A Kang và bạn đời quyết định kết hôn vào tháng 2 mà không tổ chức một đám cưới theo phong tục truyền thống. Họ cảm thấy những nghi lễ dường như quá phức tạp và phổ biến ở Trung Quốc, từ đội xe limousine, nhẫn kim cương sáng lóa, bữa tiệc xa hoa và người dẫn chương trình chuyên nghiệp.
Thay vào đó, họ chọn một phong cách đơn giản, tự tổ chức đám cưới tại một phòng tiệc nhỏ, nhờ gia đình giúp đỡ việc phục vụ ăn uống. A Kang đến địa điểm tổ chức hôn lễ bằng một chiếc xe ô tô được thuê, tạo nên một không gian thật ấm áp và gần gũi.
Cặp đôi này không chỉ chọn lựa tổ chức hôn lễ theo cách riêng của mình mà còn đại diện cho một xu hướng đang nổi lên ở giới trẻ Trung Quốc. Thay vì những đám cưới truyền thống, họ đang lựa chọn những nghi lễ tối giản, cá nhân hóa hơn, một biểu hiện rõ ràng của sự thay đổi giá trị xã hội và nhu cầu tiết kiệm. Một thực tế rõ ràng rằng đám cưới tại Trung Quốc đã trở nên quá xa xỉ.
Trong bối cảnh nền kinh tế phát mạnh mẽ, một số gia đình sẵn sàng chi những khoản tiền khổng lồ vào những buổi lễ xa hoa, cạnh tranh với nhau về mức độ hoành tráng và sự phô trương.
Đám cưới ở Trung Quốc ngày nay đã trở thành một "trò chơi" đắt đỏ, với chi phí trung bình lên đến hơn 330.000 nhân dân tệ (tương đương 45.600 USD), vượt xa thu nhập hàng năm của hầu hết các gia đình. Đặc biệt, ở các thành phố giàu có như Bắc Kinh, Thượng Hải và các vùng ven biển phía nam như Phúc Kiến, đám cưới trở nên xa xỉ hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, những cặp đôi trẻ cảm thấy điều này là không cần thiết. Theo một cuộc khảo sát mới đây do tờ China Youth Daily công bố hôm thứ Năm, gần 80% trong số 1.500 người được phỏng vấn cho biết họ muốn tổ chức một đám cưới đơn giản hơn là những buổi lễ hoành tráng và đắt đỏ.
Trước đây, hầu hết các cặp đôi đều làm theo mong muốn của cha mẹ, ngay cả khi họ không hài lòng về điều đó. Tuy nhiên, giới trẻ Trung Quốc ngày nay không còn giữ suy nghĩ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nữa, ngày càng có nhiều người trẻ quyết định tổ chức đám cưới theo riêng của họ.
Khi chia sẻ video ghi lại đám cưới đơn giản của mình trên nền tảng Bilibili vào tháng 4, A Kang đã nhận được vô số sự ủng hộ từ Gen Z. Chỉ trong một thời gian ngắn, video với tiêu đề: “Những gì có thể bỏ qua trong đám cưới? Câu trả lời của tôi: Tất cả” đã nhanh chóng thu hút hơn 2,6 triệu lượt xem và 3.600 bình luận.
Một người dùng trên Bilibili kể lại việc cô tổ chức tiệc cưới tại một nhà hàng gần nhà, với chỉ 20 khách mời. Cô mua một chiếc váy với giá 200 nhân dân tệ, trong khi chồng cô mua một bộ đồ âu phục màu đen với giá 1.000 nhân dân tệ và điều đặc biệt nữa là trong ngày trọng đại của mình, cô đã tự trang điểm tại nhà mà không cần sự giúp đỡ của bất kỳ ai.
Cô viết: “Không nghi lễ, không dẫn chương trình, không cúi chào, không trà đạo, không lời thề, không quay video hay chụp ảnh chuyên nghiệp, chỉ ăn tối và bắt taxi về nhà”.
“Từ nhỏ, tôi đã luôn mơ ước được kết hôn mà không lãng phí tiền vào những thứ không cần thiết trong bữa tiệc. May mắn thay, tôi đã gặp được người bạn đời hiểu và tôn trọng quyết định của tôi.”
Giới trẻ Trung Quốc không chỉ phản đối về chi phí tài chính liên quan đến các đám cưới truyền thống, mà còn về những rắc rối và áp lực mà chúng mang lại. Việc các nhà tạo mẫu chuyên nghiệp phải đến nhà của cô dâu từ sáng sớm, thậm chí từ lúc 5h30 sáng ngày cưới, không còn là điều xa lạ.
Thường vào khoảng 8h30 sáng ngày cưới, chú rể và phù rể thường đến rước dâu bằng trên một chiếc xe ô tô sang trọng. Khi đến nơi, chú rể phải vượt qua một loạt thử thách do các phù dâu đặt ra để vào được phòng cô dâu. Sau đó, cô dâu và chú rể sẽ kính trà cho cha mẹ để thể hiện lòng hiếu thảo trước khi ra ngoài chụp ảnh lưu niệm. Rồi, họ hối hả đến địa điểm tổ chức đám cưới, tất bật chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để đón khách mời.
Lễ cưới không chỉ đơn thuần là việc trao nhẫn, phát biểu, nâng ly và tung hoa. Trong nhiều trường hợp, nó còn bao gồm những trò đùa của phù rể và khách mời, một tục lễ gây nhiều tranh cãi trong những năm gần đây, đặc biệt khi những hành động này có thể trở thành hành vi quấy rối tình dục do say rượu.
Tất cả những nghi thức này có thể làm cho các cặp đôi mới cưới cảm thấy mệt mỏi. Đặc biệt, việc trêu đùa cô dâu bị lên án mạnh mẽ, gần 65% thanh niên đã bày tỏ sự phản đối về tục lệ này trong một cuộc khảo sát của China Youth Daily.
Trong vấn đề này, có vẻ như các cặp vợ chồng trẻ đang có cùng quan điểm với chính phủ, khi họ cũng tích cực tham gia vào cuộc chiến chống lại việc chi tiêu lãng phí cho các đám cưới trong những năm gần đây.
Chen Siyu, 29 tuổi, sống tại thành phố Thượng Hải, cho biết: "Tôi hy vọng đám cưới của mình có thể thực sự phản ánh mong muốn và phong cách riêng của tôi, chứ không chỉ đơn thuần là để đáp ứng những kỳ vọng từ gia đình hay xã hội.”
Chen đã tổ chức tiệc cưới vào tháng 4 tại một nhà hàng trên Bến Thượng Hải, chỉ với 18 khách mời, không có đồ trang trí cầu kỳ nhưng anh lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc với những lời chúc tốt đẹp và những câu chuyện thú vị từ những người thân.
Điều này cho phép cặp đôi chi tiêu cho thứ mà họ thực sự mong đợi đó là tuần trăng mật.
Chen nói: “Chúng tôi chọn bay hạng nhất, ở trong những khách sạn sang trọng, tự chụp ảnh cưới bên bờ biển… Đây là những điều chúng tôi muốn làm”. “Đối với chúng tôi, đó là cách kỷ niệm đám cưới tuyệt vời nhất.”