20 bé mẫu giáo thoát chết trong lũ quét

(Ngày Nay) - Nước lũ phả đầu, có đến ba, bốn cháu ôm vào cổ mỗi cô giáo. Các cô phải cõng các cháu đứng lên và đu vào các song cửa sổ lớp học.
Các thanh niên địa phương hỗ trợ đưa cô và trò Trường Mẫu giáo An Hiệp (thôn Mỹ Phú 2) ra khỏi nơi bị ngập.
Các thanh niên địa phương hỗ trợ đưa cô và trò Trường Mẫu giáo An Hiệp (thôn Mỹ Phú 2) ra khỏi nơi bị ngập.

Chưa hết bàng hoàng sau cơn lũ quét qua Trường Mẫu giáo An Hiệp (Tuy An, Phú Yên), đe dọa tính mạng các cô và hơn 20 bé vào ngày 13/12, cô Nguyễn Thị Hòa, Phó hiệu trưởng trường, thở phào: “May mắn là tất cả đã qua cơn nguy cấp chứ nếu không thì…”.

Trong sáng 14/12, ông Phan Xuân Hạnh, Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Phú Yên, đã trao giấy khen cho bảy thanh niên vì hành động dũng cảm cứu cô, trò trong lũ.

Cô, trò suýt bị lũ cuốn trôi

Cô Hòa kể do mưa lớn nên sáng 13/12, chỉ khoảng 35 cháu đi học. Đến khoảng 10h, mưa rất lớn cộng thêm nước lũ đã vào sân trường nên ban giám hiệu vội gọi điện thoại liên hệ với người nhà đưa được 15 cháu ra về. Còn lại, do nước lên nhanh, trong trường nước ngập ngang bụng, bên ngoài nước sâu hơn nên không thể ứng cứu khiến bốn cô giáo và học sinh kẹt lại.

“Các cô cố gắng kê bàn ghế để các học sinh lên trên, một số học sinh ngồi trên những “chiếc phao đồ chơi” để không bị chìm. Một lúc sau, nước đã phả đầu người lớn. Có đến ba, bốn cháu ôm vào cổ mỗi cô. Các cô phải cõng các cháu đứng lên và đu vào các song cửa sổ của lớp học. Lúc này nhiều cô cố gắng dùng điện thoại để liên lạc người thân, các lực lượng cứu hộ, đồng thời la lớn để mọi người đến ứng cứu…” - cô Hòa run run kể.

May mắn là trong tình thế này, nhiều thanh niên trong khu vực đã đến cứu kịp thời. Các anh đã bơi vào trường, lấy mái nhà ở khu vui chơi trẻ em, lấy thùng xốp trong trường làm phao cứu sinh để các em ngồi vào, đưa cô trò rời trường an toàn. Một số anh cho biết thấy cô trò nguy cấp, các anh không kịp nghĩ ngợi gì, chỉ biết lao vào trường thật nhanh để đưa các cô, trò thoát khỏi cơn lũ dữ.

Anh Nguyễn Hồng Tâm ở xã An Hiệp cho hay cơn lũ này ập đến rất nhanh, nước chảy rất mạnh không chỉ gây nguy hiểm cho các cô trò mà còn khiến nhiều người dân khác suýt bị cuốn trôi.

Oằn mình chống lũ

Theo thống kê, đợt mưa lũ này đã gây ngập, chia cắt 15 xã, thị trấn ở Phú Yên, làm ngập gần 2.300 ngôi nhà, trong đó có hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng, 20 nhà khác bị tốc mái do lốc xoáy. Mưa lũ cũng làm ngã đổ, hư hại hơn 600 ha lúa vụ mùa đang chín, làm hư hỏng nặng nhiều tuyến giao thông trọng yếu.

Ngày 14/12, người dân phát hiện đường ống dẫn nước phi 400 bắc qua sông Cái song song qua cầu Xóm Bóng thuộc phường Vĩnh Phước (TP Nha Trang) bị mất một đoạn hơn 40 m.

Đường ống phi 500 bên cạnh cũng bị võng xuống khiến 20.000 hộ dân khu vực mất nước sinh hoạt. Ngay sau đó, Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa đã lao vào khắc phục sự cố. Đến 20h ngày 14/12 đã có 80% hộ gia đình ở khu vực phía bắc TP Nha Trang được tạm cấp nước trở lại.

Những ngày qua do mưa liên tục cùng với việc thủy điện xả lũ khiến cho nhiều nơi ở Quảng Nam ngập trong lũ. Ở Hội An, một số tuyến đường bị ngập nặng và nước mấp mé bên nhà dân…

Ghi nhận tại đập đá (TP Huế) trong chiều cùng ngày, do mưa lớn, nước từ sông Hương đã tràn qua đập. Nước sâu và chảy xiết nên lực lượng chức năng phải chặn đường để đảm bảo an toàn. Tại huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế), nhiều địa điểm bị ngập sâu, nhiều tuyến đường bị chia cắt, nhiều nơi phải di chuyển bằng thuyền...

Cảnh báo mưa, lũ lớn từ Huế đến Khánh Hòa

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông nên từ nay đến hết ngày 17/12, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và từ ngày 16 đến 18/12 ở Phú Yên đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to. Riêng các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to (300-400 mm/đợt). Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1-2.

Từ ngày 14 đến 18/12, đỉnh lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Lũ lớn, kéo dài, ngập lụt sâu, diện rộng có khả năng xảy ra trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông và mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa. 

Lâm Đồng: Cầu sập, nhà ngập vì xả lũ

Ngày 14/12, người dân xã Đinh Trang Hòa (Di Linh, Lâm Đồng) phải nghỉ việc hái cà phê vì ba cây cầu gỗ bắc qua sông Riam bị nước lũ cuốn trôi.

Trước đó, khuya 13/12, nhiều hộ dân sinh sống xung quanh đập chứa nước KaLa (xã Bảo Thuận, Di Linh) cũng trở tay không kịp vì nước đột ngột dâng cao... Theo thống kê sơ bộ, nước lũ đột ngột dâng cao làm ngập năm căn nhà, hơn 10 ha cà phê và khoảng 2 ha lúa bị hư hại.

Ông Trần Đức Công, Phó chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết: “Trước mắt, huyện cùng các xã giúp người dân khắc phục thiệt hại. Còn việc đập chứa nước KaLa xả lũ đúng hay sai, huyện sẽ có thông tin sau”.

Theo Pháp Luật TP.HCM

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.