Các nhà khoa học nghiên cứu các hành tinh ở gần có khả năng sinh sống đã rất phấn khích, khi có phát hiện đầu tiên về hành tinh được xác nhận quay quanh ngôi sao Barnard. Đây là một hành tinh đá có khối lượng khoảng 40% so với Trái Đất. Mặc dù hành tinh này, quay rất gần ngôi sao Barnard, có nhiệt độ bề mặt quá cao để có thể duy trì sự sống, song các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những dấu hiệu về ba hành tinh khác có thể là những ứng viên tốt hơn.
Hành tinh đã được xác nhận, được gọi là Barnard b, có đường kính dự đoán khoảng ba phần tư so với Trái Đất, khoảng 6.000 dặm (9.700 km).
"Đây là một trong những hành tinh có khối lượng nhỏ nhất từng được phát hiện ngoài hệ mặt trời", nhà thiên văn học Jonay González Hernandez từ Viện Vật lý thiên văn Canarias tại Tenerife, Tây Ban Nha, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics, cho biết. Trước đó, trong số các hành tinh trong hệ mặt trời chỉ có Sao Hỏa và Sao Thủy là nhỏ hơn.
Barnard b, với nhiệt độ bề mặt khoảng 125 độ C, quay quanh ngôi sao Barnard chỉ trong ba ngày Trái Đất ở khoảng cách gần hơn 20 lần so với khoảng cách từ Sao Thủy đến Mặt Trời trong hệ mặt trời của chúng ta.
Các hành tinh ngoài hệ mặt trời được gọi là ngoại hành tinh. Các nhà khoa học tìm kiếm những ngoại hành tinh có khả năng duy trì sự sống thường chú ý đến những hành tinh nằm trong "vùng có sự sống" xung quanh một ngôi sao, nơi không quá nóng cũng không quá lạnh, và có thể có nước trên bề mặt của hành tinh. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một công cụ gọi là ESPRESSO trên Kính thiên văn rất lớn của Đài quan sát Nam Âu ở Chile để phát hiện ra hành tinh này. Ba hành tinh tiềm năng khác quay quanh ngôi sao Barnard dường như đều là hành tinh đá và nhỏ hơn Trái Đất, với khối lượng từ 20-30% so với khối lượng của Trái Đất. Hy vọng rằng ít nhất một trong số này có thể nằm trong vùng sống được.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là ngôi sao duy nhất được biết đến có hệ thống đa hành tinh hoàn toàn bao gồm các hành tinh nhỏ hơn Trái Đất. Ngôi sao Barnard, nằm trong chòm sao Xà Phu (Ophiuchus), có khối lượng khoảng 16% của Mặt Trời, đường kính 19% của nó và ít nóng hơn nhiều. Nó cũng được ước tính có tuổi thọ gấp hơn hai lần Mặt Trời.
"Vì rất lạnh và nhỏ, ngôi sao này khá mờ nhạt, làm cho vùng sống được của nó gần với ngôi sao hơn nhiều so với trường hợp của Mặt Trời”, nhà thiên văn học Alejandro Suárez Mascareño từ Viện Vật lý thiên văn Canarias, đồng tác giả nghiên cứu cho biết. "Nó cũng là một ngôi sao rất yên tĩnh. Trong khi một số sao lùn đỏ khác thường phát nổ, ngôi sao Barnard không làm điều đó”.
Các ngoại hành tinh càng gần chúng ta, càng dễ nghiên cứu. Dễ dàng hơn để phát hiện các hành tinh đá có khối lượng nhỏ quay quanh sao lùn đỏ, ngôi sao phổ biến nhất trong thiên hà Ngân Hà của chúng ta, hơn là quanh các ngôi sao lớn hơn.
Chỉ có ba ngôi sao trong hệ Alpha Centauri, cách khoảng 4 năm ánh sáng, gần với hệ mặt trời của chúng ta hơn so với ngôi sao Barnard. Một năm ánh sáng là khoảng cách ánh sáng đi được trong một năm, 9,5 nghìn tỷ km. Hai ngoại hành tinh đã được phát hiện trong hệ Alpha Centauri, cả hai đều quay quanh sao lùn đỏ Proxima Centauri. Một trong số đó có khối lượng xấp xỉ Trái Đất. Hành tinh còn lại có khối lượng khoảng 25% khối lượng của Trái Đất.
Trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, việc du hành với tốc độ ánh sáng là điều phổ biến. Trong thực tế, điều này vượt xa khả năng của con người, mặc dù các dự án nghiên cứu như Breakthrough Starshot đang khám phá tính khả thi của việc du hành giữa các ngôi sao. Ngôi sao Barnard và Alpha Centauri có thể nằm trong danh sách mong muốn của các điểm đến trong tương lai.
"Mặc dù chúng rất gần về mặt thiên văn học, nhưng chúng nằm ngoài tầm với của bất kỳ loại công nghệ nào của con người. Tuy nhiên, nếu các dự án như Breakthrough Starshot thành công, có khả năng đây sẽ là một trong những mục tiêu đầu tiên”, nhà thiên văn học Alejandro Suárez Mascareño nói.