Văn hóa và kiến trúc nhìn từ di sản Huế

0:00 / 0:00
0:00

(Ngày Nay) - Sáng 29/7, hội thảo liên văn hóa mang chủ đề "Văn hóa và kiến trúc nhìn từ Di sản và Di sản Huế" đã diễn ra tại Lan Viên Cố Tích, cơ sở 2 - điểm hẹn Liên Văn Hoá tại 94-98 Bạch Đằng, thành phố Huế

Văn hóa và kiến trúc nhìn từ di sản Huế

Có thể nói văn hóa và kiến trúc luôn là đề tài hấp dẫn, nhận được nhiều sự quan tâm tại những địa phương sở hữu di sản. Đặc biệt với một thành phố có bề dày lịch sử cùng sự chồng lớp độc đáo các kiến trúc văn hóa như Huế, chủ đề nói trên càng trở thành tâm điểm bất tận của những cuộc đối thoại liên văn hóa.

Theo đó, hội thảo "Văn hóa và kiến trúc nhìn từ Di sản và Di sản Huế" do GS.TS Thái Kim Lan tổ chức đã có sự góp mặt của đại diện Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế cùng các học giả đến từ trong và ngoài nước. Chủ đề của sự kiện tập trung nhìn lại công tác quản lý và phát huy di sản nói chung cũng như di sản của Huế nói riêng từ quan điểm, góc nhìn thực tiễn của các diễn giả.

Theo GS.TS Thái Kim Lan, sinh thời triết gia người Đức Immanuel Kant từ gọi văn hóa là "bản tính thứ hai" của con người, xuất hiện sau bản tính thô sơ, nguyên thủy, chưa được uốn nắn. Văn hóa trong quá trình nảy nở, phát huy điều kiện hiện hữu, đồng thời định hình cách sống của con người, trong đó có kiến trúc.

Tại điểm nút này, Kant tiếp tục định nghĩa lại khái niệm văn hóa rộng hơn, bao trùm chủ thể và khách thể: thế giới và con người (bao gồm môi trường, kiến trúc, mỹ thuật, ẩm thực, y phục, rừng núi, sống hồ, biển, thảo mộc và ngay cả phong tục, thói quen sinh hoạt...).

Như vậy, kiến trúc là quá trình được định hình từ văn hóa nhưng cũng lại có sự tương tác, thậm chí định hình lại văn hóa trong chừng mực tạo nên điều kiện tồn tại, cách thức sinh hoạt của cá nhân hay tập thể. Có thể nói, kiến trúc uốn nắn lối sống, ảnh hưởng lên tâm lý, đạo đức, cách hành xử của mỗi người. Kiến trúc có thể định hình một "bản tính thứ ba" của con người trong quá trình phát triển văn minh, kiến tạo một đời sống có chất lượng tốt hơn cho mọi người.

Văn hóa và kiến trúc nhìn từ di sản Huế ảnh 1

Toàn cảnh buổi hội thảo.

Tuy nhiên, mối tương quan nói trên luôn tiềm ẩn khả năng tạo ra những tiêu cực khi kiến trúc có thể làm thay đổi con người, giam hãm họ trong những khối hộp bức bí, thiếu dưỡng khí, đánh mất tính nhân văn. Và cũng từ chính mối tương quan này, văn hóa và kiến trúc đã trở thành đối tượng của hội thảo "Văn hóa và kiến trúc nhìn từ Di sản và Di sản Huế".

Phát biểu tại sự kiện, từ điểm nhìn trong quản lý và bảo tồn văn hóa và các công trình ở Huế, TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Thừa Thiên Huế, chia sẻ, do những điều kiện đặc biệt về lịch sử hình thành, phát triển và môi trường tự nhiên, kiến trúc truyền thống Huế có tính cân bằng rất đặc biệt. Điều đó thể hiện rõ trong quy hoạch đô thị Huế suốt từ thời chúa Nguyễn cho đến các đời vua và ngay cả trong thời kỳ thuộc địa. TS. Phan Thanh Hải gọi đó là một đô thị cân bằng với hai phần Dương cơ (nơi ở của người sống) và Âm cơ (nơi ở của người đã khuất) được kết nối bằng một dòng sông huyền thoại.

Tính cân bằng của Huế còn thể hiện rõ trong bố cục các công trình kiến trúc truyền thống, bao gồm cả kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian. Trong đó mỗi công trình tự thân có sự cân bằng hài hòa.

"Đặc tính này khiến cho kiến trúc truyền thống Huế trở nên độc đáo, khác biệt với một triết lý riêng. Đây là di sản quý giá mà Huế cần gìn giữ và phát huy trong bối cảnh đương đại - trong xu thế cả tỉnh Thừa Thiên Huế đang được quy hoạch để trở thành thành phố trực thuộc TƯ theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị", ông Phan Thanh Hải cho biết.

Được phác thảo và tổ chức trên tinh thần khoa học, cởi mở, thân thiện, hội thảo đã thu hút được các chuyên gia hàng đầu về di sản và kiến trúc như TS. Phan Thanh Hải, Phạm Đức Thành Dũng, Trần Hữu Phúc Tiến, PGS.TS Nguyên Hạnh Nguyên, Cao Thành Nghiệp, Tôn Thất Liêm, Phạm Nhân Thọ, Nguyễn Mạnh Bình San, TS. Huỳnh Thị Anh Vân, TS. Trần Đình Hằng, KTS Lê Hữu Kha (Mỹ)...

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.