Còn nhớ, cách đây không lâu, có khá nhiều người lời ra tiếng vào quanh chuyện “Em bé Hà Nội” - NSND Lan Hương không lên tàu đi Trường Sa phút chót với lý do sức khỏe. Có đi mới biết và mới thông cảm cho “Em bé Hà Nội” bởi đi Trường Sa không phải là chuyến đi để nghỉ dưỡng như du lịch tàu biển vì đủ thứ mùi dầu máy, thức ăn, thuốc lá quyện vào nhau, chỗ ở chật hẹp, bữa ăn khó đổi món...
Vậy nên, việc chuẩn bị cho chuyến đi kéo dài gần một tháng là điều quan trọng nhất. Có những thứ rất nhỏ nhưng không để ý mang theo sẽ thấy thiếu thốn đến phát bực như: Dầu gió, lọ muối vừng, rong biển sấy khô, chà bông, dao đa năng Thụy Sĩ, bật lửa, áo mưa cho đến... quần lót mặc một lần. Và quan trọng hơn cả là sức khỏe, ai có bệnh tim mạch và tiền đình thì tốt nhất là nên ở nhà! Với Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) hay còn gọi theo tên dân sự là Đoàn Trường Sa, điều lo nhất là an toàn của các vị khách, dặn dò cặn kẽ không thiếu thứ gì: Không uống rượu, không đi ra mũi tàu khi sóng lớn, lên đảo cấm đi ra ta-luy vì rất trơn có thể trượt ngã, không được chụp ảnh hay đi vào nơi cất giấu vũ khí...
Buổi sáng xuất quân ở quân cảng Cam Ranh, nhìn con tàu 936 mà chúng tôi sẽ gắn bó trong hơn 20 ngày quả có hơi thất vọng vì bề ngoài cũ kỹ so với hai tàu còn lại. Con tàu đã 60 năm tuổi, vốn là tàu chở nước ngọt của Liên Xô tặng lại. Cũng vì là tàu chở nước nên việc dùng nước để sinh hoạt trên tàu thoải mái và có độ đằm nhất định, độ lắc không quá nhanh. Nhưng đó là câu chuyện về sau, còn khi mới lên tàu, việc đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là con tàu vốn chỉ biên chế 26 thủy thủ nay phải chuyển hàng cùng với hơn 200 người. Là khách, chúng tôi được ưu tiên bố trí phòng riêng, may mắn hơn cán bộ chiến sĩ phải ngủ võng, ngủ chiếu ở bất cứ chỗ trống nào trên tàu.
Những chiếc thuyền nhỏ chuyển hàng lên đảo |
Kinh nghiệm cho những người đầu tiên đi biển là khi tàu khởi hành chớ chạy lăng xăng quanh tàu. Cất hành lý và tìm chỗ ngủ ngay, nếu giường trệt đã có người ngủ rồi thì thà trải đệm ra ngủ ở sàn còn hơn nằm trên giường cao. Khi đi ngủ bôi dầu vào mũi, đeo tai nghe hết cỡ tránh tiếng ồn và mùi khó chịu, khi nào bộ phận phục vụ mang cơm đến tận phòng thì dậy ăn. Ăn xong lại ngủ, ngủ nguyên ngày như vậy, khi cơ thể đã quen với nhịp lắc của tàu, quen với sự chòng chành của sóng biển, là lúc có thể ra khỏi phòng đi lại ngắm biển, trò chuyện với mọi người.
Cùng chung hải trình đến Trường Sa có lẽ chuyến đi người ta dễ đánh bạn với nhau nhất. Anh Bạch Thành Phương, một sĩ quan quân đội là người khách duy nhất trên tàu 936 suốt ngày chỉ nằm, nếu nhìn vết sẹo dài trên đầu anh thì cũng đủ biết tiền đình của anh đã “hỏng” lắm rồi. Ấy thế sau chuyến đi ra Trường Sa đầu tiên, anh vẫn gắng đi chuyến thứ 2 để xem khả năng chịu đựng của mình đến đâu!
Trên tàu cũng có vị khách đặc biệt là Đại đức Thích Tuệ Nhân, lần này ra Trường Sa để trụ trì chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh, mà chúng tôi gọi đùa thầy là “sư trưởng”. Thầy xuất gia cách đây chưa đến 10 năm khi đã có vợ và con như bao người khác. Có “duyên tu”, vậy là xin quy y nhà Phật chứ đời thầy cũng không có chuyện khổ đau ai oán nào. Thầy còn kể thêm, thầy từng là lính giữ “chốt” tại mặt trận Quảng Ninh cho nên ra đảo lần này, thầy tuyên bố nếu có “biến” thì sẵn sàng cầm súng “nhập thế”.
Chuyện trò rôm rả nhất đương nhiên là với những người lính trẻ lần đầu ra đảo như Binh nhất Nguyễn Văn Hai quê ở Thường Tín, Hà Nội. Gia cảnh không dư giả gì nên học cấp 3 xong Hai đi làm phục vụ trên một nhà hàng đồ nướng Hàn Quốc ở Hàng Bún (Hà Nội). Rồi Hai có giấy gọi đi nghĩa vụ quân sự, trở thành chiến sĩ Hải quân. Hai tâm niệm tuổi trẻ là phải xông pha nên huấn luyện tân binh xong liền xin ra công tác tại quần đảo Trường Sa vì Hai cho rằng: “Đã là lính Hải quân thì phải ra Trường Sa!”. Còn tương lai rồi sau sẽ ra sao sẽ tính tiếp, Hai bảo có thể về lại Thủ đô làm việc hoặc thậm chí ở lại mảnh đất miền Trung trở thành thủy thủ tàu cá.
Những người lính như Hai sẽ trải qua thử thách ghê gớm là xa cách với đời sống xã hội trong một năm ròng. Nói là thử thách cũng không sai, như chúng tôi chỉ là những vị khách đến với Trường Sa cũng đã cảm nhận được điều đó. Tính ra trong hơn 20 ngày của chuyến đi ghé thăm 2 đảo nổi và 6 đảo chìm, số ngày ở trên tàu chiếm đến gần một nửa. Một người bình thường đang quen sống với bao thú vui ở đô thị đến mức chỉ ước một ngày kéo dài 48 tiếng để hưởng thụ, bỗng dưng thời gian thừa thãi không biết để làm gì. Nhiều nơi sóng điện thoại không có, đồng nghĩa cô đơn đối diện với biển cả mênh mông, vượt qua cô đơn là điều chưa ai bảo là dễ dàng.
Ngoài lưu nhiều bộ phim, chương trình ca nhạc trong laptop, mang theo những quyển sách để “giết” thời gian, thú vui đáng kể nhất trên tàu là câu cá. Nhà báo Đoàn Tùng (Báo Việt Nam News) đã kỳ công mang theo chiếc cần câu mà anh tuyên bố là đã “sát” khá nhiều cá. Trên thực tế, cần câu này hoàn toàn vô tác dụng bởi câu cá ở Trường Sa chỉ câu bằng sợi cước. Cái thú câu cá đêm ở Trường Sa là lần đầu tiên được nhìn những con cá thu, cá ngừ, cá chình... hàng chục cân giãy đành đạch ở sàn tàu.
Cái thú lớn hơn là được chế biến và đánh chén “chiến lợi phẩm” ngay trong đêm. Chuẩn bị sẵn chanh, gừng, mù tạt, nước tương đâu ra đấy. Chúng tôi lọc thịt cá, thái miếng nhỏ để có món sashimi cá ngừ. Đã từng nhiều lần ăn sashimi ở nhà hàng song ai nấy đều thừa nhận thua xa vị ngọt, tươi, dẻo của những lát sashimi từ những con cá mới được câu lên. Giữa biển đêm yên bình, hiu hiu gió thổi, lại được thưởng thức đặc sản của Trường Sa, chợt nghĩ cuộc đời này cũng đáng sống lắm.
“Đảo là nhà, biển cả là quê hương” |
Với các chiến sĩ lần đầu ra đảo, họ có nhiều tâm tư về những ngày tháng sắp tới khi xem “đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Dẫu hiện nay, nhờ sự đầu tư của Nhà nước và các đơn vị, cá nhân, điều kiện sống ở quần đảo Trường Sa được cải thiện nhiều song chưa hết khó khăn. Nói ngay như chuyện ăn uống hàng ngày, dù đã có bể chứa nước ngọt ở tầng hầm các khối nhà song chủ yếu dựa vào nước mưa, nếu mưa ít nước bộ đội vẫn lâm vào cảnh chưa nhau từng ca nước. Lợn, gà, vịt biển nuôi được nhiều, rau xanh đủ loại nhưng đâu phải ngày nào cũng được ăn tươi, chủ yếu vẫn phải dùng đồ hộp mà bộ đội hay nói đùa là “heo, bò, gà không lối thoát”. Vì thế, ai gầy gò ra Trường Sa đều béo lên do ăn nhiều đồ hộp và nếu không rèn luyện thể dục thể thao rất có hại cho sức khỏe.
Nhập mô tả ảnhCác chiến sĩ đùa vui với những chú chó trên đảo Tiên Nữ |
Nói đi vẫn nói lại, chuyện khó khăn nhất của những người giữ đảo vẫn là vượt qua nỗi cô đơn. Trung úy QNCN Lê Bá Tùng ra làm nhiệm vụ tại đảo Núi Le để lại cô giáo Văn Thị Nhung đang mang bầu đưa con gái đầu lòng ở đất liền. Khi công tác ở quần đảo Trường Sa, các quân nhân được phép gọi điện về nhà qua điện thoại đơn vị, không được dùng điện thoại di động. Vì thế, anh Tùng và những người lính đảo có hoàn cảnh tương tự chỉ có thể nghe vợ tả đứa con qua điện thoại. Chẳng biết có phải vì thế mà trong đêm giao lưu văn nghệ tại đảo Núi Le, anh Tùng đã hát bài “Nơi đảo xa” thật xúc động.
Trung tá Lê Bá Tùng bịn rịn chia tay vợ ở quân cảng Cam Ranh |
Xa đất liền, xa tình cảm gia đình ấm áp, song người lính đảo vẫn có những chỗ dựa tinh thần vững chắc là tình đồng đội. Ở điểm đảo Đá Lớn C, chỉ huy đơn vị đã tổ chức một buổi liên hoan đón tân binh và chia tay cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền. Đó là những giây phút hiếm hoi, người ta có thể thấy những người lính trên quần đảo Trường Sa rắn rỏi rơi nước mắt. Thượng úy Trần Quân, Phó chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Lớn C, thay lời những cán bộ, chiến sĩ sẽ vào bờ phát biểu: “Dù xa xôi về địa lý, nhưng các đồng chí ở lại đảo hãy nhớ rằng, chúng tôi luôn nhớ tới các đồng chí vẫn ở lại Đá Lớn C. Chúc các đồng chí ở lại vui vẻ, an toàn, vẫn xem chúng tôi như là thành viên của đại gia đình Đá Lớn C”. Những lời tâm sự chân tình đó khiến người chỉ huy dày dạn nắng gió như Đại tá Nguyễn Hưng, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, không cầm được nước mắt, ông đã lên sân khấu nắm tay Trung sĩ Lê Tùng sắp ra quân, cùng cất lời ca bài hát “Đồng đội”.
Trung sĩ Lê Tùng và Đại tá Nguyễn Hưng cùng hát vang bài "Đồng đội" |
Giả dụ, không có những tranh chấp chủ quyền, gạt bỏ đi vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh, Trường Sa thực sự là vùng đất mà người Việt cần phải biết trọng, biết yêu và giữ gìn bởi nguồn lợi từ biển và vẻ đẹp tuyệt vời như màu nước xanh ngắt ở rạn san hô không chữ nghĩa nào có thể tả xiết. Và người ta yêu thêm Trường Sa bởi ở đó có rất nhiều hy sinh hạnh phúc riêng vì việc nước. Rời đảo Phan Vinh-điểm cuối của chuyến đi, ấn tượng của chúng tôi là hình ảnh người lính đảo vẫn cầm súng đứng gác cạnh mốc chủ quyền. Chúng tôi chưa kịp hỏi tên người lính đó, chỉ biết chàng trai đó mới chỉ ở độ tuổi 20 song nhìn vào đôi mắt trong của tuổi trẻ mà cương nghị đó, chúng tôi thấy cả mùa Xuân đang về.