Trước đó, ngày 16/9/2016, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.
Sau khi xác định Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với bị can này.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và điều tra ban đầu, nhóm cán bộ chủ chốt của PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát và làm trái các quy định nhà về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013).
Dưới thời điều hành của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trịnh Xuân Thanh và Tổng giám đốc Vũ Đức Thuận cùng các thuộc cấp, PVC đã sử dụng phần vốn điều lệ đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết.
Yếu kém sản xuất kinh doanh nên việc góp vốn không mang lại hiệu quả. Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm của PVC bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa thể triển khai khiến Tổng công ty thua lỗ gần 1.850 tỷ đồng.
Trước khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam đối với 10 bị can nguyên là cán bộ của PVC gồm: ông Đỗ Văn Hồng (50 tuổi, trú Bắc Ninh), chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Kinh Bắc (PVC-KBC, công ty con của PVC); ông Nguyễn Mạnh Tiến (51 tuổi, trú Hà Nội), nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); ông Vũ Đức Thuận (nguyên ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc); Trương Quốc Dũng (nguyên Phó Tổng giám đốc PVC); ông Phạm Tiến Đạt (nguyên kế toán trưởng PVC); ông Lương Văn Hòa (nguyên giám đốc ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch, PVC); ông Lê Xuân Khánh (trưởng Phòng Kinh tế tổng hợp ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch); ông Nguyễn Lý Hải (nguyên trưởng Phòng Kỹ thuật ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch); ông Nguyễn Thành Quỳnh, Giám đốc Ban Kỹ thuật công nghệ, Tổng Công ty Miền Trung; bà Lê Thị Anh Hoa, giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa (bà Hoa bị cấm đi khỏi nơi cư trú).
Các bị can trên bị khởi tố về các tội danh cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế và tham ô tài sản.
Lý lịch Trịnh Xuân Thanh
Trịnh Xuân Thanh sinh ngày 13/2/1966, quê xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Trình độ học vấn: Cử nhân chuyên ngành Quy hoạch đô thị.
Ông Trịnh Xuân Thanh tốt nghiệp Đại học Kiến trúc năm 1990, sau đó sang Đông Âu làm ăn. Năm 1995 về nước và từ năm 1996 đến năm 2000, ông làm Phó Giám đốc Công ty Detesco của Trung ương Đoàn.
Những năm 2000-2004, ông Thanh làm Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Tổng Công ty Sông Hồng, Việt Trì, Phú Thọ.
Từ năm 2005 – 2007, Trịnh Xuân Thanh làm Phó Tổng rồi Tổng giám đốc của Tổng Công ty Sông Hồng.
Từ cuối năm 2007 ông Thanh chuyển về làm Phó Tổng giám đốc rồi sau đó năm 2009 là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) .
Tháng 8/2013, Bộ Công thương điều động ông Trịnh Xuân Thanh về làm Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương.
Tháng 5/2015, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được luân chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Năm 2016, ông Trịnh Xuân Thanh ứng cử ĐBQH khóa 14 tại Hậu Giang và trúng cử với tỷ lệ 75,28%.
Ngày 15/7/2016, theo kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hội đồng bầu cử quốc gia biểu quyết không xác nhận tư cách ĐBQH của ông Trịnh Xuân Thanh với 100% số phiếu.
Ngày 8/9/2016, Ban Bí thư họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã biểu quyết 100% bằng phiếu kín quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.