Người đàn ông bị mụn mủ toàn thân do chữa vảy nến bằng cách đắp thuốc nam

(Ngày Nay) - Tin lời người thân chữa vảy nến bằng đắp thuốc nam và tiêm corticoid, bệnh nhân bị nổi mụn, mưng mủ khắp toàn thân phải nhập viện khẩn cấp.

Báo điện tử VTC News đưa tin, Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.D., 40 tuổi trong tình trạng nổi mụn mưng mủ toàn thân, da khô, bỏng vảy, sốt 38 độ C, tiểu qua sonde… do chữa bệnh sai phương pháp.

Khai thác tiền sử bệnh nhân, cách đây 3 năm, cơ thể người này có biểu hiện đỏ da, bỏng vảy rải rác. Bệnh nhân có đi khám và điều trị theo đơn tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, sau 1 tháng tình trạng bệnh có thuyên giảm.

Tuy nhiên, do tin lời giới thiệu của người thân, bệnh nhân có điều trị thêm thuốc lá, thuốc nam và tiêm thêm corticoid tại một phòng khám 1 tháng/lần. Thời gian đầu khi tiêm tổn thương có đỡ nhiều, nhưng lại bùng phát nặng hơn sau khi ngừng tiêm. 4 ngày gần đây bệnh nhân sốt cao liên tục 38 – 39 độ C, mụn mủ toàn thân.

Kết quả thăm khám cho thấy, bệnh nhân mắc vảy nến thể mù bùng phát sau khi dùng sản phẩm liên quan tới corticoid toàn thân.

Theo các bác sĩ, corticoid có tác dụng chống viêm, ức chế miễn dịch. Corticoid đường bôi là một trong những chỉ định đầu tay trong điều trị vảy nến, tuy nhiên, corticoid đường toàn thân (tiêm hoặc uống…) lại là chống chỉ định trong điều trị vảy nến vì gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng lâu dài, đồng thời cũng làm bệnh bùng phát nặng hơn sau khi ngưng sử dụng.

Vảy nến thể mủ là bệnh lý mạn tính, tiến triển từng đơt, dai dẳng. Hiện nay có nhiều phương pháp hiệu quả điều trị bệnh như thuốc đường toàn thân (vitamin A acid, methotrexate, cyclosoprin, các thuốc sinh học…), corticoid đường bôi.

Người đàn ông bị mụn mủ toàn thân do chữa vảy nến bằng cách đắp thuốc nam ảnh 1

 Người đàn ông nổi mụn, mưng mủ toàn thân do điều trị vảy nến sai phương pháp.

Trao đổi với PV báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết, vảy nến là bệnh mạn tính, tiến triển từng đợt, dai dẳng suốt đời. Tỷ lệ vảy nến là 2 – 3% dân số tùy khu vực, tỷ lệ nam/nữ ngang nhau. Vảy nến thể mủ là một thể nặng, ít gặp của vảy nến, đặc trưng bởi mụn mủ vô khuẩn trên nền da đỏ, sốt cao.

Bệnh vảy nến thường dai dẳng, hay tái phát nên nhiều người đã tìm mọi cách để điều trị mà không theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, không ít người bệnh đã sử dụng các thực phẩm chức năng, thuốc nam, thuốc bắc, tiêm thuốc không rõ nguồn gốc… làm bệnh bùng phát nặng lên, gây nguy hiểm đến sức khỏe bản thân.

Trước đó, các bác sĩ của BV Da liễu Trung ương cũng đã từng tiếp nhận một bệnh nhân suy thận nặng vì tin theo quảng cáo chữa khỏi bệnh vảy nến bằng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc.

PGS.TS Lê Hữu Doanh khẳng định: Cho đến nay y học vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh vảy nến hoàn toàn mà chỉ có thể quản lý bệnh tốt hơn, từ thể nặng sang thể nhẹ và ổn định. Do đó, người bệnh cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu giúp kiểm soát và chung sống hòa bình với bệnh được tốt hơn. Tuyệt đối không tin lời đổn thổi, quảng cáo chữa dứt điểm bệnh vảy nến tránh tiền mất bệnh lại nặng thêm.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).