Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình “Tạo cơ hội thị trường bình đẳng cho phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ thông qua mua sắm có trách nhiệm giới” (WE RISE Together) do Chính phủ Úc hỗ trợ thông qua Quan hệ Đối tác Mekong-Úc.
Thị trường mua sắm toàn cầu trị giá hàng nghìn tỷ đô la và thu hút sự tham gia của các tổ chức lớn và nhỏ, nhà nước và tư nhân, thông qua việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Ước tính cho thấy phụ nữ sở hữu khoảng 33% tổng số doanh nghiệp, mặc dù vậy, trên toàn cầu các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chỉ nhận được 1% chi tiêu mua sắm công và tư.
Việt Nam có hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ; 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu. Tuy nhiên, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa số ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành và gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu mua sắm của các công ty lớn.
Hội thảo tập trung vào các giải pháp thiết thực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ. |
Hội thảo tập trung vào các giải pháp thiết thực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ được tiếp cận với các công ty mua hàng lớn và tiềm năng thông qua Phiên đối thoại và Phiên kết nối kinh doanh.
Phiên đối thoại tại Hội thảo được các đại biểu tham dự đánh giá cao bởi tính thực tế và những kết quả đạt được của các doanh nghiệp khi tham gia Chương trình WE RISE Together. Trong gần hai năm qua, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chương trình đã được tập huấn, nâng cao năng lực kinh doanh như quản lý tài chính, bán hàng, marketing, tạo sự khác biệt cho sản phẩm, thương hiệu và thường xuyên được kết nối với các doanh nghiệp mua hàng . Các doanh nghiệp mua hàng được cập nhật xu hướng phát triển doanh nghiệp bền vững, bình đẳng giới, môi trường, xã hội và quản trị, và tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua việc mua sắm có trách nhiệm giới.
Các đại biểu tham dự đánh giá cao phiên đối thoại bởi tính thực tế và những kết quả đạt được của Chương trình WE RISE Together. |
Phiên kết nối kinh doanh đã diễn ra sôi nổi giữa 30 doanh nghiệp mua hàng tiềm năng và 50 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ theo 4 nhóm ngành hàng: (1) Dịch vụ du lịch, (2) Bán lẻ, hàng tiêu dùng, (3) Thực phẩm & đồ uống, (4) Quà tặng lưu niệm. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối với các doanh nghiệp mua hàng tiềm năng nhằm mở rộng cơ hội thị trường cho doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng, dịch vụ du lịch; đồng thời thúc đẩy triển khai chính sách Đa dạng nhà cung cấp và Mua sắm có trách nhiệm giới.
Nhân dịp này, 10 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia ký Ủng hộ Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (Women’s Empowerment Principles – WEPs), thể hiện cam kết thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng.
Ngày 25/6 tới, chương trình sẽ tổ chức một sự kiện kết nối doanh nghiệp tại thành phố Huế.