"Tôi lấy làm tiếc về phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm nay trả lời khi được hỏi về việc Đức yêu cầu tùy viên tình báo Việt Nam tại nước này về nước, liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh.
Ông Trịnh Xuân Thanh. |
"Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức", bà nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer ngày 2/8 cáo buộc cơ quan tình báo và đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức" và việc này "vi phạm luật pháp Đức và quốc tế".
Đức hôm 1/8 triệu đại sứ Việt Nam và ngày 2/8 thông báo đã yêu cầu đại diện chính thức của cơ quan tình báo Việt Nam rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ.
Vụ bắt cóc "có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ hai bên", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức nói. Ông cảnh báo Đức có thể "có biện pháp về chính trị, kinh tế và chính sách phát triển nếu cần".
Berlin đề nghị Hà Nội cho phép Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức để nhà chức trách Đức có thể xử lý đơn xin tị nạn của ông Thanh và đề nghị dẫn độ của Việt Nam theo quy trình.
Trịnh Xuân Thanh từng giữ chức Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Năm 2013, ông được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng Bộ Công Thương, Vụ trưởng, Trưởng ban đổi mới tại Bộ Công Thương, Vụ trưởng, chánh văn phòng Ban cán sự Đảng, Bộ Công Thương.
Tháng 9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với ông Thanh để điều tra cáo buộc có nhiều sai phạm trong quản lý dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) giai đoạn 2007 - 2013
Thời điểm này ông Thanh đang là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Một tháng trước đó, ông xin nghỉ phép với lý do ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng hết phép, ông không trở lại nhiệm sở, mọi liên lạc bị cắt đứt. Ngày 16/9/2016, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế với ông Thanh.
"Quan lộ" thăng trầm của ông Trịnh Xuân Thanh. Đồ họa: Tiến Thành. |