Xây dựng 9 ngành công nghệ tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (2/10/2019 - 2/10/2024), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với báo chí về chiến lực, kế hoạch phát triển Trung tâm thời gian tới. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh việc hình thành 9 ngành công nghệ tại đây.
Xây dựng 9 ngành công nghệ tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Thưa Bộ trưởng, xin ông chia sẻ về quá trình thành lập của NIC?

Cách đây 5 năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Chiến lược đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam phải thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 là nước phát triển có thu nhập cao.

Với mục tiêu này, quỹ thời gian còn lại của chúng ta rất ngắn. Trong khi đó, cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 phát triển như vũ bão. Vấn đề đặt ra lúc này là, để vượt qua thách thức, đạt được mục tiêu cao như vậy, thì động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam là gì?

Chúng tôi đã nghiên cứu và nhận thấy, "đáp án" vẫn phải là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Xuất phát từ đó, chúng tôi đã tham mưu cho Đảng đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII, coi đây là đột phá chiến lược, bên cạnh 3 đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Bộ cũng xác định, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực để đột phá phát triển. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới tranh thủ được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, từ đó, bứt phá, phát triển nhanh, bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước lớn. Đây là con đường duy nhất, không còn con đường nào khác và cơ hội nào khác. Nếu không nắm lấy, đất nước sẽ mất một cơ hội quý giá mà rất nhiều năm mới có!

Xây dựng 9 ngành công nghệ tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Xuất phát từ tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy rằng, cần phải thành lập một trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia hiện đại, đồng bộ, tầm cỡ của khu vực và thế giới; qua đó xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cho nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và dẫn dắt lan toả, đưa nền kinh tế Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.Chúng tôi đã nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, đồng thời dựa trên các nội dung của nghị quyết của Trung ương Đảng.Bộ cũng phối hợp với công ty tư vấn hàng đầu của thế giới để nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập trung tâm. Điều đáng mừng là khi tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các Bộ ngành và các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước về đề án này, chúng tôi đều nhận được sự đánh giá rất cao. Và ngày 2/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Sau 5 năm thành lập, NIC đã tạo được những dấu ấn gì trong việc kết nối các thành phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thưa Bộ trưởng?

NIC là hạt nhân của hệ sinh thái. Mục đích chính của NIC là: Dẫn dắt, xây dựng, phát triển hệ sinh thái, dẫn dắt đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Vì vậy, việc quan trọng nhất là phải làm sao kết nối được giữa Nhà nước, doanh nghiệp, viện – trường đến các trung tâm nghiên cứu, tổ chức tài chính, các đơn vị hỗ trợ ươm tạo… qua đó hỗ trợ được hoạt động nghiên cứu công nghệ mới, startup, hỗ trợ được các doanh nghiệp phát triển.

Những năm vừa qua, đổi mới sáng tạo của Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, xếp hạng tốt. Cũng chưa bao giờ, lĩnh vực này nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành tốt như hiện nay.

Nhưng ít ai biết, NIC ra đời trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhiều thách thức. Muốn làm đổi mới sáng tạo, phải có cơ chế đặc thù, cạnh tranh. Nhưng thời điểm thành lập Trung tâm, thì chưa có cơ chế, văn bản quy định nào. Chúng tôi đã phải đề nghị Chính phủ ban hành một nghị định riêng, điều chỉnh hoạt động của NIC, theo hướng dành ưu tiên, hỗ trợ đặc thù cho Trung tâm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư bắt tay vào xây dựng và vận hành NIC trong tâm thế một "tờ giấy trắng', chưa có kinh nghiệm gì. Trung tâm của chúng ta có những đặc thù riêng, nên cũng không thể học hỏi kinh nghiệm thế giới. Trên thực tế, hầu hết các trung tâm dẫn dắt đổi mới sáng tạo trên thế giới là thuộc sở hữu của các tập đoàn kinh tế, chưa có trung tâm nào của Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, quản lý, phục vụ lợi ích của Nhà nước. Có thể nói, NIC là trung tâm đầu tiên trên thế giới theo mô hình Nhà nước quản lý.

Bởi vậy, hoạt động của NIC trong 5 năm qua phải vượt qua muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của Chính phủ, Thủ tướng, của các bộ ngành, đến nay, cơ bản đã hình thành những thể chế cho hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung, và Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành xây dựng tiếp các thể chế này. Bộ cũng đã chuyển hóa một số nội dung vào trong Luật Thủ đô, Nghị định 94 (hiện nay đang tiếp tục sửa đổi).

Xây dựng 9 ngành công nghệ tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) năm 2023.

Về cơ sở vật chất, Trung tâm hiện có 2 cơ sở: Một là ở tòa nhà Tôn Thất Thuyết, hoạt động rất hiệu quả, được coi là một trong những trung tâm tốt nhất Việt Nam hiện nay; hai là cơ sở Hòa Lạc, được xây dựng rất quy mô, với sự tài trợ của nước ngoài, với 9 ngành công nghệ mũi nhọn ưu tiên lựa chọn đang dần hình thành. Tòa nhà này đến nay đã được tổ chức xếp hạng của thế giới đặt tại Singapore bình chọn là một trong hai tòa nhà thương mại tốt nhất Châu Á 2024.

Hoạt động của NIC rất mới, làm nhiều việc, hình thành thể chế, cơ sở vật chất, bộ máy. Quan trọng nhất là chúng ta không chờ đợi xong cái này mới làm cái kia, mà làm song song. Khi xây dựng cơ sở vật chất vẫn tổ chức hoạt động liên quan đến đổi mới sáng tạo, hội nghị hội thảo tư vấn, ươm tạo, hỗ trợ… cho start-up, tổ chức diễn đàn cho các quỹ đầu tư, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ đã được hưởng lợi từ Trung tâm, nhất là trong hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp.Có thể thấy, trong thời gian ngắn, NIC đã làm rất nhiều việc tốt. Tuy nhiên, đây mới là thành công ban đầu, không được thỏa mãn, vẫn còn rất nhiều thách thức lớn, nặng nề đặt trên vai chúng tôi, đó là làm sao phải biến NIC thành trung tâm hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế, làm sao kết nối với các trung tâm quốc tế và trong nước, làm sao để NIC trở thành cầu nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp, viện - trường trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm… làm sao biến trung tâm trở thành đẳng cấp khu vực, Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo khu vực và thế giới?

Đó là tầm nhìn và tham vọng mà Bộ đang hàng ngày, hàng giờ phấn đấu đạt được. Trước mắt là hình thành 9 ngành công nghệ đã xác định ưu tiên lựa chọn, đây là thách thức rất lớn mà chúng tôi đang nỗ lực vượt qua để đạt được, giúp Việt Nam tận dụng tốt nhất, dù là cơ hội nhỏ nhất, của cuộc Cách mạng công nghiệo 4.0, để thành công trong việc đổi mới sáng tạo.

Để thúc đẩy sự phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và của NIC nói riêng, Bộ đã có chiến lược, kế hoạch như thế nào trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trước hết, cần hình thành cơ chế chính sách đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, vận hành tốt nhất theo chuẩn quốc tế.

Thứ hai, cơ sở vật chất phải hoàn chỉnh, đầy đủ các trung tâm nghiên cứu, phòng lab, khu nhà ở cho chuyên gia. Hiện nay, cơ sở Hòa Lạc đang rất thiếu, nếu không có đủ cơ sở vật chất thì làm sao giữ chân được chuyên gia, làm sao thu hút được lực lượng trong nước và nước ngoài.

Thứ ba, cần nhanh chóng hình thành 9 ngành công nghệ ở Hoà Lạc, trong đó có sản xuất thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, an ninh mạng, môi trường, y tế, bán dẫn, hydrogen… chúng tôi đang xúc tiến mạnh việc này; trong đó, đẩy mạnh nhất là bán dẫn, với việc mở các trung tâm nghiên cứu, đào tạo.

Sắp tới, NIC còn được giao một nhiệm vụ quan trọng là quản lý chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Đây là mục tiêu rất tham vọng, chiến lược là từ nay đến 2050 đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn, cung cấp cho thị trường Việt Nam; thậm chí là thị trường nước ngoài.

Chúng ta đang có nguồn lực rất mạnh là con người, cần khai thác triệt để ưu thế này, nếu không tổ chức đào tạo thì sẽ không có lao động có tay nghề đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nhu cầu về nhân lực cho ngành bán dẫn là rất lớn, trong khi con người thì rất sẵn sàng. Nếu tận dụng được các lợi thế nêu trên, tôi tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ nhanh chóng vươn lên, chiếm lĩnh chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thủ đô Hà Nội - Đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa phát triển kinh tế
Thủ đô Hà Nội - Đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa phát triển kinh tế
(Ngày Nay) - Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa và xã hội mà còn là động lực kinh tế quan trọng bậc nhất cho khu vực phía Bắc, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại và phát triển, cùng với sự hội tụ của các nguồn lực kinh tế, Hà Nội đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Ảnh minh hoạ.
Đề xuất chuẩn hóa bữa ăn học đường
(Ngày Nay) - Cần tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường và đây sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý, nhà trường, doanh nghiệp chuẩn bị và tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình, chuyên môn phục vụ bữa ăn học đường.