Cụ thể, Vietnam Airlines dừng khai thác 5 chuyến bay VN592/593 (giữa Hà Nội và Hồng Kông), VN594/595/599 (giữa TP.HCM và Hồng Kông) trong ngày 23.8.2017. Các chuyến bay này sẽ được hãng lên kế hoạch bay bù vào ngày 24.8.2017.
Hãng cũng lùi giờ bay đối với 4 chuyến bay VN502/503 (giữa TP.HCM và Quảng Châu), VN506/507 (giữa Hà Nội và Quảng Châu) trong ngày 23.8.2017.
Vietnam Airlines cho biết rất mong nhận được sự thông cảm của hành khách trong trường hợp lịch khai thác phải điều chỉnh do ảnh hưởng của cơn bão Hato.
Bên cạnh đó, hãng khuyến nghị hành khách đang có kế hoạch đến/đi từ các sân bay Trung Quốc trong thời gian này thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết và thông tin nhằm chủ động lịch trình đi lại.
Lịch trình nhiều chuyến bay đã được điều chỉnh do ảnh hưởng của bão số 6 |
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, bão Hato đã vượt qua phía Bắc đảo Ludong (Philippin) đi vào biển Đông (Cơn bão số 6), sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10-11. Trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, đến 10h ngày 23 tháng 8, vị trí tâm bão ở khoảng 22 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ ngày 23-25/8 ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, các tỉnh miền núi trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to.
Thực hiện Công điện số 43/CĐ-TW ngày 22 tháng 8 năm 2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, để chủ động đối phó với diễn biến mưa, lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương yêu cầu:
Các đơn vị tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; kiểm tra công trình, nhà xưởng để gia cố, khơi thông hệ thống thoát nước; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư và tổ chức ứng trực để kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục mọi hậu quả do mưa, lũ gây ra.
Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị khai thác khoáng sản triển khai các biện pháp chống ngập nước các mỏ hầm lò, lộ thiên; chống trôi than tại các kho, bãi, bến cảng; chống sạt lở các bãi thải; đưa các tầu thuyền về nơi trú ẩn an toàn; bố trí nguồn lực ứng trực tại các khu vực xung yếu để kịp thời ứng phó và di dời dân cư sống gần khu vực bãi thải đến nơi an toàn khi có nguy cơ sạt lở bãi thải.
Các đơn vị điện lực chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, tổ chức ứng trực tại các điểm, khu vực xung yếu để khắc phục nhanh các sự cố lưới điện do mưa, bão gây ra; triển khai phương án đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các phụ tải quan trọng, công trình phòng chống thiên tại, đặc biệt các trạm bơm tiêu, chống úng.
Các đơn vị thuỷ điện triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình; vận hành hồ chứa đúng quy trình, thông báo tình hình vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định; tăng cường cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du khi vận hành xả lũ và phát điện.
Các Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị ngành Công Thương trên địa bàn triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó với mưa, lũ đảm bảo an toàn cho người và tài sản của đơn vị; chuẩn bị sẵn sàng phương án cung cấp hàng hoá thiết yếu phục vụ nhân dân khi có yêu cầu.