Là trung tâm kinh tế của vùng và cả nước
Theo ông Nguyễn Đăng Hưng, Ban Chiến lược phát triển hạ tầng và đô thị Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), Hà Nội là một trong hai cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học-công nghệ của cả nước. Hà Nội chính là cầu nối quan trọng để đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế; là nơi khởi nghiệp của nhiều doanh nghiệp trong nước, nơi thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến tình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước.
Cùng với đó, TP. Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế, mà còn đóng vai trò dẫn dắt và liên kết các tỉnh khu vực phía Bắc, trong vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo nên một mạng lưới kinh tế vùng mạnh mẽ và hiệu quả.
Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và bất động sản. Hà Nội là một trong những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước. Các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao tại Hà Nội đã thu hút nhiều tập đoàn quốc tế, từ đó tạo ra các cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ tại các tỉnh lân cận.
Hà Nội cũng là địa phương tiên phong trong việc thúc đẩy các mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển hạ tầng và dịch vụ công. Các dự án PPP tại Hà Nội không chỉ góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng mà còn tạo động lực cho các tỉnh lân cận áp dụng mô hình này, từ đó thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của cả vùng.
Ông Nguyễn Đăng Hưng đánh giá, một trong những yếu tố quan trọng giúp Hà Nội trở thành động lực phát triển kinh tế vùng là việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Các công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn, bao gồm các mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng hàng không đã và đang được đầu tư mạnh tại Hà Nội.
"Những công trình này không chỉ cải thiện giao thông trong nội đô mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và người dân. Các dự án hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển… cũng được đầu tư mạnh mẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì vị thế trung tâm, động lực phát triển cho Hà Nội", ông Hưng nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng, quá trình đô thị hóa tại Hà Nội diễn ra nhanh chóng, với sự hình thành của các khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh và các trung tâm thương mại, dịch vụ. Quá trình này không chỉ tạo ra nhiều việc làm và cơ hội kinh doanh mới mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các khu vực xung quanh, đặc biệt là các tỉnh lân cận…
Còn nhiều thách thức về quy hoạch, giao thông, môi trường…
Tuy nhiên, Thủ đô Hà Nội cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, mật độ dân cư cao và lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng, hệ thống giao thông của Hà Nội thường xuyên bị quá tải, gây ra ùn tắc và làm giảm hiệu quả vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người dân. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế và chất lượng sống.
Mặt khác, dù Hà Nội đã và đang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn như hệ thống đường đô thị, đường vành đai, đường cao tốc, đường sắt, đường sắt đô thị… nhưng tốc độ xây dựng còn chậm và chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của Thành phố.
Đặc biệt, Hà Nội thường nằm trong danh sách các thành phố có mức ô nhiễm không khí cao, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn làm giảm sức hấp dẫn của thành phố đối với các nhà đầu tư nước ngoài và khách du lịch.
TP. Hà Nội nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, chịu ảnh hưởng mạnh từ biến đổi khí hậu, bao gồm mưa lớn và lũ lụt. Việc đối phó với ngập lụt và bảo vệ cơ sở hạ tầng trước tác động của biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn, đòi hỏi đầu tư lớn vào hệ thống thoát nước và công trình chống ngập.
Bên cạnh đó, dù Hà Nội là trung tâm giáo dục với nhiều trường đại học và cơ sở đào tạo lớn, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển (R&D).
Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, hệ thống đào tạo nghề vẫn chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động kỹ thuật trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như cơ khí, điện tử, và công nghệ thông tin…
Tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Để phát huy vị thế và vai trò của Thủ đô, ông Nguyễn Đăng Hưng khuyến nghị, Hà Nội cần tập trung ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối vùng và quốc tế. Đầu tư phát triển các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt kết nối Hà Nội với các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc. Phát triển hệ thống giao thông công cộng liên vùng, liên kết giữa Hà Nội và các đô thị vệ tinh, thúc đẩy sự di chuyển của lao động và doanh nghiệp.
Quy hoạch đô thị theo hướng bền vững, giảm tải áp lực dân số tại khu vực trung tâm, phát triển các khu đô thị vệ tinh. Đồng thời, tăng tỷ lệ không gian công cộng, khu vực công viên và khu vực xanh trong quy hoạch đô thị, giúp cải thiện môi trường sống, nâng cao chất lượng không khí và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế chuyên biệt ở các tỉnh lân cận, tạo ra các chuỗi cung ứng và sản xuất liên kết với Hà Nội.
Thành phố cũng cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực. Hà Nội cần tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện các khu công nghệ cao và trung tâm đổi mới sáng tạo để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nghiên cứu và phát triển…
Phát triển các nền tảng số dùng chung giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận để hỗ trợ thương mại điện tử, quản lý dữ liệu, và điều hành các hoạt động kinh tế vùng. Điều này giúp các doanh nghiệp và chính quyền dễ dàng phối hợp, chia sẻ thông tin và quản lý nguồn lực một cách hiệu quả…
Đặc biệt, cần xây dựng hạ tầng số cho chính phủ điện tử và thành phố thông minh. Hà Nội cần xây dựng các nền tảng chính phủ điện tử kết nối với các tỉnh lân cận, cho phép chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong quản lý kinh tế vùng, giám sát giao thông, quản lý năng lượng và tài nguyên, nhằm bảo đảm quá trình liên kết vùng diễn ra thông suốt và bền vững…
Ngoài ra, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục cho người dân Thủ đô, bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững. Tăng cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động.