Ngày 15/3, nhạc sĩ Thanh Tùng đã rời bỏ nhân gian trong niềm tiếc thương vô hạn của khán giả yêu nhạc.
Theo cáo phó của gia đình nhạc sỹ Thanh Tùng, vị nhạc sỹ sau một thời gian bệnh nặng, mặc dù đã được các bác sỹ và gia đình tận tình chăm sóc cứu chữa nhưng do bệnh tình quá nặng, đã qua đời lúc 5 giờ 45 phút ngày thứ ba, 15/3/2016 (tức ngày 7 tháng 2 năm Bính Thân) tại Bệnh viện Bạch Mai, hưởng thọ 69 tuổi.
Lễ viếng và truy điệu nhạc sỹ Thanh Tùng được tổ chức vào hồi 8 giờ đến 10h30 ngày thứ ba 22/3/2016 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ an táng cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức (xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).
Hơn 40 năm qua, âm nhạc của Thanh Tùng đã gắn bó với trái tim của hàng triệu người yêu nhạc Việt Nam. Chủ đề gần gũi, ca từ giản dị nhưng thấm đẫm cảm xúc, người nghe luôn tìm thấy được chính mình trong những khúc ca của ông. Khi vui có Hát với chú ve con, Lời tỏ tình của mùa xuân, Mưa ngâu... lúc buồn người ta có Lối cũ ta về, Một mình, Hoa tím ngoài sân,... vỗ về.
Bộ phim Ván bài lật ngửa thành công đến mức năm 1986, kịch bản phim được chuyển thể ngược thành tiểu thuyết cùng tên và được tái bản nhiều lần.
Nhưng ít ai biết, tên tuổi Thanh Tùng còn gắn với những bộ phim, trong đó có 2 bộ phim rất nổi tiếng là Ván bài lật ngửa và Vĩnh biệt mùa hè. Điều thú vị, cả hai phim đều là tác phẩm của người đạo diễn được mệnh danh "phù thủy của điện ảnh Việt" là Lê Hoàng Hoa.
Ván bài lật ngửa gắn với những nghệ sĩ có số phận đặc biệt. Được chuyển thể từ tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm của nhà văn/nhà cách mạng Trần Bạch Đằng, phim là siêu phẩm điện ảnh của Việt Nam những năm 1980, làm nên tên tuổi của Nguyễn Chánh Tín. Trước khi làm Ván bài lật ngửa, đạo diễn Lê Hoàng Hoa bị bắt giam vì vượt biên. Và ông được thả... để làm phim.
Với Ván bài lật ngửa, sáng tác của Thanh Tùng là một tác phẩm khí nhạc. Đây như một minh chứng nữa về sự tài hoa của người nhạc sĩ. Giai điệu tha thiết đã khắc họa rõ nét nỗi lòng của nhà tình báo chiến lược Nguyễn Thành Luân trong phân cảnh bước đi giữa rừng cao su, giúp đẩy cảm xúc của khán giả lên cao trào.
Ván bài lật ngửa từng đoạt giải đặc biệt LHP Việt Nam lần thứ sáu năm 1983, giải Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ bảy năm 1985.
Trong khi đó, sức sống mạnh mẽ Vĩnh biệt mùa hè khiến nhiều người quên mất rằng đó là ca khúc của bộ phim cùng tên.
Ra đời năm 1992, phim quy tụ dàn diễn viên đình đám của Việt Nam thời điểm đó, gồm Việt Trinh, Hồng Hạnh, Lê Công Tuấn Anh…
Nếu như 12A và 4H của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là phim truyền hình chuyển thể từ cuốn truyện dài Vĩnh biệt mùa hè của nhà văn Nguyễn Đông Thức thì bộ phim năm 1992 là bản điện ảnh. Phim xoay quanh tâm tư, tình cảm của những người trẻ giữa ngưỡng cửa bước vào cuộc đời.
Nói về mối duyên với nhạc sĩ Thanh Tùng, trong cuộc phỏng vấn năm 2013 với báo Người Lao Động, nhà văn Nguyễn Đông Thức cho biết: "Nhạc sĩ Thanh Tùng viết ca khúc Vĩnh biệt mùa hè là để đáp lễ tôi đã viết cuốn Ngôi sao cô đơn (1988) từ một ca khúc cùng tên của ông và ca từ "tình đầu là cơn giông chợt qua mau qua mau" là của ông ấy, không liên quan gì đến tôi. Tình đầu của tôi không hề qua mau".
Nhạc phim Ván bài lật ngửa - Nhạc sỹ Thanh Tùng
P.V (TH)