Thanh tra phát hiện 23 container "bốc hơi"
Trước đó, Tổng cục Hải quan cho biết từ việc chủ động thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Hải quan đã phát hiện vào giữa năm 2015 có 213 container của 56 doanh nghiệp vận chuyển quá cảnh qua cảng Cát Lái – TP. HCM (cửa khẩu nơi đi) để trung chuyển bằng đường bộ, sau đó xuất đi Campuchia (cửa khẩu nơi đến), tuy nhiên, số container trên đã được doanh nghiệp vận chuyển khỏi cảng Cát Lái nhưng không được đưa đến cửa khẩu xuất theo quy định.
“Hiện tại Tổng cục Hải quan đang phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra, các đơn vị thuộc Tổng cục An ninh – Bộ Công an và Công an TP.HCM khám xét, điều tra các container và doanh nghiệp vi phạm”, Tổng cục Hải quan cho biết.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM xem xét, xử lý nghiêm những công chức có hành vi sai phạm, đồng thời kiến nghị cần phải chấn chỉnh khâu cấp phép và tăng cường công tác quản lý sau cấp phép đối với doanh nghiệp của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, theo Vietnamnet.
Vào ngày 31/7, các điều tra viên C46 - Bộ Công an phối hợp với các đơn vị liên quan đã kiểm tra một trong những container chưa kịp “biến mất” khỏi cảng Cát Lái.
Qua kiểm tra chiếc container 40 feet này, công an ghi nhận bên trong là hàng điện tử đã qua sử dụng (máy giặt, máy lạnh, thùng loa..) nhập từ Nhật. Đây là các mặt hàng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.
Cảng Cát Lái. Ảnh minh họa |
Đến cuối tháng 3/2017, đoàn kiểm tra Tổng cục Hải quan xác định hàng loạt cán bộ, công chức hải quan CCHQ KV1 làm thủ tục cho các lô hàng quá cảnh trên không đúng quy định hoặc được giao thực hiện các bước nghiệp vụ theo quy trình trong thời gian các lô hàng quá cảnh ra khỏi cảng nhưng không có hồ sơ.
Nghi ngờ có dấu hiệu giúp đỡ từ cán bộ hải quan
Theo quy định về hàng quá cảnh, cơ quan hải quan sẽ theo dõi thông tin xác nhận hàng hóa quá cảnh đã làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu nơi đi (BOA) và hệ thống xác nhận hàng hóa đã làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu nơi đến (BIA). Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan phát hiện 213 container khi ra khỏi khu vực giám sát có nhiều dấu hiệu cho thấy có cán bộ hải quan đã can thiệp vào hệ thống điện tử để xóa BOA.
Một số cán bộ CCHQ KV1 không theo dõi tình trạng vận chuyển và không truy tìm hàng khi đã quá thời hạn đăng ký mà chưa có thông tin xác nhận hàng đã đến đích; hủy bộ hồ sơ vận chuyển độc lập, can thiệp vào hệ thống, xóa BOA... Hậu quả là các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định 213 container hàng nói trên đã đi đâu.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm phụ trách Cục Hải quan TP.HCM, cho biết: “Tổng cục Hải quan chủ động phát hiện vụ việc, sau đó phối hợp với C46 để làm rõ. Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án để điều tra”.
ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm phụ trách Cục Hải quan TP.HCM |
Ông Cường cũng thông tin Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM và CCHQ KV1 rà soát những công chức đã thực hiện thông quan 213 container trên, đồng thời yêu cầu các cán bộ, công chức đã chuyển đi chi cục khác về thực hiện truy tìm những tờ khai đã được phân công nhưng chưa thực hiện lệnh BOA.
CCHQ KV1 đã thành lập tổ triển khai xử lý đối với tờ khai vận chuyển độc lập xác minh 56 doanh nghiệp còn hoạt động hay không; xác minh hãng tàu, cơ quan kinh doanh cảng… liên quan đến 213 container.
“Đối với trường hợp 213 container có can thiệp vào hệ thống để xóa BOA, công chức hải quan cũng đã có giải trình, Cục Hải quan cũng đã có văn bản báo cáo, đề nghị Cục Công nghệ thông tin xác định thời điểm mà công chức xóa BOA để làm rõ trách nhiệm xử lý” - ông Cường nói.
Tổng hợp