Những trang viết xúc tích mà tràn ngập cảm xúc, những bức ảnh sống động làm nền cho các câu chuyện đa diện về phụ nữ vùng cao, nếu nhìn rộng ra từ hành trình “99 ngày hạnh phúc” có lẽ nhiều người sẽ đồng tình rằng đó không còn là chuyến đi của cá nhân nhà báo Nguyễn Bông Mai nữa, mà đã trở thành một cuốn sách mở, tái định hình những ấn tượng về nữ giới trong suy tư của mỗi cá nhân.
_________________
“Dám sống một cuộc đời rực rỡ” là thông điệp mà Nguyễn Bông Mai - Biên tập viên Tạp chí Ngày Nay - vô cùng tâm đắc và cũng do chính chị đề ra. Càng hạnh phúc hơn bởi sau chuyến khởi hành vào đúng ngày hoàng đạo (Mùng 2 Tết Nhâm Dần) của mình, câu “tuyên ngôn” này của Bông Mai đã được nhiều bạn bè trong giới báo chí lan tỏa rộng rãi.
Vì vậy Bông Mai càng quyết tâm thực hiện chuyến đi kéo dài hơn 3 tháng chị dự định. Bên cạnh mục tiêu về nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa của các dân tộc, chuyến đi sẽ có ý nghĩa đánh thức khao khát của rất nhiều phụ nữ, đưa họ chạm tới mọi cung bậc cảm xúc và tìm lại những rực rỡ vốn có bên trong mỗi người.
Hơn một phần ba hành trình đã đi qua, với những dòng nhật ký ghi nhanh trên đường, phần nào con gái của cố nhạc sĩ An Thuyên đã hiện thực hóa được mong muốn ấy. Suốt dọc dài chuyến đi từ Mộc Châu, Yên Châu, Quỳnh Nhai (Sơn La), Tuần Giáo, Tủa Chùa (Điện Biên), Nậm Tăm (Lai Châu)… Bông Mai có cơ hội gặp rất nhiều phụ nữ, chứng kiến những cảnh đời, chia sẻ về chuyến đi của mình và lắng nghe những câu chuyện về họ. Để rồi trong sự trải nghiệm đáng quý đã được chắt lọc, gói ghém, chị tiếp tục khơi gợi nhiều xúc cảm về hình ảnh của một người phụ nữ hiện đại, tự chủ.
Trong một cuộc nói chuyện rất dài và nhiều lần ngắt quãng bởi Bông Mai đang ở một bản rất xa trên Lai Châu, chị say sưa kể ấn tượng của mình về những người phụ nữ dân tộc khoáng đạt mà tình cảm trong hành trình đã đi qua.
Đó là hình ảnh đầy bản lĩnh của nghệ nhân Lò Thị Xuân. Người phụ nữ dân tộc Thái hằng ngày chứng kiến cảnh các giá trị nghệ thuật truyền thống của bản làng nơi mình sinh sống có nguy cơ mai một, đã tìm cách kết nối với hơn 60 thành viên khác trong cộng đồng để lập ra Câu lạc bộ yêu văn hóa Thái cổ Mường Vạt - Yên Châu (Sơn La).
Cũng tại Yên Châu, Bông Mai đón nhận tình cảm vô cùng ấm áp của một bà mẹ người Thái. Do cảm phục “thân gái dặm trường” lên Tây Bắc và niềm quý mến nữ nhà báo miền xuôi, bà Lò Thị Viển đã nhất định mời chị về nghỉ chân tại ngôi nhà xinh xắn nằm ven đường quốc lộ của vợ chồng ông bà. Tại đây, Bông Mai đã được bà Viển “chiêu đãi” gội xông và ăn những thức ăn bằng cây lá mát lành hái từ vườn nhà, trong lúc nghe bà chia sẻ những tập tục tốt đẹp của văn hóa Thái, về mong ước bảo lưu những truyền thống xa xưa giữa cuộc sống hiện đại.
Hay như bên cầu Pá Uôn bắc ngang qua hồ sông Đà, chị đã gặp bà Lò Thị Pháu, một người phụ nữ lớn tuổi luôn trăn trở với công tác bảo tồn văn hóa của người Kháng. Trong câu chuyện, bà Pháu luôn nói về mong muốn các thế hệ tiếp theo gìn giữ văn hóa. Dù chưa nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức đoàn thể, nhưng bằng sức của mình, bà cần mẫn truyền đạt tình yêu với tiếng nói người Kháng cho các con cháu nội ngoại. Bà Pháu tự tay may trang phục cổ truyền, chăm chút từng họa tiết, từng miếng bạc nhỏ trên lưng áo để thể hiện rõ đặc trưng dân tộc. Bà cũng là “cuốn từ điển sống” về dân ca và các điệu múa cổ. Qua các bức ảnh trong hành trình “99 ngày hạnh phúc”, có thể cảm thấy một hy vọng lấp lánh về sự tiếp nối những điều bà Pháu đang làm trong mắt của những đứa trẻ người Kháng.
Bông Mai cho biết không kỳ vọng to tát vào chuyến đi mà mong mỗi ngày trong hành trình là những ngày được sống đúng phương châm “đong đầy hạnh phúc”. Hạnh phúc ở đây không chỉ là những chuyện vui, đạt được những điều mong muốn mà còn là những chuyện buồn. Chính qua nỗi buồn, bản thân chị thấm thía thông điệp hãy trân trọng cuộc sống của mình, những may mắn mình đang có.
Song hành cùng các câu chuyện tích cực, nữ nhà báo cũng đau đáu trước thực trạng đáng những cô bé còn rất trẻ, khoảng 13-15 tuổi đã phải lấy chồng, nuôi con mọn. Có những bé gái dân tộc Bông Mai gặp trên hành trình chỉ bằng tuổi con gái của chị. Vậy mà trong khi cô bé ở phố vẫn đang mong học tiếp lên, chưa vướng bận chuyện yêu đương thì những cô bé ở bản đã buộc phải làm mẹ, thậm chí làm mẹ của 2-3 đứa trẻ nheo nhóc.
Chính vì vậy chị muốn chia sẻ câu chuyện này, kết nối để những cá nhân, tổ chức tạo điều kiện cho các cô gái dân tộc được giáo dục toàn diện, có hiểu biết, có công ăn việc làm ổn định, nuôi được bản thân rồi từ đó tự đưa ra những lựa chọn cho cuộc sống tương lai. Giáo dục không chỉ mang lại cuộc sống tốt hơn, mà còn giúp phụ nữ vùng cao có cơ hội nhận thức sớm rằng họ có thể đi một con đường rất khác.
Bông Mai xót xa kể: “Khi tôi vào bản, đa số phụ nữ đều nghĩ tôi ít tuổi, gọi tôi bằng em vì họ đều đã là bà của một đống cháu. Nhưng khi hỏi ra mới biết họ còn khá trẻ, kém cả tuổi tôi và lúc đấy tôi cảm thấy sự nuối tiếc trong ánh mắt họ. Họ cứ xuýt xoa hỏi sao lại được trẻ như thế? Hay vì ở thành phố sướng? Lúc tôi nhắc họ tháo khăn, vấn lại tóc để lên hình cho đẹp, họ bảo ngại lắm vì tóc bạc hết cả rồi. Tôi nghĩ lam lũ, tuổi già và xấu đi là những điều bất cứ người phụ nữ nào cũng sợ hãi, đau khổ. Tại sao lại để họ trải qua hết nửa đời rồi mới nhận ra có những cuộc sống rất khác, để họ tiếc nuối tuổi thanh xuân của mình?”
Qua những cuộc đối thoại, cảm nhận cá nhân của Bông Mai là những người phụ nữ trên bản rất chân thật và cầu thị. Họ hiểu họ vẫn còn nhiều thiếu sót nên luôn thể hiện mong muốn được chia sẻ, được nói chuyện và hiểu biết. Điểm nổi bật của họ còn là sự nồng hậu, đầy quan tâm. Mà sự quan tâm này rất chân thành, tự nhiên như cây cỏ dù là những chi tiết nhỏ nhất.
Khi Bông Mai nói về chuyến đi của mình, về thông điệp phụ nữ dám sống cho bản thân và có thể làm được tất cả những điều mình mong muốn, những người phụ nữ dân tộc đều bày tỏ sự ngưỡng mộ và chia sẻ với chị. Họ chăm chú lắng nghe câu chuyện, hào hứng hỏi về những nơi đã đi qua có những chỗ nào đẹp. Chính sự chân thành, hào hứng của họ khiến những cuộc gặp gỡ tuy thoáng chốc nhưng đạt được sự thấu hiểu nhất định.
Bên cạnh đó, có một chuyện là khi Bông Mai đăng thông tin mình chuẩn bị hành trình 99 ngày đăng trên một hội nhóm xuyên Việt. Một số phụ nữ trong nhóm phản hồi bày tỏ sự lo ngại, hỏi “đi như thế thì gia đình, con cái ai chăm” hay “trên đấy có gì hay mà đi lâu như thế”. Chính những câu hỏi này đã bộc lộ giới hạn, những điều ngăn trở ngay cả những người phụ nữ được coi là hiện đại. Bởi nó khiến thước đo của người phụ nữ rút ngắn lại chỉ còn là nhận xét của chồng con hay cái nhìn từ những người xung quanh.
“Tôi không có thước đo cá nhân hay bất cứ một chuẩn mực nào để so sánh, nhận xét về những người phụ nữ mình gặp. Dù vậy, ở một khía cạnh nào đó, tôi vô cùng ngưỡng mộ những người phụ nữ dân tộc khi họ không vướng vào các định kiến để nhìn nhận một người phụ nữ khác”, Bông Mai bộc bạch.
Bài: Nguyệt Linh
Thiết kế: Thúy Hà