“Luỹ hoa” – Tâm huyết dành cho Thủ đô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

(Ngày Nay) - Truyện phim “Lũy hoa” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vừa được NXB Trẻ TPHCM ấn hành nhân kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).

Truyện phim “Lũy hoa” là một trong những tác phẩm cuối cùng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, kết quả của rất nhiều tâm huyết và tình cảm mà nhà văn dành cho Hà Nội - một nguồn cảm hứng lớn cho hành trình sáng tạo của ông.

“Luỹ hoa” – Tâm huyết dành cho Thủ đô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ảnh 1

Ấn bản “Lũy hoa” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vừa được NXB Trẻ ấn hành.

“Lũy hoa” tái hiện 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947) quân và dân ta chiến đấu quả cảm để bảo vệ thủ đô, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc. 60 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, 60 ngày đêm thấy “hoa trên chiến lũy”.

“Lũy hoa” đưa bạn đọc trở về những ngày tháng không thể nào quên đó, chứng kiến người dân tản cư và những người cầm súng cố thủ để chặn bước quân thù. Với những cú chuyển cảnh qua ngòi bút nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, độc giả thấy lại phố phường Hà Nội với Hàng Gai, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân,... bắt gặp những con người của Hà Nội thuộc đủ tầng lớp và nghề nghiệp. Họ chiến đấu, họ lao động, họ yêu nhau.

Truyện phim “Lũy hoa” cũng như tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô”, được xuất bản sau khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng qua đời, là kết quả của quá trình tác giả dồn tâm sức cho đề tài Hà Nội, kể từ đầu năm 1957 cho đến những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời ông, mùa hè năm 1960.

Theo giáo sư Phong Lê: “Nếu có một biểu tượng gây ấn tượng nhất trong “Lũy hoa”, đó trước hết là những lỗ tường, thông từ nhà nọ sang nhà kia; chỉ cần chui qua các lỗ tường, là được biết gần như toàn bộ chân dung sinh hoạt và chân dung tinh thần của người Hà Nội. Những lỗ tường làm gắn nối ý chí chiến đấu cũng đồng thời xóa bỏ ngăn cách, phân biệt giữa các tầng lớp cư dân, khi cuộc sống bình thường bỗng chuyển sang những giờ phút căng thẳng, đầy kịch biến”.

“Và sau các lỗ tường là những chướng ngại vật, chất cao trên khắp các đường phố, gồm những cột điện, tủ, bàn, giường, ghế, xe tay, xe bò, xích lô, cùng với tất cả những gì có trong mỗi căn nhà, sau mỗi biển hiệu, mà người dân không thể mang theo, và cũng không muốn để cho địch sử dụng... Việc đặc tả hai biểu tượng này quả đã đem lại cho “Lũy hoa” những trang hay; ai không sống, không chứng kiến với tất cả xót xa, thương quý và tự hào về Hà Nội, khó viết được những trang như thế.” – giáo sư Phong Lê, nhận định.

“Luỹ hoa” – Tâm huyết dành cho Thủ đô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ảnh 2

Bút tích của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng in trong “Lũy hoa”.

Còn nhà văn Nguyễn Tuân từng cho biết muốn được đóng phim nếu “Lũy hoa” được dựng thành tác phẩm điện ảnh: “Tôi là một người tích cực trong số những người động viên Nguyễn Huy Tưởng viết truyện phim này. Vui miệng, tôi có bảo Tưởng: “Ông cứ viết đi. Lúc nào quay, tôi xin đóng một vai. Ông là một người Hà Nội, ông làm phim về đề tài Hà Nội bảo vệ Thủ đô; tôi là một người của Hà Nội, tôi cũng có cái thích thú muốn đóng một vai trong đó”. “Đóng vai chính hay vai phụ, vai trung hay vai nịnh, tôi không chú trọng lắm. Miễn là góp mặt vào đó, góp mình vào một cái sáng tác của bạn mình… Tên ông lên áp phích, ông cho tôi một dòng chữ con gọi là ké vào đấy.” Nguyễn Huy Tưởng mỉm cười, sau cái cười đó là “Lũy hoa” hoàn thành bản thảo.” - Nguyễn Tuân đã viết trong lời bạt “Lũy hoa” như thế.

Đặc biệt, cuốn sách còn có ảnh chụp những trang bản thảo của “Lũy hoa”, hình bản in đầu tiên do nhạc sĩ Văn Cao vẽ bìa, kèm nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi lại quá trình sáng tác “Lũy hoa” và “Sống mãi với Thủ đô”.

Nhật ký ghi ngày 10/9/1954 của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong ấn bản “Lũy hoa”, có viết: "Tuân đi Tây Bắc. Nói chuyện về kịch bản của mình. Ngoài việc chiến đấu, phải gợi lên cảnh Hà Nội. Cảnh Hà Nội thật nên thơ, thật cổ kính, của một thời kỳ đã qua. Nhưng rồi sắp hết trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải ghi lại những hình ảnh của Hà Nội, về người, về cảnh, về phố phường. Vì nó sắp mất. Mà nó sẽ có tác dụng ở trong nước. Ở ngoài nước. Ở Varsovie. Ở Khmer, khi đồng bào miền Nam tới xem: có thể có người khóc. Tuân có ý động viên. Khuyên nên tập trung vào phim. Đừng nghĩ gì đến tiểu thuyết vội. Và trong thâm tâm cũng thấy đồng ý với lời khuyên của bạn”.

“Thảo xong “Sống mãi với Thủ đô” tập 1 về ba ngày đầu Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng viết xen “Lũy hoa”, và kết thúc truyện phim này vào ngày 15/6/1959, khi căn bệnh hiểm trong mình đang phát lộ, để chỉ hơn một năm sau, ngày 25/7/1960 thì nhà văn qua đời.


Phải nói đến một sức làm việc khủng khiếp ở Nguyễn Huy Tưởng trong giai đoạn cuối này, giai đoạn gần như ông đã dồn tụ tất cả sinh lực và tâm lực cho đề tài kháng chiến của quân dân Thủ đô, cho một Hà Nội không lúc nào không bám chắc trong tâm tưởng ông trên suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình, từ những truyện và kịch lịch sử viết trước 1945, như “Vũ Như Tô”, “Đêm hội Long Trì”... qua kịch “Những người ở lại” viết về những người Hà Nội đồng thời với ông, vào đầu kháng chiến chống Pháp. Và đến bây giờ mới là lúc ông có thể nhìn lại Hà Nội trong những nét vừa rành rõ nhờ vào một khoảng lùi thời gian, vừa thoáng chút sương mù của hoài niệm và lịch sử.” - theo giáo sư Phong Lê.

TIN LIÊN QUAN
Cầu Phong Châu nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao (Phú Thọ) bị sập 2 nhịp do bão lũ. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Bổ sung vốn để xây cầu Phong Châu mới
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1389/QĐ-TTg ngày 15/11/2024 bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới trên quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ.
Chuẩn bị tiêm vaccine phòng cúm. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Thêm một ca tử vong do cúm A/H1 pdm
(Ngày Nay) - Ngày 15/11, thông tin từ trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị này vừa có báo cáo gửi Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế về ca bệnh tử vong do cúm A/H1 pdm.
Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng ghi nhận trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện gia tăng.
TP HCM: Số trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện gia tăng
(Ngày Nay) - Thời gian gần đây, các bệnh viện nhi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ghi nhận số trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện gia tăng; trong đó, nhiều trẻ nhập viện khi đã có dấu hiệu nặng như sốc sốt xuất huyết, suy đa cơ quan.