Đó là một câu thoại rất ấn tượng trong bộ phim “Everest” được phát hành trên toàn thế giới năm 2015 về một thảm hoạ có thật về hành trình chinh phục đỉnh núi cao hơn 8000m này. Mượn câu hỏi này để làm tựa cho câu chuyện dưới đây của tôi.
_____________________________
Tôi đã may mắn có mặt trong chuyến đi khám phá hang Sơn Đoòng vào tháng 5/2021. Trước đây tôi đã từng nhiều lần “dòm ngó” nhưng đều phải vào danh sách chờ cả năm. Nhưng do tình hình dịch bệnh nên khách du lịch nước ngoài đã không thể vào Việt Nam. Chính vì thế cơ hội cho người dân trong nước được mở ra.
Tôi gửi bản đăng ký của mình với danh sách các điểm đã từng đi: Tiger Nest (Buhtan), Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn và cả chuyến lái xe ô tô 17 ngày xuyên Việt. Có lẽ nó đã giúp tôi ghi điểm để được vào danh sách sớm hơn dự định. Gần 70 triệu đồng không phải là số tiền nhỏ, nhất là với người vừa mới quyết định nghỉ làm để về quê sống cuộc sống bình dị hơn nơi phố thị như tôi. Nhưng Sơn Đoòng luôn là chuyến đi của thanh xuân mà biết bao người mơ ước. Tôi quyết định lên đường!
Sơn Đoòng là một hành trình của rất nhiều hoạt động liên tục trong 4 ngày 3 đêm. Từ leo trèo, lội suối, cao, thấp…đủ cả. Tôi là một đứa yếu cả tim và phổi, sợ độ cao thế mà cả chặng đi không phải dừng lần nào. Có lẽ cảnh đẹp thay đổi liên tục, trải nghiệm nhiều điều mới lạ đã khiến cho tôi không còn thấy mệt. Nhưng việc tụt xuống hang Sơn Đoòng lại là một trải nghiệm toát mồ hôi đúng nghĩa đen.
Ở độ sâu 80 m dù với dây đai an toàn quanh người vẫn làm tôi bủn rủn chân tay. Xung quanh là vách đá, phía dưới là hố đen sâu hun hút, phía trên đầu thì càng ngày càng tối lại do thay đổi độ sâu. Với đứa chả bao giờ tập luyện tay, cũng chưa bao giờ học cách leo núi để biết chân nên đặt ở đâu, tay nên bám thế nào nên tay tôi như muốn rã ra, không có đủ sức để bám vào dây. Tim tôi đập nhanh hơn bao giờ hết vì sợ. Mỗi lần như thế tôi rất hụt hơi thở và cảm thấy không còn đủ sức để thở. Phổi yếu nên lúc đó các cơn thở dốc càng ngắn hơn, nhanh hơn. Lúc đó trong đầu tôi thoáng nghĩ: Tại sao mình lại bỏ ra một số tiền lớn đến như vậy để mang cái sợ vào mình thế này? Càng xuống phía dưới càng tối và lạnh nhưng mồ hôi vẫn toát ra. Tôi đã hiểu thế nào là sợ toát mồ hôi! Cảm giác sợ nó đến từ những thứ không phải là thói quen hay môn thể thao mình đã biết. Hơn nữa lại là thứ mình vẫn liệt nó vào “black list” đó là độ cao. Nhưng cái làm tôi nhát đó là vì tôi là người xuống đầu tiên.
Hành trình tụt xuống hang đáng sợ hơn vì phía dưới chẳng có “đồng bọn” nào chờ, hay chí ít mình có thể biết trước là có sợ hay không, hoặc cũng kiểu: bạn đi được thì mình đi được. Bao nhiêu cái thứ lẩn thẩn ấy cứ quẩn quanh nên tôi càng thấy thời gian xuống hang dài lê thê. Khi chạm chân đến đất hai chân tôi run lẩy bẩy không thể đứng vững nhưng miệng vẫn hét toáng lên một cách đầy vô thức: Mình đã làm được rồi! Ngồi trong lòng hang tối om chờ lần lượt các bạn đồng hành xuống, tôi mỉm cười với chính mình dù chân tay vẫn chưa thể thôi ngừng run, mồ hôi vẫn còn vã ra như đứng dưới trời nóng. Tôi mỉm cười vì hành trình ấy cho tôi trải nghiệm đủ cảm giác sợ hãi, nỗ lực và tập trung.
Chinh phục một đỉnh cao, một thử thách nào đó giữa thiên nhiên hùng vĩ là một trải nghiệm khó gặp lại lần thứ hai trong đời. Những cái chạm từ ánh mắt tới cảnh vật khiến bạn sẽ phải thốt lên. Những cái hít hơi thật sâu khi bạn đứng giữa một cánh rừng nguyên sinh rộng lớn. Những người bạn mới quen trong hành trình đủ để vừa thấy vui, thấy lạ và thành quen. Và trên tất cả, đó là hành trình chinh phục chính bản thân mình. Như tôi, nếu sợ mình có bệnh mà không dám đi thì chẳng bao giờ biết làm thế nào để chung sống hoà bình với bệnh. Làm thế nào để khiến cơ thể mình khoẻ mạnh hơn trong mọi điều kiện của cuộc sống. Và cũng chính những giá trị đó đã khiến cho chúng ta trân trọng cuộc sống mỗi ngày còn được hít thở, còn được thấy những điều buồn vui.
Bản thân chúng ta có quá nhiều nỗi sợ, nhưng là những nỗi sợ không có cơ sở mang đầy sự hoang tưởng. Khi niềm tin vào bản thân và sự chiến thắng khó khăn, không lùi bước trỗi dậy thì mọi sự lo lắng sẽ bỗng dưng tan biến. Nếu nhìn theo góc nhìn Phật giáo, thì khi ta chế ngự được cảm giác sợ hãi, lo lắng đó là khi ta vượt qua được mọi nghịch cảnh để đạt được trạng thái vô uý. Mọi sự sợ hãi, lo lắng mà tôi có trong những chuyến hành trình của mình đều là do sự bám chấp vào thân, vào quá khứ và vào những ảo giác của mình.
Trở lại với bộ phim "Everest" mà tôi đã nhắc trong phần đầu. Khi một nhân vật đặt câu hỏi “Tại sao phải chinh phục – khi chúng ta phải đối diện với cái chết, với hiểm nguy, với khó khăn và cũng phải trả những số tiền rất lớn để bước vào những gian nan đó?” - Đó là vì những bài học mà chỉ có những con người dám bước đi mới có thể hiểu được. Và tôi, tôi đến với leo núi, với khám phá không phải vì đam mê. Đam mê đó không được nẩy mầm trong tôi ngay những ngày đầu. Mà nó được hình thành từ những lần đối diện với sự sợ hãi và cô đơn khi tôi tự trói mình vào trong đó như một chiếc mạng nhện vô hình không thể gỡ. Tôi quyết định bước đi, gỡ bỏ những điều tiêu cực để nạp cho mình những năng lượng mới đầy hạnh phúc. Và nếu ai hỏi tôi vì sao tôi phải chinh phục, tôi sẽ trả lời: “Để tôi được là chính mình! Để được sống một cuộc đời không hoài phí! Để được hiểu rằng hạnh phúc là một hành trình, không phải là đích đến cuối cùng trên chặng đường mà tôi đang bước đi!”.
Bài: Bông Mai
Thiết kế: Thúy Hà