Sáng kiến này, do chương trình Thông tin Liên lạc và Dẫn đường Vũ trụ (SCaN) của NASA dẫn đầu, được đưa ra sau chỉ thị chính sách của Nhà Trắng hồi tháng 4.
Giờ Mặt Trăng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng một hệ sinh thái bền vững trên Mặt trăng và đảm bảo an toàn cho các sứ mệnh tương lai. Javier Ventura-Traveset, quản lý dự án Moonlight của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một thời gian chuẩn chung cho các hoạt động trên Mặt trăng, từ hạ tầng thông tin liên lạc đến các thí nghiệm khoa học và hoạt động điều hành nhạy cảm về thời gian.
Tương tự như "Giờ Phối hợp Quốc tế" (UTC) trên Trái đất, "Giờ Mặt Trăng" sẽ được tính toán dựa trên các đồng hồ nguyên tử đặt trên Mặt trăng. Tuy nhiên, việc thiết lập "Giờ Mặt Trăng" gặp không ít thách thức, đặc biệt là trong việc tính toán các hiệu ứng của thuyết tương đối của Einstein.
Phân tích hiện tại cho thấy đồng hồ nguyên tử trên bề mặt Mặt trăng chạy nhanh hơn vài micro giây mỗi ngày do chênh lệch trọng lực. Cheryl Gramling, chuyên gia về vị trí, dẫn đường và thời gian mặt trăng tại trụ sở NASA ở Washington, giải thích rằng sự chênh lệch này tuy nhỏ nhưng có thể gây ra sai số lớn trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ đòi hỏi độ chính xác cao.
Khi chương trình Artemis của NASA tiến tới mục tiêu đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào tháng 9/2026 và thiết lập sự hiện diện lâu dài trên và xung quanh Mặt trăng, nhu cầu về một hệ thống thời gian chuẩn hóa cho Mặt trăng ngày càng trở nên cấp thiết.
Ben Ashman, chuyên gia dẫn đường cho dự án truyền tin mặt trăng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một định nghĩa chung về thời gian để đảm bảo hoạt động an toàn, linh hoạt và bền vững khi ngày càng nhiều quốc gia và doanh nghiệp tham gia vào công cuộc thám hiểm Mặt trăng.
Việc phát triển "Giờ Mặt Trăng" không chỉ dừng lại ở Mặt trăng. NASA coi đây là bước đệm cho các sứ mệnh tương lai đến sao Hỏa và các hành tinh khác trong hệ Mặt trời. Nhà Trắng đã đặt hạn chót là 31/12/2026 để NASA đưa ra chiến lược triển khai "Giờ Mặt Trăng".