Hãng tin "Reuters" ngày 20-6 dẫn nguồn từ Trung tâm nghiên cứu quân sự IHS Janes cho biết, Ấn Độ đang mở rộng chương trình bí mật làm giàu Uranium nhằm mục đích sản xuất vũ khí nhiệt hạch (tức bom hydro, hay còn gọi là bom H).
Theo trung tâm này, cơ sở mới tại nhà máy kim loại quý hiếm phía nam Ấn Độ đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất uranium cấp độ vũ khí với số lượng lớn hơn nhiều so với nhu cầu cần thiết cho các hạm đội tàu ngầm hạt nhân của nước này. Theo đánh giá của Janes, nhà máy nằm gần thành phố Mysore sẽ bắt đầu hoạt động vào giữa năm 2015.
Với hành động phát triển vũ khí nhiệt hạch này, Ấn Độ sẽ giành được lợi thế tích cực hơn trong cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc và Pakistan, trở thành quốc gia thứ sáu sở hữu bom nhiệt hạch. Hiện nay, trên thế giới mới chỉ có 5 nước sở hữu vũ khí nhiệt hạch là "Bộ ngũ" Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc New Delhi theo đuổi cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân gây nguy cơ đe dọa rất lớn cho an ninh trên toàn thế giới. Một trong những khía cạnh quan trọng nhất để Ấn Độ đẩy mạnh phát triển loại vũ khí này là New Dehli chưa ký "Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân".
Năm 1998, sau một loạt thử nghiệm trong khuôn khổ chương trình mang tên "Chiến dịch Shakti", Ấn Độ chính thức tuyên bố là quốc gia có vũ khí hạt nhân. Theo các nguồn tin mở, nước này có khoảng 100 đầu đạn hạt nhân nhưng chủ yếu thuộc loại vũ khí nguyên tử (thuộc loại Bom A).
Hiện nay, vũ khí hạt nhân chủ yếu được phân làm 2 loại là Bom A và Bom H, được phân biệt với nhau bởi cơ chế giải phóng năng lượng.
Loại bom có cơ chế nổ theo kiểu phân hạch, tức là phân rã hạt nhân để giải phóng năng lượng được gọi là bom nguyên tử (Bom A). Còn Bom nhiệt hạch có cơ chế nổ theo kiểu tổng hợp hạt nhân, lấy năng lượng nhiều hơn từ quá trình nhiệt hạch. Thông thường loại vũ khí này được gọi là bom khinh khí (còn gọi là bom Hydro hay bom H).
Trong vũ khí nhiệt hạch, bức xạ nhiệt tia X từ vụ nổ trong phân rã hạt nhân được dùng để nung nóng và nén đầu mang tritium, deuterium, hoặc lithium mà từ đó phản ứng nhiệt hạch với năng lượng được giải phóng lớn hơn hàng trăm lần so với bom nguyên tử.