Ước mơ an toàn lao động

(Ngày Nay) - Đảm bảo an toàn lao động luôn là vấn đề vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mạng và sức khỏe củahàng triệu người lao động khắp thế giới. Bài học từ những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng càng nhắc nhở  người sử dụng lao động và người lao động ý thức phòng tránh những mất mát này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1.     Ngày 24/4/2013 đã đi vào lịch sử ngành công nghiệp dệt may thế giới như “ngày chết chóc tang thương nhất”. Khoảng 1.130 công nhân, phần lớn là phụ nữ,  đã thiệt mạng; 2.500 người khác bị thương sau khi tòa nhà xưởng 8 tầng Rana Plaza ở ngoại ô Thủ đô Dhaka, Bangladesh bất ngờ đổ sập. Khi thảm họa xảy ra, trong tòa nhà có hơn 5.500 công nhân đang làm việc tại 5 xưởng dệt may, vốn là nơi sản xuất quần áo thời trang “giá rẻ, ăn liền” cho một số hãng thời trang danh tiếng tại châu Âu và Bắc Mỹ.

Đây cũng chính là vụ tai nạn công nghiệp lớn nhất trên thế giới trong 30 năm qua. Một trong những nguyên nhân gây sập nhà là việc chủ sở hữu và chủ thầu tòa nhà xây thêm 3 tầng bất hợp pháp bằng vật liệu rẻ tiền, không bảo đảm chất lượng, đồng thời lắp 4 máy phát điện lớn vi phạm các quy định về an toàn xây dựng. Thêm vào đó, chủ các xưởng may còn bắt ép công nhân tiếp tục làm việc trong điều kiện không đảm bảo an toàn lao động, bất chấp việc trước đó đã phát hiện các vết nứt trong tòa nhà.

Ước mơ an toàn lao động ảnh 1Hiện trường vụ sập tòa nhà ở Bangladesh năm 2013

Sau thảm họa, ông Gilbert Fossoun Houngbo - Phó Giám đốc điều hành hoạt động của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) - đã nhấn mạnh rằng để tránh thảm họa tương tự tái diễn, Bangladesh cần triển khai một chương trình hành động toàn diện bao gồm thiết lập các đội thanh tra lao động và kiểm tra các nhà máy, thực thi việc tái bố trí và nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường các quy định về an toàn lao động, khuyến khích đối thoại xã hội về an toàn và sức khỏe lao động theo các quy định của ILO.

Các công ty, hiệp hội thương mại và các nhóm hoạt động vì quyền lợi người lao động ở Bangladesh đã đưa ra hai sáng kiến gồm Hiệp định về An toàn Xây dựng & Phòng cháy tại Bangladesh và Liên minh vì an toàn người lao động Bangladesh.

Theo đó, trong 5 năm kể từ 2013, chủ thuê lao động phải xây dựng các cơ sở lao động an toàn hơn (như thiết kế thêm các hệ thống cảnh báo cháy, bình phun dập lửa, các lối thoát hiểm...)  và cải thiện điều kiện an toàn lao động cho công nhân. Những chủ lao động nào không đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn lao động có thể bị cắt hợp đồng với đối tác nước ngoài. Kể từ 2013, Liên minh vì an toàn người lao động Bangladesh cho biết đã giải quyết hơn 90 khiếu nại của công nhân về an toàn lao động, đồng thời đào tạo hơn 300 nhân viên giám sát an toàn lao động tại các nhà máy.

Trong khi đó, Hiệp định về An toàn Xây dựng & Phòng cháy tại Bangladesh đã rà soát, kiểm tra an toàn điện và an toàn xây dựng của 1.800 nhà máy, phát hiện hơn 100.000 nguy cơ mất an toàn. Hiệp định đánh giá an toàn ngành dệt may Bangladesh đã được “cải thiện đáng kể”. 

Tuy nhiên đến nay, mới có 65 (chiếm khoảng 4%) trên tổng số 1599 nhà máy tham gia Hiệp định hoàn thành việc khắc phục các “lỗ hổng” an toàn lao động. Bất chấp nỗ lực của các công ty, tổ chức phi chính phủ rót hơn 280 triệu USD để cải thiện an toàn lao động, nhiều nhà máy, xưởng sản xuất khác ở Bangladesh khó có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn an toàn lao động theo đúng hạn (mùa hè năm 2018). Các nhà nghiên cứu ở trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York ước tính hai sáng kiến trên mới chỉ có tác động tích cực đến sự an toàn của  ½ trong tổng số 5,1 triệu công nhân ngành dệt may tại Bangladesh.

Jennifer Bair – nhà xã hội học tại Đại học Virginia (Mỹ) – cho biết, lao động ở Bangladesh vừa nguy hiểm, vừa không giống ai bởi đất nước này có rất nhiều ngành công nghiệp, nhất là nhiều xưởng sản xuất cũ, nằm trong đô thị  Dhaka có mật độ dân cư dày đặc với những tòa nhà cao tầng. Điều này đối lập với những tòa nhà thấp tầng được xây theo mục đích cụ thể ở nhiều nước có các ngành xuất khẩu.

Vào dịp tưởng niệm 4 năm xảy ra thảm họa, tháng 4/2017, hàng ngàn công nhân dệt may Bangladesh đã xuống đường tuần hành đòi đền bù thỏa đáng và công lý cho các nạn nhân. Tháng 8/2017,  Sohel Rana – chủ tòa nhà Rana Plaza –đã bị kết án 3 năm tù vì tham nhũng. Tuy nhiên,  nhiều người Bangladesh đang kêu gọi một phiên tòa nữa xử Sohel Rana cùng 37 người khác về tội giết người với mức án cao nhất là tử hình. Theo giới phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thảm kịch trên, trong đó phải kể đến thực trạng các quy định pháp luật về xây dựng ở Bangladesh hiếm khi được chấp hành nghiêm túc, nạn tham nhũng hay rút ruột công trình diễn ra tràn lan.

Đến nay, thảm họa sập tòa nhà Rana Plaza ở Bangladesh vẫn là “bài học đắt giá” về tuân thủ an toàn lao động cho nhiều quốc gia đang phát triển, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của các hãng phương Tây thuê nhân công giá rẻ. Để đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng về mẫu mã các mặt hàng cũng như tối đa hóa lợi nhuận, nhiều chủ nhà máy ở Bangladesh và một số nước đang phát triển đã phớt lờ các điều kiện đảm bảo an toàn lao động tối thiểu.

Hậu quả là công nhân bị ép vào làm tại những nhà xưởng tồi tàn xập xệ, máy móc rẻ tiền cũ kỹ;có những nhà xưởng vốn được xây làm nơi để ở hoặc cho các văn phòng chứ không có kết cấu phù hợp với hoạt động sản xuất. Trong khi đó, năng suất liên tục phải đẩy cao đến mức công nhân bị vắt kiệt sức và thậm chí không có thời gian đi…vệ sinh. Về phía người lao động, do những khó khăn về kinh tế nên họ sẵn sàng làm việc trong bất cứ điều kiện, môi trường làm việc nào miễn là có thu nhập, họ sẵn sàng chấp nhận trả giá.

2. Theo ước tính mới nhất của ILO, hàng năm trên thế giới có khoảng 2,3 triệu người thiệt mạng do tai nạn lao động hay do mắc các bệnh nghề nghiệp. Số vụ tai nạn lao động chết người ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm tới 70% tổng số trên toàn cầu. Ở các nước đang phát triển, ¾ việc làm của nền kinh tế không đảm bảo yêu cầu về an toàn lao động. Trong khu vực phi chính thức, đa số người lao động làm việc nhiều giờ mà không được đảm bảo an toàn lao động, nhất là những nhóm dễ tổn thương như phụ nữ, người di cư…

Ước mơ an toàn lao động ảnh 2Ảnh minh họa

Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tỷ lệ chấn thương khi làm việc ở nhóm người lao động mới đi làm (dưới 1 tháng) cao gấp 4 lần so với những người đã làm việc được 1 năm trở lên. Nhưng ngay ở cả những thành phố lớn tại các nước phát triển, tai nạn lao động cũng xảy ra. Ví dụ ở New York, Mỹ, trong vòng 2 năm qua đã có 31 công nhân thiệt mạng tại công trường xây dựng. Nhiều nhà thầu không chịu chi trả cho các chương trình đào tạo lao động và các biện pháp an toàn lao động, chẳng hạn trang bị các hệ thống “chống ngã” như rào chắn, lưới…

Theo báo cáo của Ủy ban New York về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp, trong số các nhà thầu bị kiểm tra trong giai đoạn 2009 – 2014, có tới 73% có ít nhất một vi phạm “nghiêm trọng” về tiêu chuẩn an toàn lao động . Cơ quan Xây dựng New York ghi nhận số thương tích trong xây dựng tăng tới 250% trong giai đoạn 2011 – 2015.

Do người sử dụng lao động luôn có xu hướng “giấu bớt” số liệu về tai nạn lao động vì sợ mất uy tín, tránh các thủ tục bồi thường,…nên con số báo cáo về tai nạn lao động luôn chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Thực tế trên phạm vi toàn cầu, con số báo cáo và ước tính về tai nạn lao động có sự chênh lệch nhau.

Ví dụ, năm 2010, con số ước tính của ILO về tai nạn lao động dẫn đến chết người trên toàn cầu cao hơn số liệu trong các báo cáo của ILO lên đến 24,80 lần (248%). ILO cho rằng việc thu thập dữ liệu về tai nạn lao động đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu số vụ tai nạn, vì nó có thể đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro, xác định ưu tiên và đo lường các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động. Việc thu thập dữ liệu bao gồm những thông tin như nguyên nhân, nhóm tuổi, giới tính của người lao động. ILO khẳng định nếu làm tốt công tác thu thập dữ liệu, một vụ tai nạn lao động được điều tra đầy đủ có thể giúp tránh được 600 vụ tương tự.

Ngoài việc cải thiện môi trường làm việc và trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho công nhân, các chuyên gia ILO còn cho rằng, để phòng tránh tai nạn lao động, cả người lao động và ngưới sử dụng lao động cần nhận thức rõ hơn về những rủi ro cũng như làm thế nào để giảm thiểu rủi ro qua công tác đào tạo, huấn luyện. Nhật Bản  là quốc gia nổi tiếng về đảm bảo an toàn lao động.

Theo nghiên cứu của Nhật Bản, chỉ có 1,1% số vụ tai nạn xảy ra do nguyên nhân bất khả kháng. Tới 93,8% vụ tai nạn xảy ra do hành vi không an toàn và 87,7% xảy ra vì điều kiện không an toàn. 82,6% các vụ tai nạn xảy ra do cả hai nguyên nhân trên gộp lại. Như vậy, tai nạn có thể được giảm thiểu triệt để nếu kiểm soát tốt các yếu tố chủ quan như hành vi và điều kiện làm việc. Trong quá khứ, vào giai đoạn công nghiệp bùng nổ (những năm 50, 60 của thế kỷ trước), Nhật Bản từng là quốc gia có số người bị tai nạn lao động rất lớn. Đỉnh điểm năm 1961 có tới 6.712 người chết vì tai nạn lao động.

Thực trạng này chỉ thay đổi rõ rệt khi chính phủ Nhật Bản phát động phong trào “Không tai nạn” vào năm 1973 và ý tưởng KY ra đời năm 1974. KY (viết tắt của Kizen và Yochi, nghĩa là “dự đoán các tình huống nguy hiểm”) sau đó đã được phát triển và phổ biến bởi JISHA, Hiệp hội An toàn và vệ sinh lao động công nghiệp Nhật Bản. KY đưa ra dự đoán về các tình huống nguy hiểm tiềm ẩn trong một công việc cụ thể và đồng thời đưa ra giải pháp thiết thực nhất để giải quyết nguy hiểm đó.

Những tình huống mà KY dự đoán có thể xem chừng không đáng quan tâm như “vấp ngã khi di chuyển”, các giải pháp đưa ra rất đơn giản như “không bỏ tay vào túi quần” nhưng tất cả đều được viết ra cụ thể, đọc lớn cho tất cả những người liên quan nghe, tránh bỏ sót. Phương pháp KY đòi hỏi sự tham gia xây dựng từ những người trực tiếp thực hiện công việc. Vậy nên việc thực hiện một bảng phân tích KY có thể sẽ trở thành công việc hàng ngày, trước mỗi ca làm việc ở Nhật Bản.  Ý tưởng này đã góp phần quan trọng khiến tỉ lệ tai nạn lao động ở Nhật giảm mạnh rõ rệt từ con số 6.712 năm 1961 xuống còn 1.514 năm 2005.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).