Phát biểu trước hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Sri-On, người chủ trì cuộc họp, nhận định những thách thức về y tế, kinh tế và môi trường đã gây áp lực lớn đến hoạt động đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Nhấn mạnh rằng các nền kinh tế thành viên APEC là những nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản, thực phẩm lớn, ông Chalermchai đề nghị “cần phải định hình lại các công việc và mục tiêu của APEC nhằm hướng tới xây dựng một cộng đồng vững mạnh, bao trùm và có khả năng chống chịu những cú sốc trong tương lai”.
Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã nhất trí tăng cường hỗ trợ an ninh lương thực và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, cải thiện sinh kế và phúc lợi, thúc đẩy tính bền vững của tài nguyên và môi trường, tăng cường đổi mới và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như thúc đẩy cân bằng kinh tế, xã hội và môi trường.
Bên cạnh đó, Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị cấp bộ trưởng về an ninh lương thực lần thứ 7 cũng khuyến khích các nền kinh tế thành viên APEC trao quyền cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, phụ nữ, thanh niên và các nhóm khác có tiềm năng kinh tế.
Ngoài ra, các quan chức cũng tán thành kế hoạch thực hiện Lộ trình An ninh lương thực đến năm 2030, trong đó xác định những hành động và sáng kiến cụ thể mà các nền kinh tế APEC có thể lựa chọn để thực hiện theo lộ trình trong các lĩnh vực số hóa và đổi mới, năng suất, toàn diện, bền vững, quan hệ đối tác công tư.