Hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm chỉ sau ung thư và tim mạch

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng trẻ ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Thống kê của Bộ Y tế tại Việt Nam có tới 7,7% các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.
Làm mẹ là ước mơ của nhiều người.
Làm mẹ là ước mơ của nhiều người.

Con số này tương đương với khoảng 1 triệu cặp vợ chồng, trong số đó thì có tới 50% các cặp vợ chồng có độ tuổi từ 22 đến 30 tuổi. Đặc biệt tình trạng vô sinh thứ phát có tỷ lệ ngày càng tăng, với tỷ lệ lên đến trên 20%. Mỗi năm, tỷ lệ vô sinh chiếm tới 50% trong các cặp vợ chồng. Đây đang là nỗi lo của nhiều gia đình trẻ.

Vì mong muốn chính đáng có con không chỉ của riêng các cặp vợ chồng, nó còn là nguyện vọng, yêu cầu của gia đình, dòng họ, xã hội để đảm bảo duy trì nòi giống và hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên đáng báo động hiện nay có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi còn rất trẻ từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nỗi lòng ước ao được làm mẹ

Trở về nhà sau một ngày làm việc, chị P.P.T (40 tuổi, ngụ phường 25, quận Bình Thạnh) hiện đang công tác tại một cơ quan báo chí, thở dài nhìn căn nhà vắng vẻ, mà không giấu nổi sự xót xa. Như những gia đình khác sau giờ tan tầm, cả nhà cùng nhau nấu nướng và chăm sóc con cái. Vợ chồng chị T. kết hôn đã 7 năm, giờ đây hôn nhân của họ đang đứng trên bờ vực tan vỡ vì chị T. không thể sinh con. Ban đầu vợ chồng động viên nhau cùng cố gắng chữa trị, nếu không được thì xin con nuôi.

Thế nhưng, sau nhiều năm đi thăm khám và bác sĩ đã áp dụng nhiều biện pháp để chữa trị và không mang lại kết quả. Chồng chị trở nên mệt mỏi và buông xuôi. Chị T. tâm sự: “Kể từ đó, anh ấy luôn viện cớ tiếp khách để đi nhậu đến khuya mới về nhà. Đã rất lâu rồi nhà chị không còn những bữa ăn cơm chung, không còn trò chuyện. Có gì liên quan cần trao đổi thì nhắn tin qua điện thoại”. Họ tuy sống chung một nhà nhưng ngày càng trở nên xa lạ vì thiếu đi một đứa con làm cầu nối.

Không như chị T., trường hợp chị N.T.H (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) hiện đang công tác trong ngành tư pháp lại khác. Chị H. suốt cả quá trình khi còn trẻ chỉ lo học hành, phấn đấu cho sự nghiệp. Cùng với đó, cha mẹ mất sớm nên chị nuôi hai người em ăn học thành tài. Đến khi nhìn lại thì đã 45 tuổi nên mới lập gia đình và tính đến chuyện hôn nhân. Do lấy chồng khi tuổi đã lớn nên mãi chị vẫn chưa thể có con.

Sau ba năm chờ đợi không được thì hai vợ chồng chị cùng nhau đi khám và bác sĩ khuyên nên làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Hai vợ chồng gom hết tiền để dành ra với hy vọng kết quả sẽ tốt đẹp. Thế nhưng, bao nhiêu lần cấy phôi thì bấy nhiêu lần thất bại dù các bác sĩ đã cố gắng điều trị. Chị H chia sẻ: “Nhìn xung quanh, nhiều người đã thành công, còn mình chạy chữa khắp nơi từ Bắc vào Nam mà chưa được, chị lắm lúc mệt mỏi, muốn từ bỏ”.

Cũng bởi, để làm IVF thì phải có một khoản tài chính nhất định. Mỗi lần làm thất bại, chị H. không chỉ chán nản về tinh thần mà còn phải bỏ công bỏ việc và đến bệnh viện để thăm khám ròng rã nhiều ngày, rồi phải tiết kiệm tiền lại từ đầu… Chị H. ngậm ngùi: “Nhiều khi niềm khao khát làm mẹ lớn đến mức mà trong giấc mơ chị còn thấy mình đang hát ru con ngủ”.

Hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm chỉ sau ung thư và tim mạch ảnh 1

Bác sĩ Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương.

Chị H.M.V (29 tuổi) hiện là cán bộ đang công tác tại TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) trải lòng về hành trình tìm kiếm tiếng cười con trẻ thất bại của mình. Chị kể hai vợ chồng kết hôn đã sáu năm nhưng mãi không có con. Khi đi đến các bệnh viện khám thì đều chẩn đoán chị mắc hội chứng vô sinh không rõ nguyên nhân. Suốt cả thời gian dài áp dụng đủ các phương pháp khác nhau nhưng vẫn không có kết quả. Chị M.V. nhớ lại: “Lúc chọc hút trứng để kiểm tra chất lượng, mình được gây mê, trước mỗi lần như vậy, bác sĩ sẽ làm thủ tục kiểm tra thông tin cá nhân và động viên, thăm hỏi”.

Cứ mỗi lần điều trị, chị M.V. những dòng nước mắt lại chảy dài trên gương mặt. Các bác sĩ trấn an bảo là không đau và hãy cố gắng. Nhưng lúc đó, chị M.V. không phải khóc vì đau mà vì biết là khi tỉnh dậy, kết quả cũng sẽ như những lần trước, cũng sẽ thất bại lần nữa.

Tỷ lệ vô sinh ngày càng có xu hướng tăng ở giới trẻ

Trong báo cáo công bố ngày 04/04/2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết khoảng 17,5% số người trưởng thành trên thế giới không thể có con vào một thời điểm nào đó và có rất ít sự khác biệt giữa các khu vực và giữa nước giàu với nước nghèo. Cụ thể, tỉ lệ này là 17,8% ở những nước thu nhập cao và 16,5% ở những nước thu nhập thấp. Đây là lần đầu tiên trong một thập niên (1990-2021), WHO thực hiện báo cáo về vấn đề vô sinh ở người trưởng thành. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao nhất thế giới.

Bác sĩ Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương đánh giá: “Thông thường, khoảng 85% phụ nữ sẽ thụ thai tự nhiên trong vòng 12 tháng đầu tiên. Trong 3 tháng đầu có quan hệ tình dục không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào thì khả năng sinh sản là 25%. Tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 15% trong 9 tháng còn lại”.

Vì vậy với những cặp vợ chồng đang mong con và đã cố gắng trong ít nhất một năm mà vẫn chưa có tin vui thì nên đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt. Việc điều trị không nên trì hoãn vì càng lớn tuổi chức năng sinh sản sẽ càng suy giảm.

Hiếm muộn có thể được phân thành hai loại gồm hiếm muộn nguyên phát và thứ phát. Trong đó, hiếm muộn thứ phát là trường hợp hai vợ chồng đã có thai ít nhất một lần. Hiếm muộn nguyên phát là trường hợp vợ chồng chưa từng có thai lần nào. Nguyên nhân xuất phát từ vợ và chồng, có khoảng 40% nguyên nhân đến từ vợ, 40% nguyên nhân đến từ chồng, còn lại đến từ cả hai vợ chồng hoặc hiếm muộn không rõ nguyên nhân.

Theo Bác sĩ Lộc, có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thành công khi chữa trị bao gồm: độ tuổi của người phụ nữ, thời điểm bắt đầu điều trị càng sớm (tuổi càng trẻ) thì khả năng thành công càng cao. Kế đến là các bệnh lý và sức khỏe của vợ chồng trước khi thực hiện chữa trị. Một trong yếu tố thành công để điều trị hiếm muộn là trình độ chuyên môn của đội ngũ chuyên gia hỗ trợ sinh sản, các trang thiết bị và phòng Lab đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, cần phác đồ cá thể hóa theo từng tình trạng của mỗi cặp vợ chồng và chăm sau sức khỏe sau tiến hành điều trị bệnh kỹ lưỡng.

Vì vậy, các cặp vợ chồng đang mong con nên chủ động thăm khám sớm và một điều quan trọng là nên giữ tinh thần lạc quan, chủ động chia sẻ những vấn đề mình đang gặp phải và những lo lắng với bác sĩ điều trị, kiên trì với phác đồ và niềm tin vào bản thân và bác sĩ vì hiếm muộn chỉ là chậm và khó có con hơn so với những cặp vợ chồng bình thường khác chứ không phải không thể có con.

Bác sĩ Lộc đúc kết vấn đề, hiện nay hiếm muộn được xem là căn bệnh nguy hiểm xếp thứ 3 chỉ sau ung thư và tim mạch. Vì vậy phòng ngừa hiếm muộn như thế nào luôn được các cặp vợ chồng hay người trong độ tuổi sinh sản quan tâm.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).