Ước mơ lặng câm

Có một nhóm những người câm điếc ở Sài Gòn loay hoay trong căn nhà hơn 10 mét vuông và mơ về một ngày những gì mình nghĩ, bật ra được thành tiếng.
Ước mơ lặng câm

Ước mơ lặng câm ảnh 1

"Dàn đồng ca" điếc câm trên phố Nguyễn Huệ.

Dàn đồng ca không lời

7h tối, trên đường đi bộ Nguyễn Huệ, một nhóm người câm điếc tập hợp. Một người phụ nữ già, cùng với 3 cậu thiếu niên, trong những chiếc áo phông “đồng phục” xin được từ một cửa hàng kem gần đó. Họ dựng lên một chiếc loa thùng, đặt lên trên một thùng quyên góp, và bắt đầu buổi biểu diễn của mình. Họ hát. Một dàn đồng ca câm điếc. Trên chiếc thùng quyên góp ghi: “Nhóm điếc câm hát bằng ngôn ngữ ký hiệu. Cám ơn nhiều lắm!”.

Chắc ít người có thể tưởng tượng được một nhóm câm điếc sẽ “hát” ra sao. Nhưng chứng kiến rồi, nhiều người sẽ phải dừng lại. Đám người vây quanh dàn đồng ca điếc câm cứ đông lên, và những khuôn mặt chuyển dần từ sự ngỡ ngàng, thích thú sang suy tư.

Từ băng cát xét vọng ra những khúc ca ngợi cuộc đời. Người phụ nữ lớn tuổi - cô Thảo - nghe băng và diễn đạt lại cho những đứa trẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu. Chúng “hát” theo. Họ hát, nhưng mà như đang múa bằng tay. Ca từ được diễn tả bằng ngôn ngữ ký hiệu, còn phần hòa âm được diễn lại bằng những cây đàn tưởng tượng. Họ đưa cánh tay lên, mắt nhắm lại, kéo những cây đàn violin hay cây sáo tàng hình. Người xem tất nhiên không hiểu được ngôn ngữ ký hiệu, chỉ mang máng đoán được nhờ bài hát đang phát ra từ loa. Bàn tay đưa từ tim ra là tình yêu? Ngón tay đặt lên đầu là nỗi nhớ? Trong cuộc biểu diễn lạ kỳ, khán giả chỉ cảm nhận, chứ không cần hiểu, và cũng chẳng cần cảm thấy “hay”. Họ xúc động vì một điều khác.

Dàn đồng ca cứ “hát” liên tục như thế nhiều tiếng đồng hồ không nghỉ. Chỉ có một cậu nhóc đứng cuối hàng, đôi lúc dừng lại để cúi đầu cảm ơn những người tiến lại, cho tiền vào hòm quyên góp.

Nhóm “hát” ấy đã quen lắm với đường đi bộ Nguyễn Huệ, từ những người khách vãng lai hay người bán rong nơi này. Nhưng không ai biết gốc tích của họ. Một ngày, người phụ nữ ấy dắt đám trẻ đến đây, và “hát” xin tiền. Trong mắt vài người, nó còn giống một cuộc chăn dắt kiếm lời - như một kịch bản đôi lúc vẫn diễn ra trong thành phố khổng lồ này.

Ước mơ lặng câm ảnh 2

Cô Thảo đang "hát" trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Nhưng đằng sau nhóm đồng ca điếc câm ấy có một lý tưởng. Trong suốt hơn 30 năm qua, đời cô Thảo chỉ gắn bó với việc nuôi dạy những người điếc câm: con trai duy nhất của cô, Khiêm, cũng bị khiếm thính bẩm sinh. Trong suốt những năm tháng vất vả dạy con, cô nhận ra rằng cuộc sống của một người điếc câm sẽ vất vả đến thế nào: còn con mắt, nhưng họ sẽ khó học hành hơn người khiếm thị rất nhiều, bởi bị tước mất khả năng giao tiếp với thế giới xung quanh. Phần lớn người câm điếc mà cô biết mù chữ, nghèo khổ. Rồi cô Thảo quyết định rằng mình sẽ mở lớp học cho những người điếc câm.

Cô đi tìm mượn địa điểm khắp nơi, dùng ngôn ngữ ký hiệu mình tự học trong những năm tháng nuôi con, dạy họ đọc-viết, dạy họ kỹ năng sống. Cô cùng Khiêm đi lang thang khắp các con phố Sài Gòn, đi tìm những người điếc câm đang vạ vật lề đường hay làm thuê làm mướn, rồi kêu họ tới lớp.

Những ước mơ

Như một nụ cười nhẹ của số phận: dàn đồng ca điếc câm sống trong một căn phòng nhỏ xíu hơn 10 mét vuông ngay phía trên phòng trà Không Tên nổi tiếng của Lệ Quyên trên đường Lê Thánh Tôn.

Căn nhà ấy được nhà nước cấp cho vợ chồng cô Thảo thời còn đi làm cán bộ. Giờ cô dành để nuôi những đứa trẻ tật nguyền. Bọn trẻ con câm điếc trong thành phố này, nếu tìm được việc làm, đi rửa xe hay phụ bàn, thì sẽ ngủ luôn ở nơi làm việc. Còn khi nào thất nghiệp, không có chỗ ngủ, thì về chỗ này, nằm xếp cạnh nhau như cá mòi, cô Thảo nuôi. Ban ngày đi lượm ve chai hay gì khác, còn buổi tối, ra đường đi bộ Nguyễn Huệ hát kiếm tiền. Mỗi buổi như thế cũng xin được vài trăm ngàn, đủ tiền ăn.

Căn phòng chật, đồ đạc chất đầy. Khiêm, con trai cô Thảo là họa sỹ. Cậu là một sinh viên sáng giá của Đại học Mỹ thuật Thành phố, hệ chính quy với số điểm đậu tới 29,5. Chỉ hơn mười mét vuông, xếp đầy tranh, tượng, những thùng đồ, chỉ còn chừa đủ chỗ cho mấy đứa trẻ câm điếc nằm sát cạnh nhau. Và chỗ cho một ước mơ xa vời: thành lập Hội người điếc câm TP Hồ Chí Minh.

Ước mơ lặng câm ảnh 3

Cô Thảo và một em nhỏ điếc câm "trò chuyện" trong căn gác nhỏ.

Cô Thảo muốn lập hội. Cô nghĩ rằng tại sao người mù có hội riêng, còn người điếc câm cũng khổ quá, mà không có ai đứng ra đại diện. Người phụ nữ già nua cứ nói mấy câu lại chực bật khóc. Người điếc câm nghèo lắm, có cặp kia, người chồng ốm đi viện mà không có tiền chữa, đến lúc chết rồi cũng không có nổi tiền mua quan tài. Mà toàn người thất học, có bao giờ biết đi đòi hỏi chế độ gì cho bản thân đâu. Tại sao không có bảo hiểm y tế dù là hộ nghèo, tại sao không có cái vé xe buýt dành cho người khuyết tật cũng không biết làm sao để hỏi. Hỏi làm sao được, cứ hoa chân múa tay vậy ở cơ quan ai người ta giải quyết.

Phần lớn người điếc câm, dù được đi học đến lớp 4, lớp 5, đều coi như mù chữ. Đến tên mình cũng không biết viết.

Rồi không có một tư cách gì, đi mượn một địa điểm để dạy chữ cho người điếc câm, hoặc tập hợp sinh hoạt, cũng không được. Đi tới đâu người ta đuổi tới đó. Có những khi đến nhờ một nhà văn hóa, bị người ta đuổi ra tận đằng sau, toàn rác rến và cống rãnh hôi thối, ngồi đó mà sinh hoạt. Cô Thảo kể rồi lại khóc. Hoặc có khi, được một nhà trường cho mượn phòng học rồi, đến khi người ta thấy tụi nhỏ đi hát, đi làm có tiền, quyên lại được mấy triệu bạc muốn mua cái máy ảnh để sinh hoạt tập thể, người ta lại nghi kị. Có tiền mà sao lại đi xin? Họ lại đuổi đi. Cứ thế, cái nhóm điếc câm của cô Thảo, dù có mấy trăm người sinh hoạt, nhưng vô thân vô phận. Họ được những người trong giới hoạt động xã hội gọi là “Tổ chức cộng đồng người điếc câm TP HCM”, nhưng thật ra chẳng có “tổ chức” nào.

Cô Thảo còn muốn lập hội vì một lẽ khác nữa: cô muốn có một bộ từ điển dành cho người điếc câm tại Việt Nam. Mỗi vùng miền, thậm chí là mỗi gia đình có con điếc câm, tự phát triển ngôn ngữ của riêng mình. Cộng đồng cứ tự sinh tồn như cây cỏ. Người vùng này có khi không nói chuyện được với vùng kia. Trong quá khứ, cũng có một vài nỗ lực từ các nhà xuất bản gom được vài ngàn từ được quy chuẩn hóa. Nhưng như thế là quá ít. Cô Thảo muốn có một bộ từ điển lớn. Mà để có điều ấy, cô cần một cái tư cách để đứng ra kêu gọi cộng đồng điếc câm từ các vùng miền cùng chung tay.

Nhưng sau 8 năm kiên trì tìm cách thành lập Hội người điếc câm TP HCM, cô Thảo vẫn chỉ có một căn phòng trọ nhỏ với cái nhóm hát rong “nổi tiếng” kia. Những lời kêu gọi của cô không được đáp lại.

“Câm điếc đi làm việc làm sao?”

Hành trình của mẹ con cô với các cấp chính quyền để xin thành lập hội điếc câm là một hành trình vô tận. Người phụ nữ ấy, đã tốt nghiệp đại học Luật khoa Sài Gòn, đứng chôn chân trước rừng thủ tục hành chính được dựng lên.

Đầu tiên, người ta hỏi cô rằng “Ban lãnh đạo hội toàn người câm điếc thì làm sao đi làm việc giao dịch với các cơ quan đoàn thể khác được?”. Cô về loay hoay thuyết phục nhiều trí thức có uy tín cùng đứng tên xin thành lập hội.

Lần sau, cô lại được hỏi rằng “Người lành lặn làm sao mà đại diện cho người điếc câm được?”. Lần này cô chịu, không biết phải làm thế nào.

Cô đề nghị cho Khiêm, con trai mình, làm lãnh đạo hội. Người ta bảo người lãnh đạo nên có bằng đại học. Khiêm học hết đại học rồi, người ta lại nói ba mấy tuổi đầu làm sao mà lãnh đạo được. Cứ thế, hết lần này tới lần khác, việc có một cái Hội vẫn chỉ là một ước mơ lặng câm.

Có lần, cách đây mấy năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đã ra quyết định công nhận ban vận động thành lập hội. Theo quy định, thì sau quyết định ấy phải có câu trả lời xem có cho phép thành lập hay không. Rồi chờ đợi mấy năm, vẫn không thấy.

Cô Thảo không bỏ cuộc. Nhưng cô cũng chưa biết phải tiếp tục như thế nào. Bây giờ, cô và Khiêm vẫn chỉ dừng lại ở việc cố gắng xây dựng một cộng đồng cho người điếc câm, rồi tuyên truyền cho xã hội biết và hiểu hơn về họ. Bằng tiền đi hát rong.

Cô Thảo có nhiều con. Hàng trăm đứa. Từ một Khiêm mà cô khóc ròng trong bất lực mấy chục năm trước để nuôi dạy, cô đã dìu dắt cả trăm đứa trẻ khác để chúng sống làm người lương thiện, hay chỉ đơn giản là thêm chút nhận thức khi bước vào đời. Cô cũng đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời. Nhưng cô không cảm thấy hài lòng với những điều ấy. Cô vẫn khóc. Khóc vì uất ức. Vì không có một chỗ cho bọn trẻ ngồi học tử tế. Vì khi một người câm điếc chết đi, không có nổi tiền mua cỗ quan tài, cô cũng không có tư cách gì đứng ra mà kêu gọi cộng đồng giúp người ta. Cô muốn những người câm điếc được chính danh.

Ở đó, trên đường đi bộ Nguyễn Huệ, nằm kẹp giữa trụ sở của Công ty chứng khoán Sài Gòn SSI và một cửa hàng McDonalds, những biểu tượng về sức mạnh kinh tế và tốc độ phát triển của thành phố tráng lệ này, có một nhóm người mang cảm giác bị lãng quên. Họ đứng đó, hát những khúc ca yêu thương cuộc sống. Nhưng những khúc ca ấy không thành lời. Khi quay về với căn phòng chật chội và dột nát, họ vẫn khóc.

Đức Hoàng

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.