Sau những thành công trong việc ngăn chặn đại dịch Covid 19, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương ở khu vực cũng như trên thế giới. Truyền thông phương Tây và các chuyên gia quốc tế nhận định rằng, với các biện pháp quyết liệt ngăn ngừa dịch bệnh, chủ động đối phó với các thách thức và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam trong năm 2021 tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương ở khu vực cũng như trên thế giới. |
Tạp chí Nikkei của Nhật Bản trong những ngày cuối năm 2020 đã đưa ra nhận định đầy triển vọng về kinh tế Việt Nam, trong đó khẳng định, Việt Nam là một trong 3 nền kinh tế Đông Nam Á có khác biệt lớn về tăng trưởng kinh tế trong năm 2021, có thể trở về thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát. Điều này trái với dự báo ảm đạm đối với các nền kinh tế lớn khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc… Tạp chí này dẫn lời chuyên gia kinh tế Yuta Tsukada thuộc Viện nghiên cứu Nhật Bản (JRI) cho rằng, xét tới lợi thế chi phí sản xuất thấp của Việt Nam, sẽ còn có thêm nhiều doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, đặc biệt nếu thương chiến Mỹ-Trung còn tiếp diễn.
Cùng chung nhận định này, chuyên gia kinh tế Siam Fewner của Singapore cho rằng: "30% các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc ảnh hưởng bởi các chính sách cọ sát của Trung Mỹ. Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải giảm năng lực sản xuất và thậm chí phải đóng cửa. Và nhiều trong số đó đã có kế hoạch chuyển sang thị trường Việt Nam. Đây là cơ hội để VN tăng trưởng FDI, bất chấp dịch bệnh."
Từ khi Trung Quốc công bố trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19, Việt Nam đã huy động nguồn lực mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan của virus hiệu quả. |
Tờ Thời báo New York Times của Mỹ cũng đăng một bài báo có tựa đề: “Việt Nam có phải là “kỳ tích châu Á” tiếp theo? Nhận định kể từ khi Trung Quốc công bố trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19, Việt Nam đã huy động nguồn lực mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan của virus hiệu quả. Việc kiềm chế đại dịch khiến Việt Nam nhanh chóng mở cửa trở lại cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. “Ấn tượng hơn nữa, sự tăng trưởng của Việt Nam được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục, bất chấp sự sụp đổ trong thương mại toàn cầu”. Bài báo nhấn mạnh rằng, với các biện pháp phòng ngừa covid đúng đắn và hiệu quả, Việt Nam không chỉ giữ được nhịp tăng trưởng của năm 2020 và còn bứt phá thành một trong những nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á trong năm nay.
Dẫn chứng về việc Việt Nam tiếp tục ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cho rằng, Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều vốn đầu tư, tăng trưởng thương mại trên những cam kết của chính phủ: "Việt Nam đang là nước thành công trong phát triển kinh tế ở khu vực ASEAN. Và tôi tin là Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng đó. Chúng ta đã và đang tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn, thách thức về dịch bệnh, tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Nhưng chính phủ Việt Nam đã tiếp tục đưa ra những cam kết tăng trưởng bền vững, dựa trên các nền tảng kinh tế số. Đó sẽ là cơ sở để Việt Nam tiếp tục đạt các mục tiêu cao hơn trong những năm tiếp theo."
Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie. Ảnh: TTXVN |
Trong báo cáo đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam đưa ra trong tuần cuối cùng của năm 2020, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đều đưa dự báo con số tăng trưởng GDP Việt Nam trong 2021 có thể đạt mức từ 6,5 đến 6,8% bất chấp tình hình dịch bệnh và kinh tế thế giới khó lường, vaccine ngừa Covid 19 chưa chắc chắn có thực sự hiệu quả hay không… Các định chế tài chính quốc tế tin rằng, năm 2021, kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ tăng tốc mạnh mẽ và có thể trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng: "Việt Nam đã rất đạt được sự t ăng trưởng tuyệt vời bất chấp đại dịch đang khiến kinh tế khu vực tăng trưởng âm. Đó là nhờ Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu tiên trong phát triển kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh và hậu dịch, đặc biệt là tập trung vào chuyển đổi số. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang tiếp tục đưa ra các ưu tiên trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế bền vững giai đoạn 2021 đến 2030, và đó sẽ cách Việt Nam sẽ có những bước phát triển ngoạn mục tiếp theo."
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam. |
Bà Carolyn cũng thừa nhận, trước đây Việt Nam không thực sự hiệu quả trong việc số hóa. Nhưng từ khi khủng hoảng do dịch bệnh xảy ra thì 2/3 công ty ở Việt Nam đã chuyển đổi hoặc chuyển hướng sang sử dụng nền tảng số. Đây là minh chứng cho sự thích ứng nhanh của Việt Nam trong tình hình mới.
Thậm chí lạc quan hơn, Ngân hàng OUB của Singapore và HSBC - Hongkong (Trung Quốc) còn nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay có thể đạt mức lần lượt là 7,1% và 8,1%. S&P Global dự báo kinh tế Việt Nam tăng 10,9% trong 2021, mạnh hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. HSBC cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI rất kiên định.
Trong 10 năm tới, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo đạt 6,6% và đến năm 2035 sẽ giữ vị trí 19 trên thế giới. |
Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) ở Anh mới đây công bố báo cáo thường niên về 193 quốc gia, trong đó dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng bình quân 7% trong các năm từ 2021 - 2025. Trong 10 năm tới, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo đạt 6,6% và đến năm 2035 sẽ giữ vị trí 19 trên thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu cam kết quốc tế bất chấp cuộc khủng hoảng dịch bệnh. The Asean Post, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã và đang có những bước tiến lớn nhằm thúc đẩy vị thế là một nhà lãnh đạo khu vực, đặc biệt với sự ngăn chặn hiệu quả đại dịch COVID-19, chính sách chống biến đổi khí hậu và sự ổn định chính trị. Việt Nam đã đạt được mục tiêu hành động của Liên Hợp Quốc về giảm khí thải CO2 và đầu tư vào vào khả năng chống chịu với khí hậu. Theo Báo cáo phát triển bền vững 2020, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được mục tiêu đó. Việt Nam cũng đi trước các quốc gia Đông Nam Á nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo.