Vụ án oan của người tù hai thế kỷ - Huỳnh Văn Nén đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Ngày 3/12 Cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức xin lỗi công khai và trả lại danh dự cho người bị oan.
Không ai có thể khép tội một công dân và bỏ tù oan họ khi chưa có chứng cứ. Thế nhưng, ông Nén thì đã bị ngồi tù 17 năm. Vậy thì ai phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm nghiêm trọng này?
Hành vi ra quyết định trái pháp luật
Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 dành hẳn Chương XXII để quy định về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Ông Huỳnh Văn Nén khóc trong ngày cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận tổ chức xin lỗi. (ảnh: Zing.vn)
Về hành vi ra quyết định trái pháp luật, Điều 296 Bộ luật hình sự nêu rõ: Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Phạ tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
Hành vi dùng nhục hình
Rất nhiều vụ án oan sai, người bị oan thường tố cáo bị điều tra viên dùng nhục hình trong quá trình điều tra, lấy lời khai. Dẫn đến những lời khai không khách quan hoặc người không phạm tội phải nhận mình phạm tội.
Hành vi dùng nhục hình được quy định tại Điều 298 Bộ luật hình sự. Theo đó, người nào dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
Hành vi bức cung
Bức cung hay còn gọi là ép cùng là việc buộc nghi can, bị can phải khai theo ý muốn của người hỏi.
Với tâm lý các cán bộ thừa hành nhiệm vụ cho rằng họ đại diện cho công quyền nên không ít điều tra viên cho rằng mình có quyền ra lệnh và áp đặt ý chí. Khi người bị tình nghi phạm tội không hợp tác thì họ có quyền sử dụng các biện pháp buộc người bị tình nghi phải phục tùng và trong nhiều trường hợp các cán bộ thừa hành nhiệm vụ tự cho mình có quyền đánh người khác. Hành vi này là biểu hiện rõ rệt của bức cung, dùng nhục hình.
Bộ luật hình sự quy định: Người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
Như vậy, trong vụ án oan Huỳnh Văn Nén, nếu có căn cứ về việc ông Huỳnh Văn Nén bị ép cung, dùng nhục hình hoặc quá trình điều tra, truy tố người nào có thẩm quyền biết rõ là trái pháp luật nhưng vẫn ban hành quyết định thì cần khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự những người này.
Luật sư Giang Văn Quyết (Đoàn luật sư TP. Hà Nội)