Bill Gates, Warren Buffett, Carlos Slim, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Amancio Ortega, Larry Ellison và Michael Bloomberg sở hữu tổng cộng 426 tỷ USD. "Sự bất bình đẳng rất lớn này đang khiến hàng triệu người mắc kẹt trong cảnh nghèo khó, gây phân hóa xã hội và hủy hoại nền chính trị của chúng ta", Paul O'Brien - Phó giám đốc Chính sách và Chiến dịch tại Oxfam Mỹ nhận xét.
Đây là báo cáo thường niên về chênh lệch giàu nghèo của Oxfam, được công bố vào thời điểm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ). WEF là nơi quy tụ các chính trị gia, lãnh đạo tài chính và những người giàu nhất thế giới.
Báo cáo của Oxfam ước tính 1% người giàu nhất thế giới nắm số tài sản nhiều hơn 99% còn lại. Tình trạng này đã tồn tại từ năm 2015. Tại Mỹ, nhóm 1% này cũng kiểm soát 42% tài sản trong nước. Nghiên cứu trên lấy số liệu từ danh sách tỷ phú thường niên của Forbes và Global Wealth Databook của Credit Suisse.
Cách đây 4 năm, WEF đã nhận định bất bình đẳng kinh tế gia tăng là mối đe dọa lớn với ổn định xã hội. Tuy nhiên, Oxfam cho biết vấn đề này đang ngày càng nghiêm trọng.
"Bất chấp việc các lãnh đạo toàn cầu đã đồng ý với mục tiêu giảm bất bình đẳng, khoảng cách giữa người giàu và phần còn lại của thế giới vẫn ngày càng rộng ra", báo cáo cho biết.
Theo Oxfam, cứ 10 người trên thế giới, lại có 7 sống ở quốc gia có sự bất bình đẳng ngày càng lớn trong 3 thập kỷ qua. Trong 25 năm qua, 1% người giàu nhất có thu nhập nhiều hơn 50% người nghèo nhất cộng lại.
Ngoài cách biệt giàu nghèo, Oxfam cũng nhấn mạnh sự khác nhau về giới tính. Trong 1.810 tỷ phú đôla trên thế giới, 89% là đàn ông.
Báo cáo nhận xét Việt Nam đã có thành tích tốt trong việc giảm nghèo. Tuy nhiên, bất bình đẳng gia tăng đang đe dọa quá trình này. Oxfam đã phỏng vấn những phụ nữ làm việc tại một nhà máy dệt may tại Việt Nam. Họ đang làm việc 12 giờ một ngày, 6 ngày một tuần và vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống với thu nhập một đôla mỗi giờ để sản xuất quần áo cho nhiều hãng thời trang lớn nhất thế giới.
Các quyền cơ bản như chăm sóc y tế và giáo dục cũng không được đảm bảo. Một phần tư dân số Việt Nam thiếu bảo hiểm y tế. Những người có bảo hiểm cũng chưa chắc được trả toàn bộ chi phí. Năm 2012, việc phải gom đủ tiền để chi trả cho nhu cầu y tế khẩn cấp đã đẩy hơn 580.000 gia đình Việt Nam vào cảnh nghèo khó.