8 quận nhỏ ở TP.HCM có thể tìm cách để sáp nhập

(Ngày Nay) -8 quận là 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận chỉ có diện tích từ 4-7 km2, dân số trên dưới 200.000 người nhưng mỗi nơi cũng một bộ máy.
Địa phận tiếp giáp giữa quận 1 và quận 4, TP.HCM.
Địa phận tiếp giáp giữa quận 1 và quận 4, TP.HCM.

Tại cuộc làm việc của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng với quận Bình Tân chiều 23/12, ông Đỗ Văn Đạo, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, nêu đề xuất sáp nhập một số đơn vị hành chính như phường và quận.

Trao đổi với Zing.vn, ông Đạo chia sẻ: "Nghị quyết của Bộ Chính trị và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hạn chế chia tách, khuyến khích sáp nhập để sắp xếp lại bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế".

Tâm lý thủ trưởng nào cũng thích quân đông, nhiều ban bệ

- Quận 4 là một cù lao, nhiều ý kiến cho rằng sáp nhập gây khó trong quản lý địa giới hành chính. Ông nghĩ sao?

- Quan điểm của tôi là các phường ở quận 4 có thể sáp nhập gọn lại thành 5-6 phường. Nhưng mà tiếp đó, quận cũng phải tính. Nếu tính theo nghị định 1211, với diện tích như vậy (quận 4 diện tích 4 km2) thực tế thành lập phường chưa đủ. Tất nhiên, nói vậy hơi khập khiễng một chút vì diện tích chưa đủ một phường nhưng dân số thì quá lớn.

8 quận nhỏ ở TP.HCM có thể tìm cách để sáp nhập ảnh 1Theo ông Đạo nên sáp nhập các quận có diện tích từ 4-7 km2 thành những quận lớn hơn để tinh giản bộ máy. Trong ảnh là quận 4 nằm trên một cù lao với diện tích 4 km2. 

Sáp nhập những quận liền kề có sao đâu. Chẳng qua, nếu không muốn thì mình sẽ đưa ra khó khăn, còn nếu muốn sẽ có cách thuyết phục.

Theo tôi, người dân không quan tâm lớn đến chuyện đang ở quận này thành quận kia, phường này sang phường kia. Tất nhiên có một số người coi trọng giá trị truyền thống, nhưng nếu vận động tốt vẫn thuyết phục được.

- Vấn đề quan trọng của sáp nhập là đụng đến lợi ích, quyền lực của rất nhiều người. Sở Nội vụ tính toán thế nào?

- Đụng đến rất nhiều người nhưng thuận lợi là đường lối đã có, phải xuất phát từ công việc chung, lợi ích chung. Trình độ khoa học công nghệ, trình độ công chức đảm đương được.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Nếu những phường nào mà quá rộng, quá đông dân vẫn phải điều chỉnh cho hợp lý. Nếu mình sáp nhập các phường nhỏ lại, điều chỉnh mấy phường lớn vẫn tốt.

- Nhiều ý kiến cho rằng bộ máy hành chính đang phình ra nhưng thực tế trong nhiều cuộc họp của các sở ngành, địa phương vẫn tiếp tục đề nghị tăng biên chế hay than thở thiếu nhân lực?

- Lúc nào cũng nói thiếu hết. Nhưng hãy quay lại phường Bình Hưng Hoà A (quận Bình Tân) có trên 140.000 dân mà chúng tôi đã khảo sát. Theo quy định, số cán bộ, công chức, làm việc thường xuyên được tới 47 người do đây là phường đông dân. Phường bình thường chỉ có 22 người. Nhưng thực tế, người ta chỉ sử dụng có 39 người, tiết kiệm được 8 người.

Tôi hỏi Chủ tịch phường, với tình hình hiện giờ anh có đảm đương được không, Chủ tịch trả lời là “đảm đương được”. Đó là ví dụ rất rõ ràng.

Thực tế hiện nay, tâm lý thủ trưởng nào cũng muốn quân đông, ban bệ đầy đủ cho oai. Vì sao? Vì ông đâu bỏ tiền túi ra trả lương cho mấy người này đâu.

Đến năm 2020, TP.HCM phải giảm 1.000 công chức

- Vậy Sở Nội vụ đã tính đến phương án gì để giảm lượng lớn công chức của TP?

- Thực tế công chức trong bộ máy hành chính nhà nước ở TP.HCM khoảng hơn 10.000 người không tính lực lượng vũ trang và đơn vị sự nghiệp. Theo chủ trương chung của nhà nước, đến 2020 phải giảm 10% tổng biên chế. Theo lộ trình, TP.HCM sẽ phải giảm hơn 1.000 người. Nếu chia tách ra thì sao giảm được?

Chúng ta đang thực hiện theo quy định của Chính phủ, tức là hai người nghỉ hưu thì chỉ được nhận một người mới. Nhưng thực tế năm 2016 chúng ta chưa đạt kế hoạch.

8 quận nhỏ ở TP.HCM có thể tìm cách để sáp nhập ảnh 2Ông Đỗ Văn Đạo, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM. 

- Khi tách ra thành một quận riêng, bộ máy hành chính cần khoảng bao nhiêu người?

- Khoảng 200 người cho bộ máy hành chính cấp quận. Nhưng theo đó là nhà cửa, xe cộ, kinh phí hoạt động rất lớn.

Chúng ta hiện giờ quận huyện nào phình ra chút là tách, phường nào đông là tách. Chỉ tưởng tượng một bộ máy hành chính tăng thêm như thế nào?

Xu hướng của mình từ xưa tới giờ là thích tách vì dễ. Tách thì được thêm ghế, thêm vị trí, bố trí con người dễ. Còn nhập sẽ khó hơn nhiều vì sẽ đụng chạm nhiều thứ. Ví dụ đang hai ông chủ tịch thì giờ chỉ còn một ông, hai bí thư còn một...

Nếu cứ để tình trạng như hiện tại thì bộ máy cồng kềnh, biên chế tăng, lấy tiền đâu để đâu ra trả lương cao. Lương công chức bây giờ rất bèo bọt, không khuyến khích được người ta làm việc hiệu quả.

 - Lộ trình tinh giản biên chế của TP.HCM sẽ được thực hiện thế nào?

- Tổ tham mưu của Sở Nội vụ trước mắt sẽ tham mưu việc sáp nhập các phường. Nhưng theo cá nhân tôi tiến tới cũng phải tính tới quận như quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 10, quận 11, Phú Nhuận. Những địa phương này chỉ có diện tích từ 4-7 km2, dân số trên dưới 200.000 mà mỗi nơi cũng một bộ máy.

Thực tế người ta nói công chức sáng cắp ô đi chiều cắp ô về không phải là không có.

Theo Zing
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.