Con số trên được các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết luận dựa trên nghiên cứu mới được công bố của Tạp chí Y học Lancet từ 358 cuộc khảo sát ở 168 nước với gần 2 triệu người tham gia.
Nghiên cứu cho thấy xu hướng ít vận động thể chất ngày càng tồi tệ, với hơn 25% người trưởng thành vận động "dưới chuẩn" trong năm 2016 (tăng so với mức 23,3% trong năm 2010).
Bên cạnh đó, 1/3 phụ nữ và 1/4 đàn ông trên thế giới đang làm việc trong những điều kiện có nguy cơ cao dẫn tới các bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư nếu họ không tăng cường vận động thể chất, đặc biệt ở các quốc gia giàu có với điều kiện làm việc ngày càng tiện lợi và lối sống tĩnh lặng.
Khu vực Đông Nam Á là “điểm sáng” duy nhất trong bản đồ vận động mà WHO nghiên cứu. Đây là khu vực duy nhất trên thế giới chứng kiến tỷ lệ ít vận động giảm dần và hiện nay cả nam giới và nữ giới đều vận động thể chất ngang bằng nhau.
Thói quen ít vận động tăng lên ở các nước phát triển được các chuyên gia lý giải là do công việc, sở thích và việc hệ thống giao thông vận tải tiện ích khiến họ không phải hoạt động nhiều. Trong khi đó ở các nước đang phát triển, người dân có nhiều cơ hội vận động hơn thông qua công việc và việc đi bộ đến các điểm giao thông công cộng.
Bà Regina Guthold - Tác giả dẫn đầu nghiên cứu cho rằng, trong số các giải pháp khắc phục tình trạng lười vận động, các quốc gia và cộng đồng có thể tạo ra các chương trình mới để hỗ trợ cũng như thúc đẩy mọi người năng động hơn. Việc môi trường được cải thiện sẽ tạo điều kiện cho nhiều người đi bộ, đạp xe hoặc vận động thể chất theo nhiều cách khác.
Cũng theo khuyến cáo của WHO, mỗi người trưởng thành cần thực hiện ít nhất 150 phút vận động vừa phải mỗi tuần, gồm những hoạt động như đi bộ nhanh, bơi lội hoặc đạp xe nhẹ nhàng hoặc 75 phút vận động mạnh gồm các hoạt động như chạy hoặc chơi thể thao nhóm.