Nhằm giúp các em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tới lớp, từ năm 2016 đến nay, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” tới tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn. Từ cuộc vận động này, nhiều em học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt đã tiếp tục có cơ hội để đến lớp và học lên cao hơn.
Ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tô Mậu, 100% cán bộ, giáo viên đều có con nuôi.
Cô giáo Đoàn Thị Thảo giúp đứa con nuôi Chu Văn Minh quàng lại khăn đỏ cho đúng. |
Cô giáo là mẹ hiền
Cậu học trò Chu Văn Minh, dân tộc Dao có hoàn cảnh rất đặc biệt. Từ khi mới sinh ra em đã phải sống trong căn nhà vách nứa ọp ẹp, nằm heo hút ven dòng sông Chảy. Trong nhà chỉ có một chiếc giường tre, mấy cái nồi, vài chiếc bát theo thời gian đã sứt mẻ.
Đáng thương hơn, khi em mới 2 tuổi, mẹ đã mang Minh để lại ven đường gần nhà ngoại rồi bỏ đi biền biệt. Bố em vì thế mà buồn chán, thường xuyên lấy rượu làm bạn, khiến cho cuộc sống của hai bố con vốn khó khăn càng thêm khốn khó.
Với ước mong được học như các bạn, hằng ngày, trong bộ quần áo cũ rách, cậu bé Minh gầy gò vẫn đều đặn đi bộ tới lớp. Thiếu sự quan tâm chăm sóc, giám sát của người lớn nên thầy cô và các bạn thường thấy Minh đến trường trong tình trạng 4 không: “không giầy dép, không bút vở, không cặp sách và không đúng giờ giấc’’.
Thương Minh, cô giáo Đoàn Thị Thảo đã nhận đỡ đầu em, dành cho em tình yêu thương đúng nghĩa của một người mẹ. Cô chăm lo cho Minh từ bữa ăn, giấc ngủ, năm học mới nào cũng sắm đủ cho em từ sách vở, bút mực, giày dép, quần áo cho đến chăn màn... “Ban đầu em tỏ ra rất bướng bỉnh, đi học thì hôm muộn, hôm tự đi bởi vì bố em có thể đi hai, ba ngày mới về, hoặc đi làm ăn hay đi uống rượu. Chính vì vậy, tôi có đề nghị với nhà trường là trực tiếp nhận đỡ đầu, quản lý em. Sáng chưa thấy em đến lớp tôi trực tiếp đi đón em hoặc gọi điện nhờ phụ huynh ở gần đấy đưa em đến lớp. Hôm nào bố em đi vắng thì tôi đưa về nhà mình. Trong gia đình thì ai cũng rất ủng hộ việc làm của tôi nên tô cũng thuận lợi trong việc giúp đỡ em”, cô giáo Đoàn Thị Thảo bộc bạch.
Từ tình yên thương của các thầy cô giáo trong nhà trường và “mẹ Thảo” dành cho, Minh đã nhanh chóng thay đổi. Từ một cậu bé thân hình gầy gò, nhút nhát, lớp 1 không biết chữ, em đã “có da có thịt”, đọc thông viết thạo vào năm lớp 2.
Cô giáo Nông Thị Thúy Hằng dành cho em Thơm tình yêu thương như người mẹ. |
Đang trong những ngày tháng tươi đẹp, bất ngờ dịp Tết năm 2018, một tai nạn ập đến với Minh. Em bị ngã vào tường rào làm đứt lìa gân tay phải, phải nằm viện điều trị. Cô Thảo lại cùng em vào viện và kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng để em có đủ chi phí chữa trị.
Trở lại lớp học, do bịt đứt gân, Minh chưa thể dùng tay phải viết được, cô Thảo đã cấp tốc luyện cho em tập viết bằng tay trái. Đặc biệt, những ngày cuối tuần, cô Thảo đến nhà em hoặc đưa em về nhà mình để kèm luyện thêm. Ngày qua ngày, đến khi tay phải hồi phục xong thì tay trái em cũng đã viết thành thạo, giờ em viết tốt cả hai tay.
Cũng từ tình yêu thương của cô Thảo, ngay cả bố Minh là anh Vi Minh Tân cũng thay đổi tích cực, bớt uống rượu và chịu khó làm ăn. Vừa rồi, được cô giáo Thảo hỗ trợ cây giống, anh đã phát đồi bỏ hoang để trồng rừng.
Năm học này, Chu Văn Minh đã lên lớp 4. Cậu bé được bạn bè rất yêu quý bởi luôn chăm chỉ học hành và ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô. “Quần áo, sách vở đều cô Thảo mua cho con, năm nay lên lớp 4 cô còn mua cho con cả xe đạp nữa. Con sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng cô", Minh bẽn lẽn cho biết.
Thầy cô nào cũng có con nuôi
Đặng Văn Trường cũng là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt ở trưởng Tiểu học và THCS Tô Mậu. Do nhà sắp đổ nên bố em phải bỏ lại ba mẹ con ở quê đi làm thuê nơi xa lấy tiền làm lại nhà, nhưng đồng lương công nhân hàng tháng trừ chi phí ăn uống, thuê trọ cũng chả còn đáng là bao.
Ở nhà, Trường vừa phải trông em, vừa phải giúp mẹ làm công việc đồi nương để có cái ăn qua ngày. Còn việc học của em thì luôn thường trực ý định bỏ do không đủ đồ dùng, sách vở, quần áo... Được cô giáo Nguyễn Thùy Dung đỡ đầu nên việc học của Trường không bị bỏ dở, năm nay em đã lên lớp 7.
Từ sự giúp đỡ của các thầy cô giáo em Đặng Văn Trường đã tự tin hơn. |
Đối với em Nguyễn Thị Thơm, học sinh lớp 6, do gia đình quá khổ nên trước năm học mới 2019 – 2020 này em đã bỏ học. Không có đủ sách vở, ngay cả đôi dép, cái khăn quàng đỏ em cũng không có nên không thể đến lớp. Được nhà trường động viên, chia sẻ và được cô giáo Nông Thị Thúy Hằng nhận đỡ đầu nên sau đó em đã quay trở lại lớp học. Tuy gương mặt vẫn đượm buồn, thiếu tự tin, ít chơi đùa với các bạn, nhưng Thơm đã không còn nghỉ một buổi học nào. “Nhìn Thơm thì nhìn rất là khắc khổ, rất là thương nên tôi đã quan tâm, giúp đỡ em ngay từ đầu. Cũng như con của mình thôi, thiếu thốn cái gì là giúp đỡ cái ấy”, cô giáo Nông Thị Thúy Hằng tâm sự.
Năm học 2019 – 2020, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tô Mậu có 33 cán bộ, giáo viên, với 487 học sinh. Trong đó, hơn 160 em có hoàn cảnh khó khăn và 39 em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, 33 cán bộ giáo viên của nhà trường mỗi người đã nhận đỡ đầu ít nhất một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để giúp các em vươn lên trong cuộc sống, xóa bỏ tự ti, mặc cảm và có đủ các điều kiện đến lớp.
Vì đa số các em có hoàn cảnh hết sức đáng thương như: Bố mẹ đi làm ăn xa phải ở nhà một mình, kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn, ốm đau bệnh tật, mồ côi hay bố mẹ bỏ nhau ngay từ khi các em còn bé… nên sự giúp đỡ của các thầy cô giáo không chỉ dừng lại ở tiền bạc, vật chất, mà còn là tình thương, sự quan tâm, sẻ chia của những người cha, người mẹ thực sự dành cho đứa con của mình. “ Xuất phát từ một số em có hoàn cảnh rất éo le, từ năm học 2016- 2017 nhà trường đã phát động tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường là mỗi người nhận giúp đỡ một đến 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau thực hiện nhà trường đã thu được một số kết quả đó là: Tỉ lệ học sinh nghỉ học giảm xuống, chất lượng học sinh theo từng năm học tăng lên. Đặc biệt, những em được thầy cô giáo giúp đỡ thì có tinh thần tự tin, không còn e dè, mặc cảm với bản thân nữa; kế quả học tập của các em cũng nâng lên. Mô hình này rất là tốt, nhà trường sẽ tiếp tục áp dụng cho các năm học tiếp theo và phấn đấu mỗi một thầy cô giáo là nâng số học sinh nhận đỡ đầu lên”. Thầy giáo Cù Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường TH và THCS Tô Mậu cho biết.
Một cách làm cần nhân rộng
Ngôi trường có nhiều em học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. |
Lục Yên là một huyện miền núi ở tỉnh Yên Bái, với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại ở các trường học, còn khá nhiều em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để giúp các đỡ các em, Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện đã phát động Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, đến tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Hương, Phó phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Lục Yên cho biết: “Thực hiện cuộc vận động này, một số trường thì tập thể nhận đỡ đầu, một số trường thì giáo viên nhận nuôi ăn học, giúp đỡ về cơ sở vật chất và tinh thần để các em có điều kiện tốt nhất để tới trường. Cho đến thời điểm này phong trào đã được nhân rộng và các đơn vị trường đã làm tốt công tác này, với nhiều điển hình”.
Bằng tấm lòng thơm thảo, nhân ái của các thầy cô, những em học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Tô Mậu nói riêng, ở huyện Lục Yên nói chung đã vơi bớt đi khó khăn, có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, viết tiếp “giấc mơ” tới trường. Đây thực sự là mô hình, cách làm thiết thực, cần được nhân rộng trong thời gian tới./.