay, bên cạnh việc sử dụng 4 phương thức tuyển sinh tương tự năm 2022 (xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành), trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi độc lập dự kiến vào cuối tháng 4 và tháng 5/2023.
Tương tự, trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố đề án tuyển sinh năm 2023 riêng với 4 phương thức xét tuyển đầu vào hệ chính quy gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa vào kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của ĐH Bách khoa Hà Nội; xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển riêng của nhà trường (chiếm 70% chỉ tiêu)…
Rất nhiều trường đại học cũng đã chính thức công bố tổ chức các kỳ thi riêng như ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM; ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM…
Những mốc thời gian cần lưu ý
Thời gian tổ chức xét tuyển thẳng
Thí sinh hoàn thành việc nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển về các trường trước 17 giờ ngày 30/6.
Ngày 5/7, cơ sở đào tạo hoàn thành việc xét tuyển thẳng và thông báo kết quả cho thí sinh; cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển xét tuyển thẳng lên hệ thống.
Từ ngày 5/7 đến 17 giờ ngày 15/8 là khoảng thời gian hoàn thành xét tuyển thẳng; xác nhận nhập học trên hệ thống (nếu có).
Thời gian tổ chức xét tuyển sớm
Đến17 giờ ngày 4/7, các trường hoàn thành công tác xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống; cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống.
Thời gian đăng ký xét tuyển chung
Từ ngày 5-11/7, các Sở Giáo dục và Đào tạo cấp tài khoản bổ sung cho các thí sinh (đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Trung cấp) chưa có tài khoản đăng ký xét tuyển trên hệ thống.
Thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định, từ ngày 5/7 đến 17 giờ ngày 25/7.
Ngày 20/7, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
Đến 17 giờ ngày 22/7, các trường hoàn thành việc điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên hệ thống, trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo đối với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe (nếu có).
Từ ngày 26/7 đến 17 giờ ngày 5/8 là thời gian nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.
Thời gian thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1
Các cơ sở đào tạo hoàn thành việc thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 vào 17 giờ ngày 14/8.
Thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống vào 17 giờ ngày 30/8.
Thông báo tuyển sinh đợt bổ sung từ ngày 1/9/2023.
Từ tháng 10 đến tháng 12/2023, cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.
Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay rút ngắn chỉ còn 2 tuần, trong khi năm 2022 là một tháng.
Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn so với năm trước, để các cơ sở đào tạo có thể khai giảng vào đầu tháng 9/2023.
Siết chặt an ninh cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, phương thức tổ chức thi và các quy định cơ bản như bài thi, ra đề thi, coi thi, chấm thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp, phúc khảo... về cơ bản giữ nguyên như các năm 2021-2022. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, các bên liên quan tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi, nhất là việc thực hiện biện pháp phòng, chống, ngăn chặn gian lận thi cử, đặc biệt là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao. Cùng với đó, đơn vị chức năng đẩy mạnh truyền thông để nhận được sự đồng thuận từ phía học sinh, phụ huynh và xã hội. Các hội đồng thi cần phổ biến đầy đủ, quán triệt kỹ quy chế thi cho thí sinh, lưu ý thí sinh tuyệt đối không được sử dụng những thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương chủ động thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi theo đúng tinh thần chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.