Nhà thơ Nguyên Hùng - Ký họa chân dung văn nhân bằng thơ để thêm yêu người

(Ngày Nay) - Lẽ ra ngày 18-9 vừa qua, nhà thơ Nguyên Hùng đã ra mắt cùng lúc hai cuốn sách mới in. Buổi sáng hôm đó, nhiều bạn bè văn nghệ biết tin đội mưa đến tòa nhà Liên hiệp Hội VHNT TPHCM, tìm quanh không biết ông nhà thơ đang ở chốn thần tiên nào.

Hai cuốn sách nhà thơ Nguyên Hùng dự định ra mắt gồm tập thơ nhạc chọn lọc “Trăm khúc hát một chữ duyên” và tập “Ký họa thơ” với 81 chân dung văn học do NXB Hội Nhà văn cấp giấy phép. Nhà thơ Nguyên Hùng khoe, ngoài giấy phép xuất bản và nhà in, thì phần ruột do chính tác giả trình bày, bìa do con út của ông thiết kế. Kể ra, sách do tác giả tự ấn hành thì cũng tiết kiệm được hai khoản chi cho thiết kế bìa và trình bày nội dung nhờ “của nhà trồng được”.

Nhà thơ Nguyên Hùng - Ký họa chân dung văn nhân bằng thơ để thêm yêu người ảnh 1

Nhà thơ Nguyên Hùng là tiến sĩ Công trình thủy (ĐH Thủy lợi Moskva 1988-1994), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, đã ấn hành 8 tập thơ riêng.

Giải thích vì sao để bạn bè văn nghệ đội mưa đến nhưng lại dời ngày ra mắt sách, nhà thơ Nguyên Hùng trần tình: “Một lần nữa cho tôi xin lỗi vì đã không thể gửi tin báo hoãn buổi ra mắt sách đến tất cả bạn bè. Việc dời ngày ra mắt sách tôi đã quyết định sau khi biết được nhiều tin đau lòng từ các địa phương bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi (số 3). Tôi tự nhủ rằng, trong khi cả nước đang dồn tâm sức cứu trợ, giúp đỡ đồng bào phía Bắc, việc lùi ngày vui của mình cùng bạn bè văn chương là điều nên làm”.

Nhà thơ mơ mộng ra bài thơ rồi bài thơ được nhạc sĩ chấp thêm đôi cánh âm nhạc, với nhiều người cũng là điều bình thường. Nhưng với Nguyên Hùng, thơ của ông được nhiều nhạc sĩ chọn làm phần lời ca khúc đến hơn trăm bài. Trong đó có nhiều bài phổ biến, được yêu thích. Ví dụ bài “Sóng không từ biển” của Nguyên Hùng do nhạc sĩ Lê An Tuyên phổ nhạc vào năm 2010, được Đài Truyền hình Việt Nam - VTV đưa vào chương trình có 6 ca khúc phổ thơ được yêu thích vào năm 2011 cùng với “Thuyền và biển” (thơ Xuân Quỳnh – nhạc Phan Huỳnh Điểu), “Mơ về nơi xa lắm” (thơ Thái Thăng Long – nhạc Phú Quang), “Khúc hát sông quê” (thơ Lê Huy Mậu – nhạc Nguyễn Trọng Tạo). Từ hơn trăm bài thơ được phổ nhạc, Nguyên Hùng đã chọn lọc còn 81 ca khúc để đưa vào tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”.

Con số 81 này cũng được thể hiện qua 81 chân dung văn học được Nguyên Hùng “Ký họa thơ” với những tài danh: Văn Cao, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Sơn Nam, Thu Bồn, Nguyễn Khải, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Trần Mạnh Hảo… đến những: Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương, Lại Văn Long, Lê Thiếu Nhơn… Nhưng vì sao lại là con số 81, phải chăng nhà thơ Nguyên Hùng đang tham gia ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM có trụ sở ở số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3?

Nhà thơ Nguyên Hùng - Ký họa chân dung văn nhân bằng thơ để thêm yêu người ảnh 2

Ký họa thơ – 81 chân dung văn học.

Nhà thơ Nguyên Hùng, chia sẻ: “Trước cuốn “Ký họa thơ” này, năm 2017 tôi đã in cuốn “102 mảnh ghép văn nhân”. Nếu con số 102 trong tựa cuốn sách đó hàm ý một cuốn sách với tiêu chí chọn “có 1 không 2”; thì con số 81 trong cuốn sách này, cùng con số 81 ca khúc phổ thơ trong tập “Trăm khúc hát một chữ duyên” mang một ý nghĩa khác ngoài “9 nút” mà một số bạn bè vẫn hiểu. Mấy năm nay, tôi đã gắn bó với số 81 Trần Quốc Thảo và tôi muốn gửi gắm, lưu giữ những kỷ niệm khó quên ở nơi đây qua những con số 81 trong 2 cuốn sách mới của mình”.

Ở thể loại thơ chân dung cũng đã có một vài nhà thơ chấp bút vẽ đồng nghiệp, tiêu biểu là nhà thơ Xuân Sách. Nhà thơ Nguyên Hùng biết rõ trước ông đã có núi cao Xuân Sách khó vượt qua. Nguyên Hùng thẳng thắn nhìn nhận: “Phải khẳng định rằng, viết thể loại chân dung theo cách này, nhà thơ Xuân Sách là số 1 và sau ông không có số 2. Nét họa của ông rất tài, rất sắc nhờ những kiến văn và sự am tường cả những chuyện ngoài văn chương; có lẽ do ông là người cùng thời với 99 nhà văn mà ông đã “hạ bút” vẽ. Những bài thơ chân dung của Xuân Sách thường ngắn nhưng đủ làm cho nhân vật và người đọc kêu lên ngỡ ngàng. Sau Xuân Sách, tôi cũng được đọc “Khúc khích văn nhân” của lão thi sĩ, họa sĩ Trần Nhương. Các bài thơ về bạn văn của nhà thơ Trần Nhương nói chung đều hóm, vui và dễ thương”.

“Đến lượt mình, tôi muốn ký họa chân dung nhằm tôn vinh các nhà văn nhà thơ mà mình ngưỡng mộ và yêu mến, trước hết vì sức sáng tạo, vì sự hy sinh của họ. Và tôi coi “102 mảnh ghép văn nhân” cũng như “Ký họa thơ” 81 chân dung văn học là những cuốn kỷ yếu mini và hy vọng nó có thể giúp ta biết thêm hoặc nhắc nhớ tên tác phẩm của các văn nhân, những người đã có những đóng góp cho nền văn học nước nhà. Mục đích và ý nguyện là thế, kết quả còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả chữ “duyên” với các đồng nghiệp và bạn đọc” - nhà thơ Nguyên Hùng, chia sẻ.

Nhà thơ Nguyên Hùng - Ký họa chân dung văn nhân bằng thơ để thêm yêu người ảnh 3

Tập thơ nhạc chọn lọc Trăm khúc hát một chữ duyên.

Nhà thơ Nguyên Hùng cho biết thêm, trong 81 chân dung này, ông thích nhất ký họa về nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Theo Nguyên Hùng: “Trong tập này tôi tự thấy ưng ý với kha khá bức ký họa. Nhưng nếu chỉ được nêu lên một, thì tôi xin chọn chân dung nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, một người anh, một người bạn vong niên có nhiều năm gắn bó với tôi. Bài ký họa Nguyễn Trọng Tạo không kể đến nhiều tác phẩm của ông, nhưng có lẽ phần nào đã ra cái chất, cái tạng của nhân vật”.

Mỗi tác giả có mỗi góc nhìn cùng với tình cảm khác nhau khi nói, viết, vẽ chân dung đồng nghiệp. Vậy nhà thơ Nguyên Hùng đã ký họa các văn nhân theo góc nhìn, tình cảm nào? Xin trích lời tiến sĩ Hoàng Quỳnh Anh: “Có câu danh ngôn tôi đọc được ở đâu đó: Hãy đối xử với bạn bè của mình như đối xử với những bức tranh mà bạn yêu thích. Nguyên Hùng đã đối đãi với bạn bè theo cách đó. Đây cũng chính là điều mà không dễ ai có được, nhất là trong giới văn nghệ sĩ…”.

Trong giới văn nhân có câu “văn mình vợ người”, nhưng theo nhận xét của tiến sĩ Hoàng Quỳnh Anh, từ đó suy ra để ký họa chân dung các đồng nghiệp như nhà thơ Nguyên Hùng đã làm không gì khác hơn là để thêm yêu người.

Xin giới thiệu 2 chân dung nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà văn Nguyễn Khải in trong “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng, những chữ in đậm là tên tác phẩm của Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Khải.


Nguyễn Trọng Tạo


Phải lòng quan họ quê tôi

Câu thơ tản mạn một thời đồng dao

Tình yêu như thể chiến hào

Tên bay đạn lạc phía nào cũng… em.

Rượu trăng nhắm với môi mềm

Cô đơn dốc đến cạn men nỗi buồn

Nặng lòng vận nước, quê hương

Thơ đi cùng với con đường nhân dân.

Không tìm danh vọng nương thân

Không theo điệu nhạc phù vân vỗ về

Bốn mùa khúc hát sông quê

Dạt dào tiếng sóng bùa mê gọi người...


Nguyễn Khải


Người viết rất hay về xung đột

Gặp chuyện bất đồng chỉ tránh thôi

Tóc xanh bước lạc trong mùa lạc

Đến bạc đầu đi tìm cái tôi...

Khi cùng chiến sĩ ra đảo lửa

Lúc một mình theo đường trong mây

Luôn tự nhủ hãy đi xa hơn nữa

Vòng sống đến vô cùng chính là đây.

Giữa một cõi nhân gian bé tí

Đâu tiếc chi chút phấn của đời

Cha và con và... hoan hỉ

Nơi cao xanh thượng đế thì cười.

Thời gian của người rất vội

Vẫn dùng dằng cuộc gặp gỡ cuối năm

Để mãi nhớ một người Hà Nội

Sống ở đời đau đáu chuyện nghề văn.

Việt Nam tin tưởng vào quá trình hợp tác với WIPO
Việt Nam tin tưởng vào quá trình hợp tác với WIPO
(Ngày Nay) -  Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ngày 26/9 đã tổ chức lễ công bố báo cáo về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2024.
Những kẻ lừa đảo chỉ cần 3 giây để sao chép giọng nói bằng AI
Những kẻ lừa đảo chỉ cần 3 giây để sao chép giọng nói bằng AI
(Ngày Nay) -  Ngân hàng trực tuyến Starling Bank của Anh vừa cho biết hàng triệu người có thể bị lừa bởi những kẻ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để sao chép giọng nói. Ngân hàng này cảnh báo rằng chỉ cần 3 giây âm thanh từ một video đăng trên mạng xã hội, kẻ gian có thể dùng AI để tạo ra bản sao giọng nói của nạn nhân. Sau đó, chúng tiếp cận bạn bè và người thân của họ để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, yêu cầu chuyển tiền bằng giọng nói đã được sao chép.
Bộ Pháp điển điện tử.
Phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật với 7 chủ đề và 6 đề mục
(Ngày Nay) - Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 146/NQ-CP phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với các chủ đề: Chính sách xã hội; Công nghiệp; Doanh nghiệp, hợp tác xã; Lao động; Ngoại giao, điều ước quốc tế; Nông nghiệp, nông thôn; Thi hành án và 6 đề mục.
Tiết mục mở màn của chương trình nghệ thuật.
Lắng đọng đêm nghệ thuật "Mùa thu cho em"
(Ngày Nay) - Tối 24/9, tại Nhà hát sông Hương, thành phố Huế, chương trình nghệ thuật “Mùa thu cho em” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức đã làm thỏa lòng hàng trăm người dân, du khách. Chương trình được phát sóng trực tiếp trên 26 đài truyền hình cả nước.