Vảy nến - Sống chung với những tổn thương thầm lặng

(Ngày Nay) -  Vảy nến là một bệnh da liễu mạn tính, có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường xảy ra nhiều ở người trưởng thành. Đây là một rối loạn tự miễn dịch, gây ra tình trạng viêm và tăng sinh tế bào da quá mức, khiến da xuất hiện những mảng đỏ, sần sùi và bong tróc. Bệnh không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh.

Bong tróc, ngứa ngáy

Ban đầu, chị Ngọc (35 tuổi, ngụ quận Gò Vấp – đã đổi tên nhân vật) nhận thấy những mảng da đỏ, vảy trắng xuất hiện ở khuỷu tay và đầu gối. Mỗi khi thời tiết thay đổi, trái gió trở trời, các mảng da ngứa ngáy, đau rát khiến người phụ nữ vô cùng khó chịu.

Tình trạng không thuyên giảm mà ngày càng lan rộng, chị tìm đến các phương pháp chữa trị dân gian như bôi lá thuốc hay tắm thảo dược cũng không mang lại hiệu quả. Nhiều người xung quanh còn khuyên chị tránh xa các sản phẩm mỹ phẩm hay nước hoa, khiến chị cảm thấy tự ti và cô lập trong cuộc sống.

Sau khi đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ chẩn đoán mắc vảy nến làm chị không khỏi bất ngờ, thậm chí bối rối vì không biết lý do tại sao. Chị tham gia điều trị theo liệu trình của bác sĩ với thuốc bôi và uống giúp giảm viêm và kiểm soát triệu chứng. Song song đó, chị phải điều chỉnh lối sống, cố gắng hạn chế những áp lực, ăn uống lành mạnh và duy trì da ẩm để tránh việc bong tróc, đau rát.

“Có những ngày cảm thấy bất lực vì ngứa ngáy đến mất ngủ, tôi đã muốn bỏ cuộc. Nhưng dần dần, khi thấy bệnh tình cải thiện, tôi hiểu rằng việc chăm sóc da và giữ tinh thần thoải mái rất quan trọng”, chị Ngọc tâm sự.

Chị cũng tìm đến các hội nhóm những người cùng bị bệnh vảy nến trên các mạng xã hội, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và cảm thấy được đồng cảm, giúp chị có thêm động lực kiên trì điều trị. Dù con đường phía trước còn nhiều thử thách, chị cảm thấy vững tin hơn khi biết mình không đơn độc trong hành trình này.

Vảy nến - Sống chung với những tổn thương thầm lặng ảnh 1

Bàn chân chị Ngọc bong tróc, ngứa ngáy

Những xì xầm, ái ngại

Vảy nến xưa nay mang một nỗi oan khiên rất lớn là do lối sống không lành mạnh, mất vệ sinh… nên người đời nhìn những cá nhân không may bằng một ánh mắt dè bỉu đáng buồn. Nhớ lại những ngày tháng đầu tiên khi vảy nến bắt đầu xuất hiện trên cơ thể, chị Linh (37 tuổi, ngụ Bình Tân – đã đổi tên nhân vật) kể, ban đầu chỉ là những vệt da đỏ nhỏ ở cánh tay và chân nhưng dần dần lan rộng lên đầu, cổ và bong tróc, ngứa ngáy, đau rát mỗi khi vô tình chạm vào.

Những lời bàn tán xì xầm, ánh mắt tò mò kỳ thị của người xung quanh khiến chị càng thêm ngại ngùng, xấu hổ. Chị luôn muốn giấu mình trong lớp áo dài tay dày cộm mặc cho thời tiết nóng nực giữa hè hay mùa lạnh những ngày cuối năm. Không chỉ ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài, vảy nến còn khiến cuộc sống chị Linh thay đổi 360 độ, từ một người yêu thích ẩm thực, thường xuyên gặp gỡ bạn bè hàn huyên tâm sự thì nay nỗi mặc cảm, tự ti buộc chị phải tránh xa những chầu cafe, ăn uống….

Khi bắt đầu hành trình điều trị, các bác sĩ khuyên chị thay đổi lối sống ăn uống, bỏ các loại thịt đỏ, hải sản, dầu mỡ và không uống các thức uống chứa cồn như bia, rượu; thay vào đó chỉ nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, một số loại cá lành tính. Đồng thời, chị phải tuân thủ phác đồ điều trị như uống thuốc, bôi thoa theo đơn của bác sĩ và thường xuyên tập thể dục như chạy bộ và yoga.

"Nhiều lúc tôi thực sự mệt mỏi và nghĩ đến việc buông xuôi nhưng mỗi lần thấy da dần cải thiện, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục. Bác sĩ cũng trấn an, mặc dù vảy nến chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn nhưng với sự kiên trì và đúng liệu trình điều trị, tôi hoàn toàn có thể sống chung với bệnh một cách thoải mái hơn”, chị Linh chia sẻ.

Nhìn lại chặng đường đã qua, chị Linh cảm thấy bản thân may mắn khi có gia đình và bạn bè bên cạnh. Họ không chỉ động viên mỗi khi bệnh tái phát mà còn cùng chị vượt qua từng ngày với niềm tin và sự lạc quan. “Tôi học cách yêu thương bản thân hơn, chấp nhận mình với những khiếm khuyết, và tôi cũng muốn lan tỏa thông điệp này đến những ai đang đồng hành cùng căn bệnh”, chị tâm sự.

Một giáo viên mầm non ở Thủ Đức kể, nhiều khi da bong tróc và ngứa quá khiến cô liên tục gãi làm nhiều phụ huynh và đồng nghiệp nhìn cô với ánh mắt ái ngại. Cô biết nhưng không làm khác được nên chỉ mong muốn cộng đồng hiểu rõ hơn về căn bệnh không lây nhiễm này để những người như cô có thể sống và làm việc bình thường.

Vảy nến không lây nhiễm

ThS.BS Phạm Thị Uyển Nhi – Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, sau hàng thập kỷ nghiên cứu, khoa học đã khẳng định rằng, nguyên nhân chính của bệnh vảy nến là sự tương tác giữa 3 yếu tố: môi trường - di truyền - miễn dịch.

Theo đó, miễn dịch các tế bào T là một phần của hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể bằng cách ngăn ngừa những tác nhân có hại như vi khuẩn, virus. Trong bệnh vảy nến, do xảy ra tình trạng rối loạn hệ miễn dịch bẩm sinh và mắc phải, những tế bào T này tấn công các tế bào sừng trong da của người bệnh. Điều này khiến tốc độ phát triển của tế bào da tăng nhanh một cách bất thường.

Ở người bệnh vảy nến, các tế bào da chỉ mất 3 - 4 ngày (bình thường là 28 - 30 ngày) đã trưởng thành và di chuyển lên bề mặt da, thay vì rơi ra, chúng lại dính với nhau tạo thành thương tổn vảy nến. Một khi hệ miễn dịch rối loạn, tế bào T tấn công da sẽ tạo ra vòng xoắn bệnh lý diễn tiến lâu dài. Đó là lý do tại sao bệnh vảy nến thường mạn tính và kéo dài suốt đời.

Tiếp theo là yếu tố di truyền đóng góp 30% vào sinh bệnh học của vảy nến. Khoa học đã tìm ra một số gene nhạy cảm với bệnh. Nghĩa là những người có các gene nhạy cảm sẽ dễ mắc bệnh vảy nến hơn người khác. Chính vì có tính chất di truyền, những người có cha mẹ, anh chị em ruột bị bệnh vảy nến thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Yếu tố còn lại là môi trường đóng vai trò khởi phát hoặc làm nặng hơn tình trạng vảy nến của người bệnh. Những yếu tố này bao gồm stress, tổn thương da, nhiễm trùng, một số loại thuốc, hút thuốc lá, uống rượu bia...

Bác sĩ khẳng định, vảy nến là bệnh da viêm mạn tính, không lây nhiễm nhưng gây ra những ảnh hưởng tâm lý nặng nề, không chỉ tổn thương do bệnh lý mà cả bởi sự kỳ thị do thiếu hiểu biết của những người xung quanh.

Vảy nến - Sống chung với những tổn thương thầm lặng ảnh 2
ThS.BS Phạm Thị Uyển Nhi, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TPHCM đang khám và tư vấn cho người bệnh.

Người bệnh vảy nến dễ có cảm giác xấu hổ, thiếu tự tin, giảm lòng tự trọng, đánh giá giá trị bản thân thấp, đôi khi cô lập xã hội, phân biệt đối xử, giảm cơ hội trong công việc, giao lưu xã hội, khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, thậm chí có trầm cảm, ý tưởng tự tử… Các vấn đề tâm lý quay trở lại làm nặng thêm tình trạng bệnh vảy nến, làm cho bệnh khó kiểm soát hơn, từ đó tạo một vòng xoắn làm cho người bệnh trở nên ngày càng suy sụp tinh thần và bệnh tăng nhanh một cách bất thường…

Theo các bác sĩ da liễu, vảy nến là một rối loạn liên quan đến hệ miễn dịch, không phải là lỗi của bất kỳ ai. Việc điều trị bệnh vảy nến đòi hỏi sự kiên nhẫn và tuân thủ điều trị nghiêm ngặt. Quan trọng hơn, gia đình và bạn bè cần đồng hành, tránh những quan niệm sai lầm rằng bệnh vảy nến là do vệ sinh kém hoặc do người bệnh gây ra.

Chưa có phương pháp điều trị dứt điểm vảy nến


Vảy nến chiếm tỷ lệ khoảng 2 - 3% dân số, gây ra nhiều vấn đề cho sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân. Bệnh viện Da Liễu TP.HCM mỗi năm tiếp nhận hơn 52.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Bệnh thường không nguy hiểm đến tính mạng, ngoại trừ trường hợp bệnh vảy nến toàn thân, đây là thể bệnh ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và có thể dẫn đến tình trạng bệnh nặng.


Người bệnh vảy nến có nguy cơ cao mắc một số bệnh liên quan như tim mạch, trầm cảm, các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường. Hiện nay chưa có phương pháp nào có thể chữa dứt điểm bệnh vảy nến mà mục tiêu chỉ duy trì sự ổn định của bệnh, kéo dài giai đoạn sạch triệu chứng và hạn chế các đợt bùng phát, cải thiện chất lượng sống của người bệnh.

TIN LIÊN QUAN
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.