Phiên họp lần thứ 2 trước đó đã phải tạm dừng do hai bên không tìm được tiếng nói chung khi phía đại diện chủ sử dụng lao động đề xuất chỉ tăng 5%, trong khi đó Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng 8%. Trước phiên họp lần thứ 3 - phiên họp mang tính quyết định - diễn ra, PV Báo Lao Động đã ghi nhận ý kiến của các chủ doanh nghiệp, cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNLĐ về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.
Đừng để khi về hưu, công nhân thành người nghèo
Ông Huỳnh Tấn Tài – Cty Hong IK Vina (KCX Tân Thuận, TPHCM): Lương tối thiểu vùng cần tăng ít nhất 10%
Khi đưa ra mức tăng lương tối thiểu vùng (LTT) 8%, chúng tôi nghĩ Tổng LĐLĐVN đã có những cân nhắc và tính toán rất kỹ sao cho phù hợp, cả chủ doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) chấp nhận được. Tuy nhiên, thực lòng mà nói, mức tăng LTT 8% trong bối cảnh này cũng chưa thực sự giải quyết được nhu cầu sống của CNLĐ, từ khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp, chúng tôi đã mong muốn LTT được điều chỉnh phải tăng ít nhất 10% mới đảm bảo được mức sống tối thiểu của CNLĐ.
Tôi ví dụ, CNLĐ tại quận 7 (TPHCM) thuê phòng trọ gọi là sống được phải trả 1,5 triệu đồng/tháng, chưa kể điện, nước, chi tiêu sinh hoạt cơ bản… Đó là công nhân chưa có con, các gia đình công nhân có con thì chi tiêu càng chắt chiu hơn nữa, trong tháng phát sinh cái đám cưới thôi đã thấy lúng túng lắm rồi. Đại diện DN là VCCI cho rằng DN đang khó nhưng tôi nghĩ, DN khó 1 thì CNLĐ khó 10. VCCI nên xuống với NLĐ để nghe NLĐ nói, chứ không chịu xuống rồi ngay từ đầu là đề xuất “Không tăng” thì thật quá đáng!
Bà Trần Thị Hồng Vân – Cty TNHH Nissei Electric Việt Nam: Muốn năng suất lao động cao, máy móc phải hiện đại
Thực tế hiện nay cho thấy, để công nhân có thể sống được thì họ phải tăng ca rất nhiều. Việc công nhân phải làm 12 giờ/ngày, tăng ca 100 giờ đồng hồ/tháng không còn là chuyện hiếm ở các DN trực tiếp sản xuất, ở hầu khắp các ngành nghề. Một lý do mà đại diện các chủ DN luôn đưa ra để làm lý do không tăng lương cho NLĐ hoặc hạ đến mức thấp nhất mức điều chỉnh LTT là chê năng suất lao động của NLĐ Việt Nam thấp.
Tôi cho rằng, lý do này là không thuyết phục, vì năng suất lao động muốn cao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ngoài yếu tố tay nghề của NLĐ. Một DN mà máy móc cũ kỹ, thiết bị lỗi thời, cơ cấu nhân sự quản lý không phù hợp thì không thể yêu cầu năng suất lao động cao.
Bà Võ Thị Sao (từng làm công nhân tại một Cty liên doanh về may mặc, TPHCM): Đừng để khi về hưu, công nhân thành người nghèo
Năm 2010 tôi nghỉ việc. Lúc đó tôi đã 57 tuổi, tuy nhiên tôi mới đóng BHXH được 18 năm và 2 tháng, chưa đủ điều kiện nhận hưởng hưu trí (Luật BHXH quy định phải đóng đủ 20 năm - PV). Để an tâm hưởng tuổi già, tôi đóng BHXH tự nguyện thêm 2 năm nữa. Đến năm 2012, tôi chính thức được nhận lương hưu. Ngày cầm quyết định nhận lương hưu, tôi bị sốc vì lương hưu quá bèo bọt. Với mức lương hưu hơn 1,2 triệu đồng/tháng, mọi chi tiêu của tôi phải hết sức chi li vì chồng đã mất, con cái đứa nào cũng vất vả, lương của chúng còn chưa lo nổi cho con chúng thì sao đèo bồng thêm cho mẹ.
Nay Nhà nước tăng lương cơ sở thì lương hưu của tôi cũng tăng thêm chút đỉnh nhưng cũng không thấm vào đâu, sống giữa thành phố lớn nhất nước mà mỗi ngày tôi không được tiêu quá 40.000 đồng. So với tiêu chuẩn hộ nghèo của TPHCM là thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống (tức 1,75 triệu đồng/tháng) thì tôi còn thua xa.
Nguyên nhân của mức lương hưu bèo bọt của tôi chính là do mức lương làm căn cứ đóng BHXH của tôi quá thấp, DN cũng chia nhỏ lương, NLĐ muốn sống được cũng phải tăng ca. Cho nên khi xem thông tin Tổng LĐLĐVN và VCCI “cò kè” từng chút một mức tăng LTT, tôi thấy khá thất vọng và lo cho con tôi, cũng là công nhân, sau này, cuộc sống của chúng cũng sẽ không thể nào khá hơn tôi, tức là sống dưới chuẩn hộ nghèo.
Ông Lê Bá Minh - người lao động tại Khu công nghiệp Hoà Khánh, Đà Nẵng: Doanh nghiệp cần đầu tư để người lao động làm việc tốt hơn
Riêng về việc có thể đề đạt mức lương cao hơn LTT, tôi cho rằng, NLĐ cũng có quyền lựa chọn nơi nào có mức lương cao hơn khi họ bắt đầu có tay nghề và có cơ hội lựa chọn. NLĐ chúng tôi luôn mong muốn nhận được chế độ chăm sóc phù hợp, trong đó có cả việc đầu tư trang thiết bị máy móc, cập nhật các thiết bị mới để NLĐ làm việc tốt hơn chứ không phải chấp nhận mãi một loại máy cũ. Nói “Chăm sóc phù hợp” là vì không phải NLĐ nào cũng yêu cầu phải thế này thế khác, nhưng khi NLĐ thấy được sự quan tâm đó thì tự khắc họ sẽ làm việc năng suất cao hơn.
Công nhân Tuyết Sương - Khu công nghiệp Hoà Cầm, TP.Đà Nẵng: Lao động tốt hơn khi có mức lương phù hợp
Là những NLĐ chân tay thì việc mỗi năm được tăng lương luôn là điều chúng tôi mong đợi, vì vậy nếu có thể tăng cao hơn những năm trước thì đó là niềm vui của NLĐ. Bởi chúng tôi đi làm chỉ mong đồng lương mỗi ngày có thể giúp xoay xở được cuộc sống, nếu được thì có dư dả thêm. Trong 6 năm làm việc, công ty của tôi cũng đã có nhiều lần thay đổi máy móc, thiết bị, giúp cho công nhân làm việc hiệu quả hơn.
Cũng từng đó thời gian, cùng số lượng sản phẩm nhưng công nhân làm việc nhẹ nhàng hơn, vui vẻ hơn. Tôi nghĩ đó cũng là cách động viên NLĐ và cải thiện năng suất cũng như môi trường lao động. Hiện nay những lao động phổ thông như chúng tôi chỉ mong chờ vào những đợt thay đổi (điều chỉnh) lương của Chính phủ. Vậy nên nếu bây giờ NLĐ có thể đề đạt mức lương với doanh nghiệp, thậm chí còn cao hơn LTT, có ý kiến với bảng lương thì thật sự rất tốt. Làm như vậy, doanh nghiệp có thể hiểu đời sống của NLĐ, có mức lương phù hợp để cuộc sống của NLĐ được tốt hơn, từ đó lao động tốt hơn.
Công nhân Nguyễn Phương Nam (Cụm công nghiệp Tân An, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk): Mức tăng 8% phù hợp với các khu vực còn nhiều khó khăn
Tôi nghĩ mức đề xuất tăng lương 8% do Tổng LĐLĐVN đưa ra là phù hợp với thực tế tại các khu vực còn nhiều khó khăn như ở Tây Nguyên. Lâu nay mức LTT đưa ra thật sự không thể “chạy kịp” so với mức sống tối thiểu của CNLĐ tại nhiều tỉnh, thành. Tôi tin chắc rằng, mức đề xuất tăng lương 8% của Tổng LĐLĐVN như vậy còn tạo tâm lý cho NLĐ yên tâm trong lao động, sản xuất.
Công nhân Đinh Thị Hương (Cty May liên doanh Plummy, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội): Chúng tôi phải chi tiêu dè sẻn mới đủ sống
Cty tôi thuộc vùng I. Lương cơ bản của tôi là 4,2 triệu đồng, tháng nào làm tăng ca thì tổng thu nhập cũng được khoảng 5 triệu đồng. Các chế độ khác như làm tăng ca, làm ngày chủ nhật, tiền chuyên cần đều được Cty trả đầy đủ. Chồng tôi cũng là công nhân. Vợ chồng tôi có 2 con gái, cháu lớn chuẩn bị vào lớp 1, cháu bé 3 tuổi học mẫu giáo. Tiền học cháu lớn chưa được nhà trường thông báo; nhưng tiền gửi cháu bé mỗi tháng là 700.000 đồng. Tiền thuê nhà trọ mỗi tháng hết 500.000 đồng. Như vậy, gia đình tôi phải chi tiêu hết sức dè sẻn mới tạm đủ sống. Do đó, với hoàn cảnh của mình, mỗi tháng thêm được vài trăm đồng là rất quý. Đó là lý do tôi ủng hộ mức đề xuất tăng 8% LTT năm 2018 của Tổng LĐLĐVN.
Công nhân Dương Văn Khương (Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội): Mong doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến
Trước việc có ý kiến cho rằng, năng suất lao động của CNLĐ còn thấp, tôi cho rằng không thể đổ hết cho CNLĐ. Phần đông CNLĐ hiện nay đều có ý thức chấp hành các nội quy, quy định của Nhà nước và của DN trong lao động. CNLĐ cũng ý thức và hướng tới làm việc với tác phong công nghiệp. Ai cũng mong làm việc tích cực để có năng suất lao động cao, vì năng suất lao động cao thì mới có thu nhập cao hơn. Nói năng suất lao động thấp thì cũng cần xem việc các DN đã đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến chưa.
Mặt khác, khi nói đến năng suất lao động cũng cần xem các DN sắp xếp lao động hợp lý chưa, việc sắp xếp có phát huy được tay nghề, sở trường của từng CNLĐ không; việc phân phối phúc lợi cho CNLĐ ra sao để khuyến khích tinh thần làm việc của CNLĐ. Nguyện vọng của tôi và nhiều công nhân khác là mong muốn DN đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến và chúng tôi sẵn sàng học để hiểu biết về công nghệ, có kỹ năng thao tác nhuần nhuyễn, làm việc sáng tạo để nâng cao năng suất lao động.
Công nhân Nguyễn Huy Phương (Cty TNHH Asahi Intecc Hà Nội): Công nhân mong được trả lương xứng đáng
Đi làm việc để được trả lương và công đoàn (CĐ) là người đại diện của CNLĐ, vậy nên CNLĐ luôn mong muốn CĐ giám sát việc xây dựng thang, bảng lương của DN để tránh thiệt thòi cho mình. Việc xây dựng thang, bảng lương, trả lương của các DN phải theo quy định của Nhà nước và trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh của DN.
Tuy nhiên, cũng cần trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định. Vai trò giám sát việc xây dựng thang, bảng lương của CĐ là rất cần thiết nhằm giúp DN rà soát, đảm bảo trả lương đúng cho NLĐ. Là CNLĐ, chúng tôi luôn phấn đấu lao động sản xuất, muốn làm việc năng suất cao để được hưởng lương cao hơn. Có người nói, nếu lương cao hơn thì mức đóng BHXH sẽ cao hơn; nhưng hiện nay với nhận thức của mình, CNLĐ đều sẵn sàng vì được đóng mức BHXH cao hơn thì sau này lại có lương hưu cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam: Cần tăng lương để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động
Thực tế hiện nay cho thấy không phải tất cả DN đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cho NLĐ. Qua khảo sát cho thấy, thực sự NLĐ tại một số DN hiện rất thiệt thòi, nhất là lao động trẻ làm việc tại nhà hàng, khách sạn, sân golf…
Tại nhiều nơi, DN không những trả lương thấp mà thậm chí còn không đóng bảo hiểm cho NLĐ. Điều này không những sai về luật mà còn vi phạm đạo đức. Nhiều NLĐ dù nhận thức được sự bất công nhưng vì “miếng cơm manh áo” vẫn phải đi làm. Thực trạng DN trốn đóng bảo hiểm cho NLĐ đang là vấn đề nhức nhối khó xử lý và ngày càng biến tướng muôn hình vạn trạng cho thấy văn hóa DN yếu kém.
Tôi ủng hộ mức tăng LTT phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Nếu mức tăng chỉ đủ bù đắp được trượt giá, lạm phát thì thực chất là không tăng lương, NLĐ không được hưởng gì. Khi đã có chủ trương tăng lương thì đó phải là một chủ trương thực sự để giải quyết được vấn đề đời sống của NLĐ. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, việc tăng lương chắc chắn sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến DN, nhưng không có nghĩa vì thế mà không tăng.
Bà Vũ Thị Liên Minh - Chủ tịch CĐ Cty TNHH Đầu tư Thái Nguyên: Cần tăng lương để người lao động có thể nuôi sống gia đình
DN hoàn toàn có thể đảm đương mức tăng LTT vùng để tạo điều kiện cho NLĐ ổn định cuộc sống, chỉ khi NLĐ ổn định việc làm thì DN mới ổn định về doanh thu. Mức LTT chính là cơ sở tính toán, trên cơ sở đó người sử dụng lao động và NLĐ ký hợp đồng thỏa thuận mức lương phù hợp. Trong 6 tháng đầu năm 2017, thu nhập bình quân của NLĐ trong Cty là khoảng 9,5 triệu đồng/người/tháng, dựa trên cơ sở những đóng góp của NLĐ, DN hiện còn đề xuất tăng lương và thưởng cho NLĐ đi sâu vào hiệu quả và chất lượng công việc.
Theo Lao động