“Đi châu Phi để thấy Việt Nam rất được yêu quý”

“Đi châu Phi để thấy Việt Nam rất được yêu quý”

Xuyên suốt 4 chuyến đi, 74 ngày đêm cùng hàng ngàn dặm đường, châu Phi đối với những phóng viên chiến trường như Nguyễn Ngọc Trung là một “mỏ vàng nội dung”.

_________________________

Đã 7 năm kể từ ngày đầu Thiếu tá Nguyễn Ngọc Trung, biên tập viên Phòng Thời sự truyền hình (Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội) được giao nhiệm vụ bám sát nội dụng Gìn giữ Hòa bình của Việt Nam tại Nam Sudan. Nhìn lại hành trình đã trải qua cùng lực lượng “mũ nồi xanh” Việt Nam tại Nam Sudan, biên tập viên Ngọc Trung cho rằng đó là một vinh dự lớn mà anh có được trong cuộc đời làm báo.

“Đi châu Phi để thấy Việt Nam rất được yêu quý” ảnh 1

Thưa anh, cơ duyên nào khiến anh gắn bó sự nghiệp của mình với mảnh đất châu Phi, đặc biệt là Nam Sudan?

- Mọi thứ hoàn toàn là tình cờ, cũng như cần một chút dũng khí. Năm 2017, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam “đặt hàng” với Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội về việc cần có một phóng viên theo chân đoàn khảo sát của Cục Gìn giữ Hòa bình để tìm đất xây dựng bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Nam Sudan.

Thông thường, ekip truyền hình cần tối thiếu hai người, gồm biên tập viên và quay phim. Nhưng đặc thù di chuyển tại Nam Sudan thường là máy bay trực thăng, vốn giới hạn khắt khe về số người và hành lý, do đó chỉ cần một phóng viên vừa biết biên tập, vừa biết quay phim và đặc biệt là biết nói tiếng Anh.

“Đi châu Phi để thấy Việt Nam rất được yêu quý” ảnh 2

Sau khi được phổ biến, tôi liền giơ tay xung phong, dù được cảnh báo đây là một nhiệm vụ nguy hiểm, bởi Nam Sudan khi đó đang có nội chiến. Từ ngày đó tới giờ đã 7 năm kể từ khi tôi bước chân theo các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam.Trong chuyến đi tiền trạm, tôi ngồi trên xe cạnh Đại tá Mạc Đức Trọng, một trong hai sĩ quan Việt Nam đầu tiên làm nhiệm vụ tại Nam Sudan. Anh Trọng nhìn tôi rồi hỏi: “Ông có biết tiếng Anh không?”. “Em biết một chút”, tôi cười. Đại tá Trọng dặn: “Ông làm thế nào thì làm. Đừng làm cho lực lượng các nước khác coi thường bộ đội Việt Nam”.

Cần phải hiểu, khả năng ngoại ngữ khi đó vẫn còn là điểm yếu của nhiều quân nhân Việt Nam. Trong môi trường quốc tế, việc thiếu khả năng giao tiếp luôn là điểm trừ trong mắt các sĩ quan Gìn giữ Hòa bình.

Câu nói đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và hiểu rằng mỗi chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam khi ra nước ngoài sẽ chỉ suy nghĩ cho thể diện quốc gia.

Cảm giác của anh thế nào khi lần đầu đặt chân xuống Nam Sudan?

- Tháng 10 năm 2017, tôi đáp máy bay xuống thủ đô Juba của Nam Sudan. Nơi tôi đáp xuống là một con đường đất, cùng dãy nhà lụp xụp gọi là sân bay. Ở đây, nhân viên an ninh đổ hành lý của du khách xuống đất để kiểm tra. Đây là lần đầu tôi mới thấm thía tình cảnh thế nào là một quốc gia có chiến tranh.

Cộng hòa Nam Sudan tuyên bố độc lập ngày 9/7/2011, sau khi tách ra khỏi Cộng hòa Sudan. Tuy nhiên, đến hiện tại, tình hình an ninh vẫn căng thẳng và phức tạp. Các cuộc xung đột vũ trang giữa các phe phái thường xuyên xảy ra trên khắp cả nước đã khiến quốc gia trẻ nhất thế giới này cũng đồng thời là một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Không có màu xanh (màu an toàn) trên bản đồ các mức an ninh của Nam Sudan. Thay vào đó chỉ là vàng, da cam, và đỏ - những mức nguy hiểm khác nhau. Một đất nước có gần 13 triệu dân thì hơn 4 triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán, trong đó có trên 2 triệu người phải lánh nạn ở các nước láng giềng.

“Đi châu Phi để thấy Việt Nam rất được yêu quý” ảnh 3

Để đảm bảo an toàn và có tính cơ động cao khi bị tấn công, người ta ở trong container, làm việc cũng trong container. Gọi là nhà nhưng chỉ là những container được đục cửa sổ, kê trên vài viên gạch và lắp điều hòa. Cả khu căn cứ là các dãy container được sắp xếp liền với nhau như thế.

Xung quanh đầy rẫy vùng chiến sự, người dân sống dựa vào những hoạt động nhân đạo, thời tiết khắc nghiệt còn dịch bệnh luôn rình rập. Hẳn sẽ rất khó khăn để thích nghi, chứ chưa nói tới chuyện tác nghiệp?

- Trong chuyến đi đầu tiên, tôi tận mắt chứng kiến những hình ảnh gây sốc nhưng không thể quay và gửi về nhà.

Khi xem thời sự quốc tế, khán giả thường thấy cảnh tượng súng ống đầy đường tại những quốc gia có chiến sự. Còn tại Nam Sudan, cảnh tượng những người lính quấn băng đạn quanh người và xách súng đi nghênh ngang dọc đường rất phổ biến. Bản năng của phóng viên là rút máy ra quay nhưng tôi đã được dặn trước, tuyệt đối không được bấm máy khi anh Trọng chưa cho phép.

“Ở đây họ rất ghét quay phim và chụp ảnh”, Đại tá Trọng quay sang nói nhỏ với tôi. Trước khi sang, tôi mang theo một bộ máy quay cầm tay cỡ nhỏ nhưng phần lớn là quay bằng điện thoại. Mỗi lần muốn quay gì, phải bật sẵn camera rồi giơ ngang tay vờ như đang gọi điện. Nhưng có những lúc bị phát hiện, người dân và binh lính tại đó phản ứng rất gay gắt.

Tôi vẫn nhớ thước phim đầu tiên tôi quay là cảnh Đại tá Trọng chỉnh giờ đồng hồ, kèm lời bình: “Đến một đất nước lệch múi giờ, việc đầu tiên là chỉnh đồng hồ”. Đó là biểu tượng cho sự thay đổi và thích nghi nhanh chóng của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam. Người dân không thích ống kính đã đành nhưng nhiều sĩ quan Gìn giữ Hòa bình khác cũng không muốn lên hình. Cảm giác lúc ấy của tôi là hơi thất vọng, bởi không nghĩ việc mình đang làm lại gây khó chịu với mọi người. Nhưng đó là nguyên tắc tôi phải thích nghi khi tác nghiệp tại châu Phi.

Có những ngày tôi được dẫn tới khu trợ giúp dân thường của Liên Hợp Quốc, tương tự với những khu trại tị nạn. Trong đó là cả một thế giới hỗn độn và đen tối, nếu chỉ cần sa chân vào một căn lều để quay phim, tôi hoàn toàn có thể không trở ra được nữa.

Trong quá trình tác nghiệp tại Nam Sudan, liệu có khi nào anh và đồng nghiệp trải qua ranh giới giữa sự sống và cái chết?

- Tôi chưa từng tự đẩy bản thân vào tình thế đó và không bao giờ cho phép bản thân tác nghiệp liều lĩnh, bởi sai lầm của một cá nhân sẽ ảnh hưởng tới an toàn của cả lực lượng và thể diện quốc gia. Hậu quả rất khó lường, có thể gây đổ vỡ toàn bộ công sức của tập thể quân đội. Đó là ranh giới mà tôi phải vạch ra ngay từ đầu khi tác nghiệp tại Nam Sudan.

“Đi châu Phi để thấy Việt Nam rất được yêu quý” ảnh 4
“Đi châu Phi để thấy Việt Nam rất được yêu quý” ảnh 5

Gác lại những góc tối, Nam Sudan liệu có đem lại cho anh những kỷ niệm đẹp?

- Còn nhớ lần đầu đặt chân tới Thủ đô Juba, trái với sự căng thẳng từ những khẩu tiểu liên trên đường phố mà tôi nhìn thấy suốt dọc trên đường từ sân bay về căn cứ, đầu dãy container nơi đoàn chúng tôi “tạm trú” lại có rất nhiều tổ chim trên cây. Chiều chiều, anh em trong đoàn và các sĩ quan Việt Nam lại ngồi uống nước, hóng mát dưới bóng cây và nghe chim hót.

Tiếng chim bỗng trở thành một âm thanh bình yên đến lạ trong vùng đất đang cằn cỗi vì xung đột này. Tôi muốn nói rõ hơn, rằng ở Nam Sudan, bắt gặp tiếng quạ hay kền kền còn dễ hơn nghe được một tiếng hót trong lành. “Đất lành chim đậu”. Có lẽ điều đó đúng ở cả quốc gia châu Phi xa xôi này. Bởi những tổ chim đang ở trong căn cứ của Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc, những người có sứ mệnh khép miệng vết thương nội chiến cho mảnh đất này.

“Đi châu Phi để thấy Việt Nam rất được yêu quý” ảnh 6

Chỉ tác nghiệp tại Nam Sudan một thời gian ngắn, anh có bình luận gì về khả năng của các quân nhân của Việt Nam khi phải ở lại Nam Sudan suốt nhiệm kỳ?

- Phải khẳng định rằng khả năng thích nghi của bộ đội Việt Nam rất phi thường. Đối với các quân nhân nước ngoài, họ là một đội quân nhà nghề và tham gia sứ mệnh tại Nam Sudan với họ chỉ như một nhiệm vụ đơn thuần. Hết giờ, họ đóng cửa và sinh hoạt khép kín trong nhà container.

Bộ đội Việt Nam thì khác, chúng ta trồng rau, ăn cơm chung, cải tạo môi trường xung quanh, kết thân với các “hàng xóm”. Nơi nào có bộ đội Việt Nam, nơi đó có tiếng cười, sự giao lưu và kết nối.

Tôi nghĩ rằng vườn rau xanh chính là biểu tượng cho sự thích nghi của quân nhân Việt Nam. Khác với các đơn vị nước ngoài, nơi chỉ là những khối container, súng ống, ụ gác, trang thiết bị khu vực, khu nhà ở của bộ đội Việt Nam luôn tràn ngập màu xanh của của vườn rau trái và cây cảnh. Điều đáng khâm phục bộ đội Việt Nam đó là chúng ta không những thích nghi, mà còn biết cải tạo môi trường phù hợp.

Thời gian đồng hành cùng Bệnh viện Dã chiến 2.1 (năm 2018), tôi nhận thấy tâm trạng buồn bã của nhiều bác sĩ, nhân viên bệnh viện. Ở nhà, họ quen cầm dao mổ thay vì cầm súng gác để bảo vệ đồng đội. Thứ khiến họ dễ xuống tinh thần nhất là nỗi nhớ nhà.

Trước khi các bác sĩ của Bệnh viện Dã chiến 2.1 đáp xuống Juba, tôi vẫn nhớ hình ảnh Thượng tá Phạm Quang Thiều, hiện là Chỉ huy trưởng Lực lượng Việt Nam tại Cộng hòa Trung Phi, gọt từng chiếc sim điện thoại bằng dao hoa quả. Khi 63 thành viên của Bệnh viện Dã chiến 2.1 vừa xuống sân bay, anh Thiều đã phát sim để mọi người gọi về nhà. Một cử chỉ nhỏ, nhưng cũng đã giúp vực dậy tinh thần của cả đoàn.

“Đi châu Phi để thấy Việt Nam rất được yêu quý” ảnh 7

Liệu những chuyến đi châu Phi khiến anh cảm thấy mình đã có “lãi” trong đời làm báo?

- Đúng là cái lãi nhất của nghề báo là được trải nghiệm những vùng đất, con người mới. Châu Phi là một trong những “khoản lãi” mà tôi nhận được khi làm báo. Lục địa này đã góp phần thay đổi góc nhìn, đem tới cho tôi nhiều chất liệu đắt giá trong sự nghiệp.

Người làm báo cũng chỉ là một người kể chuyện, chúng ta kể những câu chuyện để công chúng có cái nhìn tích cực, lan tỏa những thông điệp có ý nghĩa. Tôi cảm thấy may mắn khi được mang về những câu chuyện để mọi người có cái nhìn rõ hơn về những người lính mũ nồi xanh Việt Nam và những mảnh đời ở châu Phi. Đi châu Phi để nhận ra Việt Nam mình rất được yêu quý. Đó là công sức của nhiều thế hệ cha ông và cả lực lượng Gìn giữ Hòa bình Việt Nam hiện nay. Đó là điều chúng ta nên tự hào và giữ gìn.

Trân trọng cảm ơn anh!

TIN LIÊN QUAN