Liên quan đến vụ phát hiện 8.815 lít chất lỏng nghi là xăng máy bay bị Đội Quảng lý thị trường số 9 (thuộc Chi cục QLTT Hưng Yên) phát hiện, Trung tâm kỹ thuật thiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (thuộc Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) đã thông báo kết quả giám định chất lỏng này. Điều ngạc nhiên là mẫu chất lỏng này về cơ bản là xăng nhưng lượng chì lại cao gấp 80 lần và không xác định được Trị số Octan (một chỉ tiêu quan trọng trong xăng) khiến các chuyên gia khó rút ra kết luận đây là xăng, dầu hay một loại sản phẩm nào thuộc danh mục quản lý của Bộ KHCN. Hơn nữa, chất lạ trong xe bồn chở xăng này là chất không thể tiêu hủy theo quy trình thông thường.
Cụ thể kết quả giám định là hàm lượng chì lên đến 0,8651 g/l (Gam trên lít) trong khi hàm lượng chì tối đa trong xăng A92 chỉ là 0,013 g/l.
Chiếc xe bồn chở gần 9.000 lít chất lỏng lạ nghi xăng máy bay. Ảnh Dân trí.
Câu hỏi đặt ra là chất lỏng này dùng để làm gì? Và vì sao lại dùng xe bồn chở xăng nếu không phải là xăng? Dư luận đặt ra nghi vấn, có hay không việc sử dụng chất này pha cùng xăng kém chất lượng để “hô biến” thành xăng xịn?
Trả lời trên báo Đầu Tư, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia nhận định: "Những dấu hiệu nghi vấn dùng loại chất lỏng này để pha chế thành xăng cần phải điều tra làm cho rõ... Rất có thể các đối tượng dùng mọi thủ đoạn, lợi dụng việc xăng A83 tồn kho còn nhiều để cho các chất làm tăng chỉ số như A92, A95 để bán kiếm lời".
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, xăng A83 đã bị dừng lưu hành trên thị trường từ ngày 1/1/2014. Tuy nhiên, loại xăng này vẫn còn tồn tại qua nguồn nhập lậu và tồn kho. Chính vì thế, nguy cơ một số cá nhân lợi dụng pha chế A83 thành A92,A95 xịn rất cao.
Việc không xác định được chất lỏng này thuộc loại hóa chất gì khiến vụ việc trở nên nghiêm trọng hơn. Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhận định: “Đây là một chất mới, giờ phải xác định đó là chất gì, hay một chất mới được nghiên cứu và nhập về Việt Nam. Thậm chí, không loại trừ nước nào đó nghiên cứu chất mới rồi nhập về Việt Nam để thử nghiệm, điều đó không chấp nhận được”.
Hiện tại, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng I đang so sánh với các quy chuẩn trong nước và quốc tế để xác định chất đó là gì rồi mới rút ra kết luật chính xác.
Trước đó, ngày 4/3, chiếc ô tô mang BKS 29C 391.61 đã bị Đội QLTT số 9 tạm dừng và phát hiện trên xe chở 8.815 lít chất lỏng nghi là xăng, không có hóa đơn và chứng từ kèm theo.
Nghi ngờ này bắt nguồn từ việc Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã nhận thông tin tố giác về hành vi móc nối bơm hút xăng dùng cho máy bay tại khu vực kho của Công ty TNHH Một thành viên 165 (thuộc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội tại thị trấn Bần Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên) để đưa ra tiêu thụ bên ngoài. Vì thế, chất lỏng trong xe bồn mới bị nghi là xăng đặc chủng của máy bay. Nếu pha loại xăng này với xăng xe máy thông thường sẽ dẫn đến cháy nổ xe rất cao, có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho người và của. Hơn nữa, gần đây, các vụ cháy nổ liên quan đến ô tô, xe máy ngày một tăng càng củng cố hơn cho nghi vấn đặt ra.
Bình Nguyên (t/h)