Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mỗi năm trên thế giới có 372.000 ca tử vong do đuối nước, số liệu được đưa ra vào năm 2014. Trong số đó, hơn 50% số người chết đuối có độ tuổi dưới 25, độ tuổi có nguy cơ chết đuối cao nhất là dưới 5 tuổi.
Mỗi năm cả nước có khoảng 3.500 trẻ em tử vong do đuối nước.
Là một nước có mạng lưới sông ngòi dày đặc và nhiều tỉnh, thành phố giáp biển, Việt Nam nằm trong số những nước có nguy cơ chết đuối cao. Theo báo cáo năm 2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 3.500 trẻ em bị chết đuối, đồng nghĩa với việc có 9 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi ngày. Tuy nhiên, việc dạy bơi cho trẻ chưa được thực sự quan tâm.
Mới đây, sự việc 9 em học sinh ở Quảng Ngãi rủ nhau đi bơi rồi chết đuối là lời cảnh báo về nguy cơ trẻ em không được học bơi bài bản. Bởi vậy, các chuyên gia cho biết, kỹ thuật “bơi tự cứu” dưới đây có thể cứu sống người không biết bơi nếu chẳng may rơi xuống nước.
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm E-Bơi, người sáng tạo ra kỹ thuật “bơi tự cứu”, cho biết kỹ thuật này không hề tốn kém mà lại rất đơn giản, ai cũng có thể tập dượt để ứng phó nếu chẳng may rơi xuống nước. Đặc biệt, trẻ có thể học thuật này ngay cả trên cạn.
Kỹ thuật "bơi tự cứu".
Cụ thể, khi người không biết bơi chẳng may rơi xuống nước có thể thoát chết nhờ 4 bước trong kỹ thuật “bơi tự cứu” dưới đây:
Bước 1: Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.
Bước 2: Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.
Bước 3: Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.
Bước 4: Khi chuyển động lên xuống, tới trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi hoặc miệng.
Ông Tuấn cho biết, bằng phương pháp này, người không biết bơi có thể ở dưới nước trong khoảng thời gian khá dài để chờ người đến cứu hoặc để nước đẩy vào chỗ nông hơn. Trẻ em mầm non có thể học phương pháp bơi này và thực hành ngay trên cạn.
Xuân Bách (tổng hợp)