Đưa không gian sông Hồng thành “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô

Đưa không gian sông Hồng thành “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô

Sau 70 năm giải phóng, thành phố Hà Nội đã khoác lên mình diện mạo hoàn toàn mới khi quy hoạch đô thị không ngừng được điều chỉnh và hoàn thiện sao cho phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ phát triển.

_____________________

Trước năm 1954, Hà Nội mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp với nhiều dãy phố trải dài, cùng các công trình đồ sộ như nhà thờ lớn, nhà hát lớn, các toà nhà chính phủ…Quy hoạch đô thị thời kỳ này tập trung vào trung tâm thành phố, tạo ra một không gian đô thị mang hơi hướng hiện đại. Tuy nhiên, chiến tranh sau đó đã để lại những hậu quả nặng nề, tàn phá nhiều công trình kiến trúc và cơ sở hạ tầng của thành phố.

Giai đoạn sau năm 1954, Thủ đô bước vào một giai đoạn mới, trong đó tập trung khôi phục và tái thiết thành phố. Quy hoạch đô thị giai đoạn này tập trung vào việc khôi phục những công trình bị phá hủy, đồng thời xây dựng lại các công trình công cộng phục vụ nhu cầu của nhân dân. Hà Nội dần chuyển mình mạnh mẽ khi nhiều khu công nghiệp, nhà máy được xây dựng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của thành phố. Quy hoạch đô thị được định hướng theo phong cách kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Đưa không gian sông Hồng thành “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô ảnh 1

TS.KTS Hoàng Hữu Phê

Đến năm 2008, thời điểm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có xu hướng phát triển đô thị “hơi lệch hướng về phía Tây Nam”, thế nhưng theo một số chuyên gia, định hướng này đã tạo ra những trở ngại nhất định về mặt địa lý đối với sự phát triển của Thủ đô.

“Mặc dù, đã phát triển thành vùng và mở rộng ra đáng kể, nhưng không thể phủ nhận rằng Hà Nội vẫn phát triển chủ yếu theo “cấu trúc hướng tâm”, trong đó Hồ Hoàn Kiếm là hạt nhân. Ở những thập niên trước, người ta thường nói rằng lấy Hồ Gươm làm tâm, dùng một chiếc compa vạch trong bán kính vài trăm mét, nếu ai nằm ngoài khu vực đó sẽ bị coi là đang ở ngoại ô thành phố”, TS.KTS Hoàng Hữu Phê chia sẻ. Theo vị kiến trúc sư này, không thể phủ nhận rằng những nét cổ kính tại khu vực trung tâm của Thủ đô vẫn luôn có sức hút đặc biệt, bởi qua mỗi góc phố cổ Hà Nội, họ đều sẽ tìm thấy sự bất ngờ về mặt giác quan khi trên con phố này có thể thấy những bức tranh dân gian Hàng Trống, nhưng ngoặt sang một lối khác lại là những chiếc đèn lồng đa sắc màu.

Đưa không gian sông Hồng thành “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô ảnh 2

“Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng xu hướng chung của đô thị là chuyển đổi từ những cơ cấu đơn cực sang cơ cấu đa cực, và thực tiễn đã chứng minh hầu hết các thành phố hiện đại, đô thị lớn trên toàn cầu đều phát triển theo mô hình này. Hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều phát triển bên sông, như New York, Seoul, London, Paris, Budapest… họ tận dụng được tối đa lợi thế địa hình này như một nguồn tài nguyên lớn lao về cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, với Hà Nội, vai trò của sông Hồng vẫn chưa được đặt ở đúng mức”, ông nhấn mạnh.

Đưa không gian sông Hồng thành “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô ảnh 3

Trong vài năm trở lại đây, Hà Nội đã có những bước tiến lớn trong việc định hình không gian đô thị, tạo lập một môi trường sống ngày càng văn minh, hiện đại. Thành phố đã tính đến phương án quy hoạch lấy sông Hồng làm trục chính, phát triển về phía bên kia sông và có những động thái tích cực nhằm hiện thực hoá “khát vọng” này. Trong đó, quy hoạch đô thị tập trung khai thác tối đa tiềm năng của sông Hồng, tạo lập các không gian xanh, mở rộng hệ thống giao thông, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Theo đó, Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng đã nhấn mạnh, cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển đô thị, trong đó sông Hồng là trung tâm của thành phố với sự phân bố hài hoà các không gian hai bên sông, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô.

Đưa không gian sông Hồng thành “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô ảnh 4

Với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, phát triển thành phố về phía bắc, bao gồm vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội được nhận định sẽ trở thành một hình mẫu đô thị phát triển theo cấu trúc đa cực đặc trưng, cho các nước có trình độ phát triển nhanh trong tương lai. Dù vậy, đô thị về bản chất là một sản phẩm tích hợp phức tạp nhất mà con người tạo ra, để hiểu được quá trình hình thành, phát triển đô thị và quy hoạch thành phố vẫn cần sự nỗ lực rất lớn.

“Câu chuyện phát triển Hà Nội về phía bên kia sông Hồng động đến hai vấn đề rất lớn: Thứ nhất là cấu trúc đa cực của Hà Nội, và thứ hai là những cực ấy sẽ là những cực như thế nào?”, TS.KTS Hoàng Hữu Phê chỉ rõ. Ông nói, trước kia, khi nhắc đến đa cực, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc xây dựng các khu đô thị tập trung dân cư sinh sống, mà không hề chú trọng đến các tiện ích công cộng hay hệ thống giao thông đi kèm. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến cho kế hoạch phát triển theo mô hình thành phố vệ tinh bao quanh đô thị lõi của Hà Nội, phần nào không đạt được kỳ vọng.

Đưa không gian sông Hồng thành “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô ảnh 5

“Vậy câu hỏi đặt ra là những đô thị ấy sẽ “sống” bằng cách nào? Phát triển các cực mới, đô thị mới không chỉ là xây dựng nhà ở, mà quan trọng hơn là phải tạo được nguồn sống cho nó và để nó không bị biến thành “những đô thị ma’” TS.KTS Hoàng Hữu Phê cho biết. Vị chuyên gia này tin rằng, mỗi một cực cần phải được đảm nhận một chức năng nào đó với thế mạnh vượt trội hơn so với phần còn lại, và phải được đầu tư phát triển toàn diện, đúng mức, chỉ khi đó thành phố Hà Nội mới có thể lấy sông Hồng làm trục cảnh quan chính, phát triển theo cấu trúc đa cực một cách bền vững.

Đưa không gian sông Hồng thành “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô ảnh 6

TS.KTS Hoàng Hữu Phê nói thêm: “Thông thường, người ta chỉ quan sát một cách rất cục bộ rằng khu này đông, khu kia chật mà quên đi bức tranh tổng thể: Sông Hồng phải chảy giữa lòng Hà Nội. Tôi tin rằng đã đến lúc cần có cái nhìn khác. Hà Nội cần hướng mặt ra sông. Một khi thành phố xác định được đây là mục đích đạt đến, thì việc xây dựng thành phố phía Bắc là một điều hiển nhiên và chắc chắn sẽ là một xu thế phát triển không thể đảo ngược”.

Đưa không gian sông Hồng thành “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô ảnh 7

Nhìn lại chặng đường 70 năm, quy hoạch đô thị Hà Nội đã trải qua nhiều biến đổi, nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó mỗi giai đoạn đều để lại những dấu ấn riêng và đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô. Những thành tựu đạt được là không thể phủ nhận, song vẫn còn đó nhiều vấn đề cần phải giải quyết. “Quy hoạch khu vực sông Hồng, phát triển về phía bên kia sông là xu hướng tất yếu, song Hà Nội vẫn cần phải rất thận trọng và tính toán thật kỹ lưỡng trước khi đưa vào triển khai thực tế, bởi bên cạnh những thành tựu, ngành quy hoạch cũng gặp không ít những thất bại. Bản thân đô thị là một “cơ thể” quá phức tạp để có thể kiểm soát”, TS.KTS Hoàng Hữu Phê nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUAN
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khen thưởng Quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2024 Võ Quang Phú Đức.
Khen thưởng Quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2024
(Ngày Nay) - Sáng 16/10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ Tuyên dương và trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho học sinh Võ Quang Phú Đức (Trường Trung học Phổ thông chuyên Quốc Học Huế), Quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2024.
Chú Samoyed 2 tuổi tên OK, có một “công việc” bán thời gian tại một quán cà phê dành cho chó. Ảnh: Jane Xue/CNN
Công việc thú vị của những “công dân” bốn chân tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Ở Trung Quốc, thú cưng không chỉ là bạn đồng hành mà còn có thể trở thành những “nhân viên” chính thức tại các quán cà phê. Xu hướng thú vị này đang ngày càng phổ biến, khi các chủ nuôi gửi thú cưng của mình đến “làm việc” để trải nghiệm một cuộc sống mới và kiếm thêm chút “tiền tiêu vặt”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai đề án phát triển bền vững một triệu hecta lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nông dân là chủ thể “Cuộc cách mạng lúa gạo” ở Đồng bằng sông Cửu Long
(Ngày Nay) - Chiều 15/10, tại thành phố Cần Thơ, chủ trì Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi và xác định người dân phải là chủ thể trong triển khai Đề án.