Vứt rác ở đâu là quyền của mình!
Khoảng 21h ngày 22/10, trong khi làm nhiệm vụ thu rác tại địa bàn, công nhân Nguyễn Văn Sinh thuộc tổ Môi trường 2 - Chi nhánh Đống Đa (địa bàn phường Cát Linh - Ô Chợ Dừa) đã bị hành hung phải nhập viện.
Theo bà Lê Mai, một cư dân tập thể K1 phố Giảng Võ, trong khi thu rác ở các hộ dân tại khu vực bà sinh sống thì lao công bị một nam thanh niên ở một nhà hàng gần đó ném bọc rác vào người. Không những không xin lỗi vì hành vi vô ý thức của mình, nam thanh niên này còn to tiếng chửi bới và xô xát với anh Sinh khi anh ngỏ lời nhắc nhở.
Theo các đồng nghiệp của anh Sinh tại Chi nhánh Môi trường đô thị Đống Đa, anh Nguyễn Văn Sinh là người hiền lành, ít nói và gần như không bao giờ to tiếng với ai. Trong sự việc đã xảy ra, anh Sinh bị nam thanh niên đấm nhiều cú vào vùng mặt, bụng làm chảy nhiều máu. Ngay sau đó, người dân xung quanh và các đồng nghiệp ở tổ môi trường đã can ngăn và đưa anh Sinh vào bệnh viện Hà Thành. Đến thời điểm này, sức khỏe của anh Sinh đã ổn định. Ngay khi xảy ra sự việc, ban lãnh đạo Chi nhánh Đống Đa đã có mặt tại hiện trường và phối hợp cùng Công an phường tại để làm rõ sự việc.
Anh Nguyễn Văn Sinh phải điều trị tại bệnh viện |
Tất nhiên sau đó, vụ việc đã được giải quyết, kẻ vứt rác vô ý thức vào người anh Sinh đã nhận lỗi, nhưng vụ việc cũng đủ khiến nhiều công nhân quét rác như anh Sinh hoang mang về môi trường làm việc mất an toàn của mình. Chẳng ai ngờ công nhân quét rác giữa Thủ đô hiện đại văn minh có thể bị nguy hiểm tính mạng.
Đây không phải là lần đầu công nhân môi trường “đụng” phải Chí Phèo. Trước đó vào ngày 15/6/2017, chị Trần Thị Thanh (nhân viên công ty TNNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco 2) - chi nhánh Hoàn Kiếm) bị hành hung đến bất tỉnh khi đang làm nhiệm vụ tại phố Nguyễn Hữu Huân.
Câu chuyện được người dân kể lại không có thù oán gì quá nghiêm trọng. Chỉ vì bị chị Thanh nhắc nhở bán nước mía để vương vãi rác ra hè phố mà Diệp - chủ hàng nước mía đã gọi chồng mình là Nguyễn Đức Cường tìm và “trả thù” bằng một trận đánh khiến chị Thanh bất tỉnh giữa phố. Vụ việc gây bức xúc này đã được Chủ tịch UBND Thành phố trực tiếp chỉ đạo làm rõ sự việc, nhưng sau đó trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều nữ lao công trên đường làm nhiệm vụ.
Liên tiếp công nhân môi trường trên địa bàn Hà Nội gặp nạn khiến nhiều người giật mình vì lối hành xử thiếu văn hóa của một bộ phận dân cư hiện nay. Vì sao vẫn có không ít công dân thế kỉ 21 có thể đánh chết người chỉ vì một lời nhắc nhở vứt rác đúng nơi quy định!?
Nỗi niềm lao công
Chị Đặng Thị Kim Anh - công nhân Chi nhánh MTĐT Hoàn Kiếm (URENCO 2) kể rằng, chị làm công nhân môi trường đã hơn 20 năm nay, nhưng chưa khi nào hết cảnh bị nhìn với ánh mắt vô cảm. Đi quét rác ở đường phố, mình quét rác cứ quét, người dân xả rác cứ xả, như kiểu tạo công ăn việc làm cho công nhân môi trường. Đã có lần chị nhắc nhở người dân nhưng “may mắn” vì không bị xử lý. Chị buồn nói: “Nhìn đồng nghiệp sau khi nhắc nhở người dân bỏ rác đúng quy định bị hành hung bất tỉnh, tôi cứ nghĩ mãi về môi trường làm việc luôn rình rập nguy hiểm của công nhân môi trường. Tôi mong cơ quan chức năng tiến hành xử phạt thật nghiêm các hành vi vứt rác bừa bãi để công nhân chúng tôi đỡ khổ, môi trường sống trên địa bàn Thủ đô cũng sạch sẽ, trong lành hơn”.
Với Đỗ Thị Lan - Chi nhánh Môi trường đô thị Hoàn Kiếm (URENCO2), chị tưởng khu vực phố cổ - khu trung tâm của Thủ đô Hà Nội, mọi người sẽ cư xử văn minh hơn, lịch sự hơn vì mỗi ngày có hàng trăm du khách quốc tế ghé thăm, hóa ra không phải.
“Chúng tôi làm việc tại khu vực phố cổ, ngày nào cũng xử lý "núi” rác, nhất là cuối tuần, người dân đổ về đông rất mệt, phải quét dọn đến 3- 4 giờ sáng mới xong. Rác đa số là đồ ăn đồ uống thừa, vỏ chai nước và giấy ăn. Nếu người dân và các hộ kinh doanh có ý thức hơn nữa, không vứt rác bừa bãi mà bỏ rác vào túi kín theo đúng hướng dẫn thì chúng tôi đỡ vất vả biết bao nhiêu” – chị Lan nói.
Ảnh minh họa (Ảnh: Hoàng Hiệp) |
Theo chị Nguyễn Thị Tuyết - công nhân Chi nhánh Môi trường đô thị Đống Đa (URENCO 4), nhìn chung người dân trong thời gian gần đây đã có ý thức khá lên nhiều so với trước kia. Nhưng vẫn có không ít người dân vô ý thức, sẵn thùng rác ở đấy nhưng vẫn vứt ra ngoài, thậm chí thùng rác không đầy nhưng vì “tiện” nên họ để rác đầy chân và nắp thùng rác. “Với những đối tượng bị nhắc nhở, rất ít người nghe, đa số tỏ thái độ khó chịu”.
Một đồng nghiệp khác của chị Tuyết cho biết thêm, hàng ngày vào buổi sáng sớm, cứ đến ngã tư Khâm Thiên - Lê Duẩn gần trạm điện thoại công cộng là thấy rác rưởi, mùi nước tiểu bốc lên nồng nặc. Thùng rác hay nhà vệ sinh công cộng đều có vẻ không tồn tại trong mắt mấy người xe ôm và một số người dân qua đường. “Những người vô ý thức chưa bao giờ thấu hiểu được nỗi khổ của những lao công như chúng tôi, lúc nào cũng quẩn quanh khói bụi, mùi hôi, rác bẩn, rồi những đêm muộn loay hoay với những đống rác vứt bừa bãi trên phố…”.
Vẫn biết, giờ công việc chở rác, xử lý rác… đã dần được cơ giới hóa, nhưng việc quét rác của những công nhân môi trường Thủ đô vẫn còn muôn vàn khó khăn và vất vả.
Hành động của cá nhân có thể thay đổi cả thế giới
Bộ mặt của đô thị bóng bẩy, đẹp đẽ luôn là minh chứng cho thành tựu của công cuộc đổi mới, cho cuộc sống hiện đại ngày một đổi thay của đất nước. Nhưng công cuộc đổi mới sẽ mãi chỉ là cái áo khoác ngoài nếu những công dân hiện đại không chịu thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, văn minh hơn.
Vấn nạn xả rác bừa bãi không phải đến bây giờ mới nhức nhối. Bài toán này đã đặt ra từ lâu nhưng chưa có lời giải: làm sao xóa sổ một cách triệt để?
Ảnh: Hoàng Hiệp |
Quy định phạt nặng những người xả rác bừa bãi đã từng được đề cập. Đã có nghị định của Chính phủ trao quyền cho chủ tịch UBND, trưởng công an các cấp đến thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt những hành vi vô ý thức xả rác bừa bãi. Thậm chí có thời gian từng đề nghị mức phạt thật nặng để răn đe người dân. Nhưng câu hỏi là ai sẽ xử phạt người vi phạm? Quy định thì có nhưng chẳng ai bị phạt. Rõ ràng chẳng có lực lượng nào có thể “nằm vùng” ngoài phố từ sáng đến tối, từ trong nhà ra ngoài ngõ để bắt người xả rác, bỏ tàn thuốc, tiểu tiện không đúng nơi quy định.
Tăng mức phạt thôi chưa đủ, phải phạt nghiêm mới là yếu tố quyết định tác động đến mọi người. Phạt nặng mới bắt mọi người thay đổi được hành vi, nhận thức của nhiều người trong xã hội đối với việc giữ gìn vệ sinh chung.
Mới đây, một người dân sống tại TP.HCM đã hiến kế cho lãnh đạo TP HCM về việc xử lý người xả rác hoặc các hành vi vi phạm khác bằng ứng dụng (app) trên hệ điều hành Android và IOS, chạy trên điện thoại thông minh. Khi có người vi phạm, người dân có thể dùng điện thoại chụp ảnh, gửi cho cơ quan quản lý đang quản trị app.
Hiện app vẫn chỉ là một kế sách trên giấy, nhưng cũng khiến nhiều người hi vọng sẽ “xử lý” được nạn xả rác bừa bãi và những Chí Phèo “nghênh ngang” trên phố. Theo nhiều chuyên gia, chúng ta hoàn toàn có thể làm được như Singapore. Thực tế thì ngay ở TP HCM, TP Hà Nội và Đà Nẵng, đã có nhiều “khu phố không rác” hoặc “khu phố xanh - sạch - đẹp” được tuyên dương xem như một mô hình điển hình cần nhân rộng. Chỉ cần ý thức của người dân nâng cao thì mọi con đường sẽ trở nên sạch đẹp…