Đợt bùng phát dịch Ebola ở tỉnh Equateur xuất hiện vào đầu tháng 6 và hiện đã lan sang một trong khu wc khác của tỉnh này, nâng tổng số khu vực bị ảnh hưởng lên 12. Cho đến nay, đã có 113 trường hợp mắc và 48 trường hợp tử vong.
Người phát ngôn của WHO, bà Fadéla Chaib, cho biết: “Khu vực bị ảnh hưởng gần đây nhất, Bomongo, là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai giáp với Cộng hòa Congo, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch này lây lan sang một quốc gia khác”. Bà Chaib nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác chặt chẽ giữa các bên nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.
Nguy cơ dịch bệnh lan rộng đến tận Kinshasa cũng là một mối quan tâm rất thực sự của cơ quan LHQ. Một trong những khu vực bị ảnh hưởng, Mbandaka, được kết nối với thủ đô bằng một tuyến sông đông đúc với hàng nghìn người qua lại mỗi tuần.
Những thách thức và phản ứng cộng đồng
Đây là đợt bùng phát Ebola thứ hai ở tỉnh Equateur và là đợt bùng phát thứ 11 ở DRC. DRC gần đây đã đẩy lùi căn bệnh này ở khu vực miền đông đầy biến động sau trận dịch kéo dài hai năm.
Đợt bùng phát mới nhất ở miền Tây này lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Mbandaka, nơi sinh sống của hơn một triệu người, và sau đó lây lan sang 11 khu vực. Tất cả các khu vực này đều giáp với nhau, rộng lớn và xa xôi thường chỉ có thể tiếp cận bằng trực thăng hoặc thuyền.
Việc cung cấp nhu yếu phẩm ở Equateur rất khó khăn vì các cộng đồng dân cư rất phân tán. Nhiều người ở trong các khu vực rừng sâu và để đến được phải đi một quãng đường dài.
Ở một số khu vực, sự phản ứng cộng đồng cũng là một thách thức, bà Chaib nói thêm: “Chúng tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm phòng chống dịch Ebola ở DRC và hiểu rõ tầm quan trọng của việc huy động cộng đồng. WHO đang làm việc với UNICEF trong việc hỗ trợ các nhà lãnh đạo tôn giáo, thủ lĩnh thanh niên và người có uy tín cộng đồng nâng cao nhận thức về Ebola”.
Nhân viên y tế đình công
Tình hình đã trở nên phức tạp hơn bởi một cuộc đình công của nhân viên y tế. Điều này đã ảnh hưởng đến các hoạt động ứng phó dịch bệnh chính trong gần bốn tuần.
Những nhân viên làm việc tuyến đầu ứng phó với Ebola tại địa phương đã đình công để phản đối lương thấp cũng như không được trả tiền kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch bệnh.
Mặc dù một số hoạt động y tế đã bình thường trở lại, nhưng đa số vẫn đang bị đình trệ, gây khó khăn cho việc đánh giá dịch bệnh và khu vực nào cần được chú ý nhất.
“Đau đầu” vì tài chính
WHO và các đối tác đã vào cuộc ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch bệnh.
Hơn 90 chuyên gia đang làm việc tại Equateur và lực lượng bổ sung gần đây đã được huy động từ thủ đô, bao gồm các chuyên gia về dịch tễ học, tiêm chủng, phòng chống và kiểm soát nhiễm trùng, phòng thí nghiệm và điều trị. Gần một triệu du khách đã được khám sàng lọc, giúp xác định khoảng 72 trường hợp nghi ngờ mắc Ebola, do đó giảm khả năng lây lan hơn nữa.
WHO đã cung cấp khoảng 2,3 triệu USD và kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ kế hoạch 40 triệu USD của chính phủ Congo.
Đợt bùng phát Ebola mới nhất này diễn ra ngay giữa tình hình bùng phát đại dịch COVID-19. Tính đến thứ Sáu, đã có hơn 10.300 trường hợp mắc và 260 trường hợp tử vong trên khắp quốc gia châu Phi rộng lớn.
Mặc dù có một số điểm tương đồng trong việc giải quyết hai căn bệnh, chẳng hạn như cần xác định và kiểm tra những người tiếp xúc, cách ly các ca bệnh và thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, bà Chaib nhấn mạnh rằng nếu không có thêm kinh phí, sẽ càng khó đánh bại Ebola.